Bức ảnh gây tranh cãi: Đạo đức của thanh niên Mỹ và thảm họa 11/9

Việt Hà |

(Soha.vn) - Gần 12 năm trôi qua nhưng bức ảnh của Thomas Hoepker vẫn gánh chịu nhiều ý kiến khác nhau mà chưa tìm được lời giải đáp hoàn hảo nhất.

Ngày 11/9/2001 là một ngày không thể nào quên với trong ký ức người Mỹ và toàn thế giới. Chính ngày này, tòa tháp đôi ở thành phố Manhanttan bị hai chiếc máy bay đâm lấy đỉ mạng sống của 3000 người.

Ắt hẳn Thomas Hoepker, người chụp bức ảnh cũng không nghĩ rằng khoảnh khắc ông chụp lại mang đến nhiều tranh cãi đến như vậy.

Bức ảnh được Thomas chụp sáng 11.9.2001 tại công viên ở khu Brooklyn, với nhân vật chính là một nhóm thanh niên New York đang ngồi trò chuyện, tán gẫu trong ánh mặt trời trong bên hồ nước. Nhưng ngoài những nhân vật này đằng sau bức ảnh là cảnh khói bụi bốc lên từ tòa tháp, một ký ức trọn vẹn đau thương của người Mỹ.

Ngay vào thời điểm đó, Thomas đã không có ý định công bố bức ảnh mặc dù ban đầu nó nằm trong kế hoạch xuất hiện trong cuốn sách ảnh về thảm họa 11.9.

 

Đến năm 2006, Thomas quyết định đăng tải bức ảnh này và ngay lập tức nó trở thành đề tài tranh luận cho nhiều người.

Rất nhiều nhà phê bình, nhà hoạt động nghệ thuật, nhiếp ảnh gia đã đăng đàn tranh luận về bức ảnh này.

Nổi bật lên trong cuộc tranh cãi này là nhà phê bình Frank Rich, ông cho rằng thái độ thờ ơ của đám thanh niên trong bức ảnh có chăng là "thái độ chung của thanh niên Mỹ. Nhân tiện Frank Rich cũng đề cập thêm về sự vô cảm của con người mà đặc biệt là vô cảm với đồng loại của mình.

Trong khi đó, một số lại cho rằng bức ảnh xứng đáng được tôn vinh bởi nó đang thể hiện lại cái nhìn lạc quan của người Mỹ, họ có thể nhanh chóng gạt qua nỗi đau để tận hượng tương lai sáng lạng.

Sau đó ít lâu, Water (người tự nhận là nhân vật nam ngồi ngoài cùng bên phải bức ảnh) và bạn gái cho rằng khuôn mặt của họ không hề biểu lộ sự vui mừng an nhàn mà thực chất đó là sự hốt hoảng quá độ.

Sau khi Water chia sẻ lên báo chí nhiều người cho rằng bức ảnh chỉ ghi lại những hình ảnh thực chất nhất chứ nó không thể ghi lại xem "thái độ" của nhân vật chính trong bức ảnh là gì.

Hàng loạt ý kiến trái chiều xung quanh sự tồn tại của bức ảnh khiến nó càng trở nên nổi tiếng hơn. Có người chỉ trích thái độ đạo đức của nhân vật trong ảnh, người chỉ trích đạo đức của người chụp ảnh, người thì ngợi ca hay nghĩ về điều gì đó hiển nhiên.

Sau bao tranh cãi, bức ảnh được thêm vào cuốn sách ảnh về thảm họa 11.9 như một biểu tượng. Người ta nói rằng giữa hàng trăm bức ảnh về thảm họa 11.9 mô tả cảnh đổ nát, người chết, thiệt hại thì bức ảnh này mang đến một nét mới, tầm nhìn rộng lớn của nhiếp ảnh gia.

Khách quan mà nói, mỗi một nhà phê bình, một chuyên gia hay thậm chí người xem bình thường cũng có một cái nhìn riêng về bức ảnh. Hơn nữa, đơn giản nghệ thuật thì chẳng có một giới hạn hay quy luật nào cả mà phụ thuộc vào độ cảm của từng người mà thôi.

Suy cho cùng, mọi phán xét, kết tội đạo đức nhân vật trong ảnh hay người chụp cũng chỉ là ý kiến cá nhân dưới một góc nhìn biệt. Trong hàng ngàn bức ảnh về thảm họa 11.9 với chết chóc, đổ nát, máu và nước mắt thì bức ảnh của Thomas lại hoàn toàn khác biệt. Có chăng sứ mệnh của bức ảnh chính là: Cuộc sống vẫn mãi tiếp diễn và vận hành mặc dù mọi tổn thất, mất mát vì chiến tranh có xảy ra đi chăng nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại