Thế giới đã chi bao nhiêu để giải cứu nền kinh tế khỏi đại dịch Covid-19?

Lê Thanh Hải |

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã hứa sẽ chi ra 19,5 nghìn tỷ USD để "ngăn đà suy giảm của nền kinh tế thế giới". Một số quốc gia thậm chí cần được giúp đỡ nhiều hơn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng, nhưng họ có thể không nhận được.

Trong báo cáo thường niên của mình vào hôm thứ Hai, IMF cho biết các chính phủ đã công bố những biện pháp kích thích trị giá gần 12 nghìn tỷ USD (tính đến tháng 9) và các ngân hàng trung ương đã chi ít nhất 7,5 nghìn tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch đối với nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, bất chấp quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của cuộc giải cứu, bao gồm cắt giảm thuế, trả lương, cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Hoạt động kinh tế và việc làm ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và Châu Âu, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch xảy ra.

Mặc dù các "ứng viên" vắc-xin phòng chống virus corona cho thấy triển vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới, nhưng chúng sẽ không giúp ích nhiều cho các quốc gia trong tương lai gần. Và những trở ngại đối với việc đảm bảo hỗ trợ tài chính bổ sung có thể làm hỏng sự phục hồi vốn đã mong manh.

"Các quốc gia hiện phải đối mặt với một chặng đường dài được dự báo là sẽ khó khăn, không bằng phẳng, bất ổn và dễ bị thất bại", Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết.

Tại Mỹ, nơi số lượng ca nhiễm virus đang "bùng nổ", việc Tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận kết quả thắng cuộc cho ông Joe Biden có thể gây cản trở cho những nỗ lực để dẫn đến một gói kích thích lớn khác. Quốc gia này vẫn đã bị mất khoảng 10 triệu việc làm kể từ khi đại dịch bắt đầu và một số bang hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế mới để kiềm chế sự gia tăng số ca lây nhiễm, khiến cho sự phục hồi càng trở nên khó khăn.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một cuộc "nổi dậy" nội bộ, có thể gây trì hoãn việc phê duyệt cuối cùng dành cho quỹ phục hồi virus corona trị giá 800 tỷ euro (950 tỷ USD), vốn đã mất nhiều tháng để đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01.

Hôm thứ Hai, Hungary và Ba Lan đã quyết định ngăn gói kích thích này vì cho rằng việc phân phối nó bị "kèm theo điều kiện", gây ra nghi ngờ về việc liệu các khoản tiền cần thiết có đến được với các nền kinh tế EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp hay không. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến ​​sẽ thảo luận về vấn đề này tại một cuộc họp vào thứ Năm.

Các nhà kinh tế cho rằng việc giảm bớt sự hỗ trợ của chính phủ quá sớm sẽ làm suy yếu sức hồi phục sau đại dịch. Mặc dù các ngân hàng trung ương được kỳ vọng ​​sẽ tung ra nhiều gói kích thích hơn nữa để cố gắng thúc đẩy nền kinh tế, nhưng họ hiện đang thiếu một kênh để gửi tiền trực tiếp đến các hộ gia đình.

Theo Neal Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, rút ​​hỗ trợ tài khóa sớm là "rủi ro lớn nhất" mà các nền kinh tế phải đối mặt trong ngắn hạn. "Đây sẽ là một sai lầm tự khiến mình bị đánh bại. Đó là bởi vì nhu cầu yếu kéo dài, do kích thích tài khóa quy mô lớn đã làm giảm bớt, gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế", ông cho biết vào hôm thứ Ba.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại