Về mặt khoa học, người ta vẫn không tài nào lý giải được những hiện tượng tâm linh đáng sợ, trong đó phải kể đến hiện tượng linh hồn người chết không siêu thoát. Một trong những bằng chứng nổi tiếng qua nhiều thập kỷ đó là hồn ma Brown Lady (quý bà váy nâu) ở lâu đài Raynham, Anh quốc.
Lâu đài ma ám
Lâu đài Raynham là một trong những tòa nhà nguy nga, lỗng lẫy nhất hạt Norfolk, Anh được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 17. Trong suốt 300 năm đầu, lâu đài Raynham là tài sản thuộc dòng họ Townshend, và sau này đã được sang tên đổi chủ nhiều lần.
Không chỉ bởi lối kiến trúc độc đáo mà những câu chyện kỳ bí xảy ra tại nơi đây đã khiến cho lâu đài Raynham đã trở thành một trong những địa điểm tham quan thu hút khách du lịch đông nhất nước Anh. Qua gần 400 năm tồn tại, lâu đài Raynham được dân quanh vùng đồn đại là bị ma ám. Đã có rất nhiều người tận mắt chứng kiến hồn ma một người phụ nữ cứ vảng vất trong tòa lâu đài cổ trong suốt thế kỷ 17 và 18.
Những năm đầu của thế kỷ 17, trong một lần nghỉ chân tại lâu đài Raytham, Vua George IV cho biết Ngài đã thấy một hồn ma phụ nữ đứng bên cạnh giường. Người phụ nữ này mặc váy màu nâu, khuôn mặt trắng bợt và tóc tai rũ rượi trông rất đáng sợ. Ngay trong đêm hôm đó, Ngài đã rời khỏi lâu đài trong sự sợ hãi tột độ.
Đến năm 1835, Lucia C. Stone là người trực tiếp ghi nhận những câu chuyện tương tự tại lâu đài Raynham. Stone cho biết nhân dịp Giáng sinh, Lãnh chúa Townsend đã mời khách khứa tới lâu đài của mình dự tiệc. Trong các vị quan khách, Đại tá Colonel Loftus và một vị khách có tên Hawkins là người đã trực tiếp nhìn thấy hồn ma bí ẩn.
Đại tá Loftus kể lại, trong một buổi tối muộn khi đi về phòng, đại tá bắt gặp một bóng người mặc váy nâu đứng trước mặt mình. Cố định hình xem người phụ nữ đó là ai thì bất chợt, hồn ma biến mất một cách khó hiểu.
Trong tuần tiếp theo, đại tá Loftus lại tiếp tục được diện kiến hồn ma nữ này. Nhưng lần này, ngài đã quan sát được rõ hơn. Theo miêu tả của đại tá, đây là một người phụ nữ trông có vẻ quý phái. Hồn ma vẫn mặc chiếc váy satin màu nâu lần trước, nhưng đáng sợ nhất là làn da phát sáng trong bóng đêm và đôi mắt đã bị móc mất.
Không chỉ riêng Đại tá Loftus mà những quan khách khác cũng khẳng định nhìn thấy hồn ma này sau khi nghe câu chuyện của đại tá Loftus. Năm 1836, Đại tá Frederick Marryat quyết định nghỉ tại căn phòng nơi người phụ nữ váy nâu bí ẩn thường xuất hiện để tìm hiểu sự tình. Vài ngày sau, khi đang bước xuống cầu thang, Đại tá Marryat và hai người bạn đã co rúm lại vì sợ sau khi nhìn thấy người hồn ma nữ mặc váy nâu bí ẩn cầm chiếc đèn lồng đi lướt qua họ.
Theo đại tá, hồn ma đã nhìn họ, mỉm cười một cách man rợ. Marryat đã nhanh tay rút khẩu súng lục mang theo bên mình và bắn về phía quý bà mặc váy nâu nhưng viên đạn đi xuyên qua hồn ma và găm thẳng vào tường.
