Ấn tượng loằng ngoằng
Đầu tháng 5, chúng tôi có dịp về Giao Thủy - nơi giao thoa của ba dòng nước lớn, tạo nên một vùng đất trù phú bậc nhất của tỉnh Nam Định. Đây cũng là nơi sản sinh ra những bậc kỳ tài của đất Thành Nam. Rất tình cờ, chúng tôi được một họa sĩ kiêm thầy cúng giới thiệu về một người bạn mang "móng tay quỷ" và được xem là người có móng tay dài nhất Việt Nam.
Đó là ông Lưu Công Huyền ở xã Giao Yến, nhưng khi đến nhà thì "dị nhân" đã đi đâu đó, nhà cửa vắng ngắt không bóng người, chỉ còn những con lân sư đang được đắp dở dang, đứng nhe nanh bên hiên nhà. Một người hàng xóm bảo: "Ông ấy đi vẽ ở làng bên, đêm mới về nhà".
Để mục sở thị bộ móng tay dài nhất Việt Nam, chúng tôi sang làng bên tìm gặp. Tại một nhà thờ họ, nhóm họa sĩ đang đứng trên giàn giáo vẽ long cốt. Chúng tôi cất tiếng gọi, một người đàn ông quay lại, gương mặt đen nhẻm, gầy gò nhưng có đôi mắt sáng. Đặc biệt, hai bàn tay ông có những cái móng dài loằng ngoằng, lượn sóng trông như chùm rễ cây.
Như con sóc, ông Huyền leo thang thoăn thoắt xuống dưới nói chuyện với chúng tôi. Ông bảo: "Nhiều người lúc đầu nhìn thấy móng tay của tôi mà phát khiếp, có người mặt tái mét. Nhiều trẻ nhỏ khóc thét vì sợ. Có người bảo tôi có "móng tay quỷ", cũng đúng thôi vì cả tỉnh chẳng ai có móng tay dài thế này".
Ngồi vào bàn, phải khó khăn lắm ông Huyền mới cầm được chuyên nước. Việc cầm chén nước để uống càng khó khăn hơn. Những móng tay xoăn tít, dài loằng ngoằng giống như những con giun đất đang giãy giụa ở đầu ngón tay. "Cái móng tay dài chỉ tổ dọa trẻ con là hiệu nghiệm", ông Huyền thở dài.
Biệt tài bẩm sinh
Khi cuộc trò chuyện đã trở nên thân mật hơn, ông Huyền thổ lộ: "Tôi sinh năm 1958, là con thứ 7 trong gia đình có 10 anh chị em. Hồi nhỏ tôi đã định theo nghề thầy cúng bắt ma. Nhưng bố tôi bảo, đắc đạo vô tâm không có hậu nên tôi không theo. Tuy học hành chẳng được đến nơi đến chốn nhưng tôi có một cái tài mà ai cũng phải thừa nhận".
Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Huyền đã có biệt tài hội họa. Học lớp 2 trường làng, cậu đã có thể vẽ được bất cứ thứ gì theo mẫu. Bức vẽ đầu tiên mà Huyền thực hiện trước sự bất ngờ của gia đình là chân dung người cha đang ngồi uống rượu. Huyền lấy nhọ nồi vẽ cảnh người cha đang uống rượu, ông bố thấy con có khiếu hội họa muốn cho học hành tử tế để thành tài, ngặt một nỗi nhà nghèo nên đành bất lực. Ngoài ra, việc thêu thùa, đắp tượng cũng được cậu bé Huyền làm rất thành thục, giống như một nghệ nhân đầy kinh nghiệm.
Lạ một điều là tất cả những công việc ấy tự tay Huyền làm được mà không phải qua đào tạo bất kỳ trường lớp nào. Lớn lên một chút, Huyền đi làm MC đám cưới, đám ma. Nhưng MC đám ma thì buồn quá nên Huyền chỉ chuyên làm cho đám cưới.
