"Tôi nhìn thấy xu thế thương mại điện tử lên nhanh quá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bán lẻ truyền thống", đó là câu trả lời của ông Trần Xuân Kiên, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số Trần Anh, khi được hỏi về lý do rời khỏi thị trường điện máy vào giữa năm ngoái.
Sự xâm chiếm của online trong một thị trường điện máy đang bão hòa
Đánh giá của ông Kiên thực ra không phải chỉ diễn ra ở thị trường bán lẻ điện máy, mà sẽ là câu chuyện của mọi lĩnh vực bán lẻ truyền thống.
Tuy nhiên, thị trường điện máy sẽ chịu ảnh hưởng sớm từ làn sóng online, do "hàng điện máy khác mặt hàng khác ở chỗ mua online hay offline thì khi nhận hàng sẽ đều giống nhau. Vì thế nơi nào rẻ hơn, người ta sẽ đến đó", ông Kiên cho biết.
Đây sẽ là một áp lực lớn đến những thành viên còn lại trên thị trường điện máy, trong đó có Thế giới di động – doanh nghiệp đã mua lại Trần Anh và đang là doanh nghiệp lớn nhất ngành này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần áp lực lớn hơn nhiều lại đang đến từ chính nội tại ngành điện máy, chính là những dấu hiệu của bão hòa đã xuất hiện ngày càng rõ.
"Ngành điện máy có 3 ngành hàng chính gồm máy tính, điện thoại di động và điện tử tiêu dùng. Thị trường máy tính đã sụt giảm năm thứ 5, thứ 6. Thị trường điện thoại cũng đã bắt đầu giảm khi năm 2018 bắt đầu không còn tăng trưởng.
Tiếp sau đó sẽ đến điện tử tiêu dùng, chắc khoảng năm 2020-2021 sẽ không tăng trưởng nữa", một chuyên gia điện máy chia sẻ dự đoán này với chúng tôi.
"Nhìn từ số liệu thị trường cho đến nhu cầu cá nhân đều nhận thấy xu hướng giảm. Nhu cầu đổi máy tính, điện thoại hiện tại không còn mạnh như mấy năm trước.
Điện thoại đời mới ra hay tivi đời mới, mấy năm trước bạn có thể muốn đổi ngay, nhưng giờ đây thường chưa hỏng cũng không sao. Chúng ta đang quên dần cảm xúc cuồng nhiệt với các thiết bị công nghệ đời mới.
Đơn cử mặt hàng tivi. Trước đây chưa có TV led, chưa có internet TV là nhà nhà đi đổi. Giờ đây TV chỉ cần có kết nối internet, còn 3k, 4k hay 4D... không khiến người mua có cảm xúc nhiều. Thị trường đã có những dấu hiệu đi xuống", vị này nhận định.
Tại Thế giới di động, doanh thu chuỗi điện thoại vẫn đang tiếp tục đi xuống trong năm 2018, sau một năm 2017 đi ngang. Trong tháng 5/2018, chuỗi này đã đóng 4 cửa hàng, còn tính từ đầu năm 2018 đã đóng 11 cửa hàng.
Sự đi xuống của chuỗi điện thoại Thế giới di động rất may đã được bù đắp bằng đợt bùng nổ của chuỗi điện máy trong năm 2017, giúp doanh thu tổng của công ty duy trì được đà tăng trưởng.
Từ cuối năm 2017, chuỗi Điện Máy Xanh đã vượt doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và hiện đang là nguồn thu chủ lực với tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong các ngành hàng của TGDĐ.
Chuỗi điện thoại và điện máy vẫn đang là gà đẻ trứng vàng của TGDĐ.
Tuy nhiên, sau một năm 2017 bùng nổ về số lượng, chuỗi điện máy đã bắt đầu chững lại. Bằng chứng là tháng 5/2018 vừa qua Điện Máy xanh chỉ mở thêm duy nhất 1 cửa hàng, và suốt 4 tháng đầu năm chỉ mở thêm 17 cửa hàng, trong khi giai đoạn năm ngoái thường mở từ 30-40 cửa hàng mỗi tháng.
Và theo quy luật thông thường, trong thị trường chạy đua mở điểm, doanh thu trên điểm sẽ giảm, dù có thể tổng doanh thu có thể không giảm. Đó cũng chính là thực tế đang diễn ra tại Thế giới di động.
"Doanh thu trên điểm của tất cả các nhà bán lẻ điện máy trên thị trường, tôi nghĩ sụt khoảng 20-30%", lãnh đạo một công ty điện máy cho biết.
Ông lớn đi qua cửa hẹp
Giữa năm ngoái, khi Điện Máy Xanh bùng nổ về số lượng, câu hỏi về doanh số bán trên mỗi điểm bán của Điện máy xanh đang giảm đi cũng đã được đặt ra cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài.
Đáp lại những lo ngại này, ông Tài khẳng định điều này là hoàn toàn bình thường, và lý giải: các cửa hàng của Điện Máy Xanh đã nằm ở những vị trí trung tâm ở thành phố, giờ mở cửa hàng ở những vùng xa hơn, ít dân cư hơn nên những cửa hàng mới mở doanh thu thấp hơn, kéo con số trung bình xuống.
Dù vậy, theo một số chuyên gia trong ngành, con số 1.000 cửa hàng điện thoại và 700 siêu thị điện máy của Thế Giới Di Động đã gần như phủ trọn toàn bộ tổng số gần 700 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên (gồm quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh). Trong tương lai, con số này sẽ được duy trì tương đối ổn định và sẽ không có biến động lớn.
Trên thực tế, ngay từ năm 2018, chuỗi cửa hàng điện thoại của TGDĐ đã bắt đầu được "thanh lọc", những cửa hàng lớn nếu phù hợp sẽ dần chuyển sang thương hiệu Điện máy xanh mini, các cửa hàng nhỏ hiệu quả thấp sẽ bị đóng bớt.
Sự chuyển đổi này đã có những kết quả khả quan bước đầu. Các cửa hàng điện thoại của chuỗi Thế Giới Di Động đáp ứng đủ tiêu chuẩn về doanh số, lưu lượng khách hàng và khả năng mở rộng diện tích để chuyển đổi sang mô hình Điện Máy Xanh mini đã tăng trưởng doanh thu gần gấp đôi so với trước thời điểm chuyển đổi.
Điện Máy Xanh sau thời gian mở ồ ạt về tất cả các huyện lỵ sẽ bắt đầu chững lại, con số khoảng 800 cửa hàng có thể được thiết lập ổn định. Giờ đây, với vị thế thống lĩnh thị trường, chuỗi Điện Máy Xanh đã đủ lớn để gây sức ép với nhà cung cấp và tiếp cận người dùng ở khắp cả nước với cự ly ngắn nhất.
Thị trường bán lẻ điện máy truyền thống giờ đây đang ở trạng thái của một đại dương đỏ ngầu. Cạnh tranh về giá sẽ giảm dần, mà sẽ đi sâu vào vấn đề năng lực quản trị chuỗi, độ phủ siêu thị, và thương hiệu trong tâm trí khách hàng...
Đây là những việc mà Thế Giới Di Động đã làm rất tốt và sẽ hưởng lợi lớn khi đã độc chiếm thị trường.
Bên cạnh việc thanh lọc các cửa hàng vật lý, một phần quan trọng khác mà TGDĐ cần chú trọng đối với ngành điện máy là phát triển kênh thương mại điện tử.
Từ vài năm nay, TGDĐ đã chú ý xây dựng mảng online với việc xây dựng trang TMĐT Vuivui.com. Kênh bán hàng này cũng đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất hệ thống lên tới hơn 100% so với cùng kỳ năm trước (báo cáo mới nhất tháng 5/2018), tuy nhiên tỷ trọng vẫn còn khá khiêm tốn.
TGDĐ đặt mục tiêu doanh thu mảng kinh doanh online năm nay là 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,6% so với kế hoạch tổng doanh thu 86.390 tỷ đồng của năm 2018.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trên nền tảng online sẽ còn khốc liệt hơn nhiều trên mặt đất, khi các đối thủ công nghệ lớn trong và ngoài nước vẫn đang miệt mài "đốt tiền" như Lazada, Tiki, Shopee hay Adayroi… Không kể đến số lượng khổng lồ đối thủ là các shop online bán hàng xách tay qua facebook.
Sức ép từ cạnh tranh và tăng trưởng buộc TGDĐ sẽ phải tìm đến đại dương xanh khác, như cách mà doanh nghiệp này vẫn đang tìm kiếm ở thị trường điện máy ngoài biên giới Việt Nam hay thị trường bách hóa, dược phẩm... dù các tín hiệu lạc quan từ những thị trường này vẫn chưa xuất hiện đủ sắc nét.