Trong suốt thế kỷ sau đó, người ta vẫn thường xuyên nhìn thấy hồn ma của người phụ nữ mặc váy nâu nhưng phải đến sự kiện năm 1936, những nghi vấn về hồn ma này mới được dư luận đặc biệt quan tâm.
Năm 1936, nhiếp ảnh gia Indra Shira được giao nhiệm vụ chụp vài tấm ảnh tại lâu đài Raytham. Đi cùng với Shira còn có trợ lý của ông - Captain Provand. Trong khi đang chụp ảnh chiếc cầu thang bằng gỗ sồi độc đáo, Shira nhìn thấy một làn khói xuất hiện trên bậc cầu thang. Dần dần, làn khói tạo thành hình một người phụ nữ khiến Shira vô cùng ngạc nhiên.
Ngay lập tức, ông bảo trợ lý của mình chụp lại hiện tượng kỳ lạ trên. Lúc đó, Shira cầm đèn hắt sáng, còn Provand cầm máy chụp theo lời của sếp mà không biết mình đang chụp cái gì. Phải đến khi bức ảnh được rửa ra, Provand mới nhìn thấy hình người phụ nữ xuất hiện trên đó.
Sau khi được đăng tải trên tạp chí Country Life (Cuộc sống nông thôn) vào ngày 16/12/1936, dư luận đã được dịp dấy lên những tin đồn ngày một nhiều về người phụ nữ mặc váy nâu bí ẩn trong lâu đài Raytham.
Mặc dù nhiều người cho rằng, bức ảnh đã được sắp đặt từ trước thì cho đến nay, vẫn không ai có thể đưa ra bằng chứng khẳng định bức ảnh là giả mạo.
Hồn ma người phụ nữ mặc váy nâu bí ẩn
Sau một loạt những sự xuất hiện của hồn ma người phụ nữ mặc váy nâu bí ẩn. Người ta cho rằng đó chính là hồn ma của quý bà Dorothy Walpole (1686 - 1726) dựa vào câu chuyện của cuộc đời bà cũng như chiếc váy nâu bà mặc trong bức ảnh chân dung.
Bà Dorothy đem lòng yêu Tử tước đời thứ 2 Charles Townshend nhưng cha bà đã ngăn cấm vì lo sợ mang tiếng hám của nhà giàu. Phải đến năm 1711, sau khi vợ cả của Tử tước Charles qua đời, bà Dorothy mới được danh chính ngôn thuận làm vợ của vị lãnh chúa giàu có.
Bà Dorothy là vợ thứ hai của Lãnh chúa Charles Townshend - người nổi tiếng với tính tình tàn bạo. Vì vậy, sau khi Lãnh chúa Townshend phát hiện bà Dorothy ngoại tình, ông đã nhốt bà trong phòng riêng khóa kín. Thậm chí, bà còn không được gặp mặt 7 đứa con của mình.
Ngày 29/3/1726, bà qua đời ở tuổi 40 vì bệnh đậu mùa nhưng cũng nhiều người nói rằng bà bị đau tim mà chết. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số lời đồn đại rằng bà Dorothy đã bị ngã gãy cổ do Lãnh chúa Townshend đẩy xuống khỏi cầu thang.
Bí ẩn không lời giải đáp
Theo thuyết tâm linh, những người bị chết oan, chết tức tưởi... thường linh hồn của họ sẽ lưu lại trên trần gian, ám ảnh những người ở dương thế mà không được siêu thoát. Điều kỳ lạ là kể từ khi bức ảnh về Quý bà váy nâu xuất hiện trên các mặt báo, người ta cũng không còn cơ hội diện kiến hồn ma bí ẩn này thêm lần nào nữa, những tin đồn kể từ đó cũng dần nguội nhạt đi theo thời gian.
Cho đến ngày nay, hồn ma Quý bà váy nâuvẫn luôn là một bí ẩn không lời giải đáp mặc dù đã có rất nhiều bằng chứng được đưa ra suốt gần 400 năm.