Chính cái duyên ăn nói lưu loát đã khiến cô gái làng bên tên là Nguyễn Thị Thuận "say" chàng đứ đừ. Họ kết duyên chồng vợ, và cũng từ lúc này Lưu Công Huyền bắt đầu có thú vui không giống ai là nuôi móng tay dài.
Cho đến nay, đã tròn 33 năm ông Huyền nuôi móng. Cũng ngần ấy năm, không biết bao nhiêu lần ông bị vợ giục cắt móng tay. Rồi danh hiệu "dị nhân" được gắn cho ông Huyền như một duyên nợ. Chỉ cần nhắc tới "Huyền móng" thì cả huyện Giao Thủy ai cũng nhớ đến người đàn ông kỳ dị nhưng vô cùng tài hoa.
Hiện nay, công việc chính của ông Huyền là vẽ hoa văn cho đình đền miếu mạo và các nhà thờ ở địa phương. Ông cũng là tổ trưởng của một nhóm các họa sĩ tài ba đất Thành Nam. Vốn là con trai thầy đồ nên ông Huyền cũng rất giỏi chữ Nho và thư pháp.
Nuôi móng khó hơn nuôi con
Nói về thú vui nuôi móng tay, ông Huyền có vẻ rất hào hứng. Tuy nhiên, ông chia sẻ: "Cái thú vui gì cũng phải kỳ công mới có ý nghĩa. Người ta chơi chim, chơi cây, chơi xe... tôi chỉ thích chơi móng tay dài. Nuôi móng tay khó hơn nuôi con nhiều. Phải thật cẩn thận, kỳ công đến từng động tác thì mới giữ được".
Theo ông Huyền, 33 năm qua gần như rất ít khi ông chạm tay vào nước. Vì khi móng tay dính nước sẽ mềm ra như bún và dễ bị rụng. Thậm chí khi đi xe trời mưa, ông phải cẩn thận ủ tay vào trong áo hoặc dùng túi nilon ủ hai bàn tay lại không cho nước ngấm vào.
Ngay cả việc tắm rửa của ông cũng rất hạn chế và phải nhờ đến vợ. Công đoạn mặc áo mới là nan giải nhất, vì móng dài lại loằng ngoằng nên ở hai cánh tay áo phải xẻ tà cho dễ mặc. Thậm chí, bao nhiêu năm nay ông Huyền không để ai ngủ cùng giường vì sợ bị đè hỏng móng.
Khi ăn uống, nhiều lúc ông phải nhờ người khác bón hộ. Điều này rất bất tiện trong những bữa tiệc đám đình. Nhưng ông Huyền cũng luôn là tâm điểm chú ý của tất cả mọi người khi ông xuất hiện ở bất cứ nơi đâu.
Ông Huyền kể: "Có lần do sơ suất nên bị rụng một cái móng mà tôi mất ăn mất ngủ vì tiếc. Cũng có lần tôi bị tai nạn suýt chết vì giữ gìn móng tay. Có người bảo cho tôi tiền với điều kiện cắt móng tay đi, tôi thẳng thừng khước từ. Vì đã là thú vui thì có tiền trăm bạc vạn tôi cũng không đổi".
33 năm nuôi móng tay, mỗi lần bị rụng mất một móng là mỗi lần ông Huyền buồn rầu tiếc nuối đến mất ăn mất ngủ. Ngỡ "dị nhân" nuôi móng sẽ là người gàn dở nhưng không, ông Huyền vốn có máu nghệ sĩ, lại lang thang khắp nơi vẽ vời nên kết giao được với nhiều bạn bè. Đến đâu, ông Huyền cũng cố thuyết giảng về thú chơi móng tay với sự cầu kỳ hiếm có. Vì thế, với ông để móng tay dài không đơn thuần chỉ là thú vui mà còn được nâng lên thành "đạo".