Hôi của và bài học vượt qua thảm họa thiên nhiên của người Nhật

Uy Vũ |

(Soha.vn) - Sau thảm họa kép, người Nhật xếp hàng chờ cứu viện, sau tai nạn xe, người Việt chờ hôi của.

 Toàn cảnh vụ HÔI CỦA khiến người Việt xấu hổ

Chuyện nước mình...

Một trong những điều đáng buồn mà ai cũng có thể nhận ra rằng hôi của đã trở thành một thói quen xấu của người Việt. Nhiều cái thở dài, nhiều cái lắc đầu ngán ngẩm và cũng nhiều chua xót, mặc dù người ta có thể đưa ra muôn vàn lý do để bao biện cho hành động đáng xấu hổ này.

8/2012, vào lúc 2h sáng một vụ tai nạn liên quan tới chiếc xe tải chở 20 tấn thức ăn gia súc trên thị trấn Tuy Phước, Bình Định. Chẳng hiểu tính mạng người tái xế ra sao chỉ biết rằng toàn bộ thức ăn gia súc đã "không cánh mà bay".

"Cầm nhầm" bia ở Sài Gòn.

9h30 ngày 2/7/2013, một vụ tai nạn tại Tp Hồ Chí Minh, do xe ô tô mất tay lái khiến hầu hết các két bia đằng sau xe bị rơi ra dường. May mắn vụ việc không gây thương vong về người nhưng rất nhiều két bia của chủ nhân đã được những người dân gần đó "cầm nhầm".

 	Cảnh hôi của ở Đồng Nai.

Cảnh hôi của ở Đồng Nai.

Gần đây nhất, vụ việc chiếc xe tải chở bia đi ngang qua khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai) bất ngờ bị lật và làm đổ 1.500 thùng bia xuống đường, người dân hôi của cướp bia trắng trợn mặc cho tài xế gào khóc đã và đang là đề tài nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Điều đáng nói đây chỉ là một vụ việc nhỏ nhưng vấn đề mà nó để lại không hề nhỏ. Phải chăng đạo đức của người Việt đang bị xuống cấp hay lòng tham của một bộ phận nhỏ ảnh hưởng tới cả một thế hệ.

... rồi ngẫm chuyện nước người

 	Xếp hàng chờ tiếp viện.

Xếp hàng chờ tiếp viện.

Chắc hẳn chưa ai quên tháng 3 định mệnh của người Nhật khi thảm họa thiên nhiên đã không thương tiếc mà giáng xuống đất nước hoa anh đào những cơn thịnh nộ khủng khiếp.

Ngày 11/3/2011, động đất và sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người, tàn phá nhiều nhà cửa, phương tiện sản xuất và hạ tầng cơ sở tại vùng Đông bắc Nhật Bản. Cơn "nổi giận" của thiên nhiên đã khiến Nhật Bản mất trắng 300 tỷ USD. Tuy nhiên, đó chỉ là những nỗi đau hiện tại, hậu quả lâu dài từ sự cố hạt nhân Fukushima vẫn khiến bất kỳ người Nhật nào rùng mình khi nghĩ đến.

Có nước mắt, có đau thương, tang tóc nhưng bài học mà Nhật Bản dạy cả thế giới càng khiến nhiều người thán phục và nể hơn.

 	Xếp hàng để mua siêu thị.

Xếp hàng để mua siêu thị.

Sau thảm họa, người ta không tìm thấy cảnh cướp bóc, hôi của, cướp cạn ở bất kỳ nơi nào. Người Nhật lịch sự ngay cả khi họ đói, họ khát và họ khổ. Văn hóa xếp hàng, văn hóa lạc quan và đoàn kết đã khiến người Nhật bình tĩnh cả ngay khi có thảm họa.

Vì thế, khi được phát lương thực người Nhật vẫn xếp hàng nghiêm chỉnh để chờ đến lượt mình, chia sẻ đồ cứu trợ và tự đùm bọc nhau. Bởi họ hiểu rằng, nỗi đau thảm họa là nỗi đau chung.

Bất cứ địa điểm công cộng nào, người Nhật vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình, không ồn ào, không đòi hỏi, không chen lấn. Bởi ít nhất một điều họ hiểu rằng toàn bộ người dân đều đang chịu nỗi đau giống nhau và dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ, dù gái hau trai ai cũng được quyền chia sẻ bình an.

Không những thế, hầu hết các siêu thị, cửa hàng ở Nhật đều đồng loạt giảm giá chứ không "đục nước béo cò" tăng giá sau thảm họa.

để nói chuyện chúng ta...

Mọi phép so sánh đều khập khiễng, mọi nguyên nhân, lý do câu chuyện biết đâu cũng chỉ là giá như, giả sử... Có thể ai đó sẽ nói rằng câu chuyện "hôi của" của người Việt chẳng liên quan gì tới câu chuyện thiên tai của nước Nhật. Tuy nhiên, điều đọng lại chính là cách ứng xử giữa con người với nhau đặc biệt là trong lúc khốn khó. Lòng tham thì bất kỳ ai cũng có nhưng hãy biết kiềm chế nó trong mọi hoàn cảnh.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương.

Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại