Xăm mình là phong tục truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Lê, một dân tộc thiểu số sống ở phía Nam đảo Hải Nam, Trung Quốc. Theo quan niệm từ xưa do tổ tiên truyền lại, xăm mình là cách tưởng nhớ đến những người mẹ của người dân tộc Lê. Họ tin rằng, người phụ nữ nào không có hình xăm trên người sẽ không được tổ tiên công nhận.
Mỗi cô gái dân tộc Lê được xăm hình lần đầu tiên lúc lên 12 tuổi và hình xăm đó sẽ theo họ suốt cuộc đời. Với họ, việc xăm hình, tuy đau đớn nhưng lại là một điều hết sức thiêng liêng. Nghi lễ xăm hình sẽ được tiến hành vào một ngày mùa thu, được cho là “ngày lành tháng tốt”.
Họ dùng một chất lỏng màu xanh đen làm từ một số loại cây cỏ khô và than củi để làm mực xăm. Sau đó, họ dùng mực này để vẽ các biểu tượng khác nhau lên khắp cơ thể của cô gái, từ mặt mũi, chân tay cho đến thân người.
Tiếp đó, thợ xăm hình sẽ dùng một cây kim làm từ gai tre chích theo những nét vẽ lúc đầu. Khi mực xăm ăn sâu vào da, những hình vẽ sẽ tồn tại đến suốt đời. Để tránh nhiễm trùng, trước khi xăm, người phụ nữ sẽ tắm qua nước nấu với lá nhãn.
Ngày nay, tục xăm mình cổ xưa đang dần biến mất. Những cô gái trẻ dân tộc Lê không còn xăm mình giống như mẹ, bà của họ nữa. Kỹ thuật xăm này cũng dần bị mai một.