Từ quý 2/2020 đến quý 1/2022, CTCP Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) nổi lên là một công ty "buôn tiền" rất hiệu quả. Mặc dù vay nợ ngắn hạn hơn chục nghìn tỷ đồng, Thế giới di động đồng thời duy trì lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng từ 10.000 – 15.000 tỷ. Công ty này đã khéo léo sử dụng các kỹ thuật về kỳ hạn và chênh lệch lãi suất để luôn đạt được trạng thái Doanh thu tài chính cao hơn 100 – 150 tỷ đồng so với chi phí tài chính, đem lại mức lợi nhuận ròng dương từ hoạt động tài chính.
Sau khi duy trì trạng thái này suốt 8 quý liên tục, đến quý 2/2022, chi phí tài chính của Thế Giới Di Động đã tăng vọt khiến công ty chuyển sang lỗ từ hoạt động tài chính.
Đây cũng là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh hàng ICT khi nhu cầu thị trường sụt giảm, sức mua đi xuống và lãi suất tăng lên. Chưa kể, Thế giới di động vẫn chưa thành công với các chuỗi mới như Dược phẩm, thời trang, mẹ và bé… và Bách Hóa Xanh chưa có lãi.
Tuy nhiên, đến năm 2023, Thế giới di động đã trở lại là "tay buôn tiền" hiệu quả khi lợi nhuận từ hoạt động tài chính dương trở lại trong toàn bộ 4 quý của năm này. Thậm chí trong 3 quý cuối năm, lãi ròng từ hoạt động tài chính ở mức 170 – 180 tỷ đồng, tức mặt bằng cao hơn hẳn giai đoạn kinh doanh thuận lợi khi trước.
Tính chung năm 2023, Thế giới di động lãi 611 tỷ đồng từ hoạt động tài chính – chiếm 89% lợi nhuận trước thuế của công ty. Tính riêng chênh lệch giữa doanh thu từ lãi tiền gửi với chi phí lãi vay, chi phí thu xếp khoản vay cũng lên tới gần 360 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Thế giới di động nắm trong tay 1 tỷ USD tiền "tươi" – tăng hơn 9.000 tỷ so với đầu năm. Dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh được trợ lực mạnh mẽ từ chính sách giảm quyết liệt hàng tồn kho (giảm hơn 4.000 tỷ).
3 khoản mục lớn nhất trong hàng tồn kho là thiết bị điện tử giảm hơn 2.000 tỷ, thiết bị gia dụng giảm hơn 460 tỷ trong khi điện thoại di động tăng nhẹ. Máy tính xách tay cũng chứng kiến cuộc giải phóng hàng tồn kho mạnh khi giảm 450 tỷ đồng, phụ kiện giảm 320 tỷ, xe đạp cũng giảm hơn 150 tỷ.
Là nhà bán lẻ lớn nhất trong lĩnh vực điện máy, điện thoại di động, Thế giới di động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sụt giảm tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm không thiết yếu trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Thế giới di động và Điện máy xanh đã đánh đổi tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận gộp để tạo nên cuộc chiến giá siêu rẻ. Lợi nhuận của doanh nghiệp đã rơi từ đỉnh cao 2.000 tỷ/quý xuống 130- 200 tỷ/quý. Năm 2023, lợi nhuận ròng chỉ đạt 168 tỷ đồng – giảm 95,9% so với năm trước và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Theo quan sát của CTCK VCBS, tình hình giá bán cạnh tranh trên thị trường gần đây chỉ còn diễn ra mạnh với mặt hàng Iphone do đây là mặt hàng giá trị cao, ít model và sản phẩm dễ so sánh. Đối với các hãng điện thoại khác như Samsung, Xiaomi, Oppo, các nhà bán lẻ sẽ có xu hướng hợp tác độc quyền một số mẫu sản phẩm để áp dụng giá bán linh hoạt hơn.
Ngoài ra cũng sẽ có các hướng đi khác để mang thêm giá trị cho khách hàng (như CellphoneS) thay vì chạy theo cuộc đua về giá bán.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của chính phủ như VAT 8% đến hết tháng 6.2024,đặc biệt là giải ngân tín dụng tiêu dùng cởi mở hơn trong bối cảnh lãi suất thấp và cầu tín dụng duy trì cao sẽ là động lực hồi phục cho ngành ICT.