Thế giới của người lớn chưa bao giờ là dễ dàng cả: Khi thất bại, khó khăn, tuyệt đối đừng để mình nhàn rỗi

Như Quỳnh |

Con người khi tới một độ tuổi nhất định, anh ta phải tự trở thành mái hiên, không còn có thể tìm một nơi khác để trú mưa nữa. Không phải cái mệt nào, người khác cũng có thể ở bên cạnh bạn; không phải cái khổ nào, người khác cũng có thể giúp bạn. Bạn bắt buộc phải ghi nhớ một điều rằng: Bất kể là khi nào, người kéo bạn lên từ vũng bùn, chỉ có thể là chính bạn.

Bạn đã từng gặp ai đó khóc ở tàu điện ngầm hay chưa?

Tôi đã từng gặp.

Dạo trước, khi đợi tàu, tôi trông thấy một cô gái mặc đồng phục công sở, hai tay nắm chặt, cố gắng kìm nén, nhưng nước mắt vẫn cứ trực trào tuôn ra.

Cô ấy cắn chặt môi, không dám khóc lớn thành tiếng.

Vì sao cô ấy buồn, tôi không biết, nhưng tôi có cảm giác mình có thể đồng cảm với cô ấy.

Cuộc sống của người trưởng thành, luôn không dễ dàng.

Có thể là thất tình, có thể là công việc không thuận lợi, có thể là áp lực mưu sinh, hoặc cũng có thể là đang nhớ về người thân nơi quê nhà…

Khi còn nhỏ, rất nhiều đứa trẻ luôn ngưỡng mộ những người đi giày cao gót, mặc comple, luôn muốn sớm ngày trưởng thành để có thể giống vậy.

Tới khi trưởng thành rồi, chúng ta mới phát hiện ra, thì ra đằng sau ánh hào quang của mỗi người lớn ấy lại là trách nhiệm và những ước mơ đang cố gắng thực hiện, bận rộn chạy về phía trước, không có giây phút nghỉ ngơi.

Những việc làm không bao giờ xong, luôn ở đó đợi xử lý; những khó khăn không ngừng kéo đến, đợi đó đi khắc phục; những tháng ngày trông có vẻ yên bình, nhưng lại là đang âm thầm vượt qua hết cái ổ gà này tới cái mấp mô khác.

Thế giới của người lớn chưa bao giờ là dễ dàng cả: Khi thất bại, khó khăn, tuyệt đối đừng để mình nhàn rỗi - Ảnh 1.

Càng là khi khó khăn, càng đừng để mình nhàn rỗi

Trên mạng có một câu hỏi rằng:

"37 tuổi, thất nghiệp, áp lực lớn, vô cùng buồn bã, thất vọng, nên làm sao?"

Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt like rằng:

"Tôi cùng tuổi với bạn, cũng thất nghiệp.

Thất nghiệp không có nghĩa là không có việc gì để làm.

Trước đây chưa muốn làm, không có thời gian làm, bây giờ có thể bắt tay vào.

Tận dụng khoảng thời gian này, tôi dọn dẹp lại phòng của mình, cũng dọn dẹp lại tâm trạng.

Liên hệ với một vài người bạn có quen biết rộng rãi, nhận một vài dự án lặt vặt, vừa để làm phong phú thêm CV vừa kiếm thêm tiền.

Tôi cũng nhận được tin rằng tủy của mình phù hợp để hiến cho một bệnh nhân đang cần. Thế gian này, vẫn còn một sinh mạng đang chờ tôi đến cứu.

Khi tôi cho rằng cuộc sống đối xử với tôi thật tàn nhẫn, nó lại khiến tôi cho người khác hi vọng."

Thế gian này không có khó khăn tuyệt đối, chỉ có người không chủ động bước qua.

Cái gọi là khoảng thời gian tối tăm, giai đoạn dưới đáy vực, thực ra cũng giống như biển sâu, mệt mỏi, mơ hồ, mất phương hướng, buồn bã, dằn vặt… biết bao cảm xúc tiêu cực vây xung quanh, nếu bạn trầm mình trong đó quá lâu, không muốn hành động hay thay đổi, vậy thì bạn sẽ chỉ có thể bị chìm vào biển sâu ấy, không thể thoát ra, mặc kệ số phận.

Chỉ khi dũng cảm động đậy hai tay, đưa mình lên trên mặt nước, bạn mới có thể hít thở, mới có thể thoát ra khỏi vòng xoáy, mới có thể sống.

Mỗi khi rơi vào thất bại, tôi sẽ nhớ tới một câu nói mà mình từng được nghe: "Ngư dân khi không bắt được cá, họ sẽ vá lưới của mình."

Trong những tháng ngày dừng lại không tiến về phía trước ấy, bạn có thể nghỉ ngơi, nhưng tuyệt đối đừng buông bỏ, đừng cái gì cũng không làm.

Bạn có thể ra ngoài đi dạo, dù chẳng biết đó là đâu; bạn có thể chọn ra một quyển sách để đọc, thể loại gì cũng được, miễn là bạn thích.

Trong quá trình này, có thể bạn đã vô thức tạo ra một chiếc lưới kín giúp bạn vợt bắt mọi thứ.

Thế giới của người lớn chưa bao giờ là dễ dàng cả: Khi thất bại, khó khăn, tuyệt đối đừng để mình nhàn rỗi - Ảnh 2.

Càng là khi đang ở dưới đáy vực, càng nên làm những việc mà mình yêu thích

"Con người rốt cuộc phải làm sao mới có thể nâng cao cảm giác khẳng định bản thân?"

Một bác sỹ về tâm lý đã trả lời như thế này:

Con người, muốn hoàn toàn yêu thích chính mình, về mặt vật lý thì đây là điều không thể.

Chỉ khi làm những điều mình yêu thích, chúng ta mới có được cảm giác tốt đẹp về chính mình.

Vì vậy, điều mà bạn cần làm nhiều hơn chính là "làm việc mình thích", phân tán đối tượng mà bạn có thể dựa vào về mặt tinh thần.

Cô bạn H., ly hôn với người chồng đã kết hôn 6 năm, và cũng là năm thứ 3 cô ấy mắc căn bệnh trầm cảm.

Mặc dù rất tích cực điều trị, nhưng hiệu quả lại không được bao nhiêu.

Sau này, nghe lời khuyên của một vị bác sỹ tâm lý, cô ấy bắt đầu học vẽ, ban đầu cố ấy vẽ rất xấu, nhưng lại rất thích vẽ ra những thứ mình tưởng tượng trong đầu, giai đoạn phác họa và lên màu khiến cô ấy cảm thấy như được giải tỏa.

Hiện tại cô ấy đã nghỉ việc để trở thành một họa sĩ vẽ tranh minh họa chuyên nghiệp, đồng thời cũng sẽ sớm cho ra mắt tập tranh đầu tiên, cô ấy cũng đã mở một studio riêng và chuẩn bị ngừng thuốc điều trị bệnh trầm cảm.

"Yêu thích", cái thứ này nó có gì đó rất "mơ hồ", nhưng nó thực sự có thể cứu sống một người.

Không chuyên cũng được, chuyên nghiệp cũng chẳng sao.

Hãy đi tìm việc mà mình yêu thích, biến tất cả những cảm xúc và áp lực thành động lực.

Nếu bạn quá đắm chìm vào một việc gì đó, não của bạn sẽ chỉ có việc đó, không có không gian để tiêu tán những cảm xúc tiêu cực.

Thế giới của người lớn chưa bao giờ là dễ dàng cả: Khi thất bại, khó khăn, tuyệt đối đừng để mình nhàn rỗi - Ảnh 3.

Càng là lúc khó khăn, càng phải dựa vào chính mình

Tôi luôn cho rằng con người là từ từ trưởng thành, sau này mới phát hiện ra, chúng ta, là trưởng thành trong giây lát, và cái giây lát ấy, chỉ mình ta biết.

T., là con một.

Lớn lên trong tình yêu thương, bao bọc của ba mẹ, tốt nghiệp đã nhiều năm, cậu ấy vẫn như một thiếu niên, đơn thuần chất phác.

Cho tới năm ngoái, ba cậu ấy mắc bệnh ung thư. Từ khi phát hiện cho tới lúc ra đi, chỉ chưa đầy 1 năm.

Ở tang lễ, người mẹ khóc nói với cậu ấy: "Gia đình này sau này chỉ có thể dựa vào con thôi."

Cậu đồng ý, nhưng cùng với đó là cảm xúc sụp đổ.

Sau này, cậu ấy tâm sự rằng, nguyên nhân suy sụp, một nửa là vì đau buồn, một nửa là bởi vì tới cuối cùng, cậu ấy cũng đã nhìn rõ ra trách nhiệm và áp lực mà mình phải gánh vác.

Cậu ấy, từ một người không biết vo gạo, tới một người phải đi chợ mua rau về nấu cơm; từ một người chỉ mặc hàng hiệu tới một chiếc áo chỉ hơn 100k, đổi từ công việc an nhàn chỉ làm đợi lương hưu sang công việc chạy doanh số kiếm thêm thu nhập.

Con người khi tới một độ tuổi nhất định, anh ta phải tự trở thành mái hiên, không còn có thể tìm một nơi khác để trú mưa nữa.

Không phải cái mệt nào, người khác cũng có thể ở bên cạnh bạn; không phải cái khổ nào, người khác cũng có thể giúp bạn.

Bạn bắt buộc phải ghi nhớ một điều rằng: bất kể là khi nào, người kéo bạn lên từ vũng bùn, chỉ có thể là chính bạn.

Cũng giống như tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật Bản, Haruki Murakami từng nói: "Sau khi mưa bão đi qua, bạn sẽ không nhớ mình đã vượt qua nó như nào, bạn thậm chí còn không chắc chắn rằng liệu bão táp đã thực sự qua đi hay chưa. Nhưng có một điều mà bạn chắc chắn đó là: khi đã vượt qua được phong ba bão táp, bạn sớm đã không còn là bạn của ngày xưa nữa."

Nhà văn Albert Camus từng nói:

"Tôi không kì vọng cuộc sống sẽ luôn thuận lợi, nhưng tôi hi vọng rằng khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, bản thân có thể trở thành đối thủ của nó."

Bất luận bạn ở hiện tại có đang gặp phải chuyện gì, bất kể là những nỗ lực của bạn có được hồi đáp hay không, bạn thân mến, xin đừng hoang mang, cũng không cần vội vã, cho bản thân chút thời gian, cho tương lai thêm một cơ hội.

Đợi tới một ngày nào đó khi nhớ lại những năm tháng đã qua, bạn sẽ phát hiện ra: "À, thì ra, cũng chẳng có gì to tát cả."

Mong bạn có đủ can đảm để thoát ra khỏi đáy vực và sức mạnh để bắt kịp cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại