"Một hiện tượng mới" đang được nhìn thấy, Jose Ugaz, một luật sư nổi tiếng của Peru và Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết và bày tỏ sự lạc quan thận trọng.
"Những gì chúng ta đang phải đối mặt hiện nay rất khác với những gì chúng ta đã phải đối mặt 27 năm trước đây," khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế được thành lập, ông Ugaz nói với AFP.
"Chúng ta đang nhìn thấy tham nhũng ảnh hưởng đến nhiều người dân trên thế giới - và chúng ta cũng đang nhìn thấy làn sóng người dân chống lại nó," ông nói.
Vụ rò rỉ hồ sơ Panama trong tháng tư - một kho dữ liệu khổng lồ chưa từng có – đã dấy lên sự phẫn nộ lớn vào đầu năm 2016.
Nhiều công ty do các cá nhân nổi tiếng, giàu có, quyền lực hoặc của những thân nhân và trợ lý của họ lập ở nước ngoài đã bị phanh phui.
Những tiết lộ này đã buộc Thủ tướng Iceland từ chức và sau đó là một phần nguyên nhân khiến Thủ tướng Anh David Cameron ra đi.
"Sức mạnh của sự minh bạch"
"Việc công bố hồ sơ Panama nhắc nhở chúng ta về sự gia tăng nhanh chóng và sức mạnh của tính minh bạch," người đứng đầu Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim, phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng London vào tháng 5.
Ông kêu gọi sự minh bạch hơn, nhấn mạnh rằng "tham nhũng, theo cách hiểu đơn giản, là lấy tiền của người nghèo."
Theo một ước tính gần đây, “chi phí” hối lộ hàng năm trên toàn thế giới lên tới 1,5 nghìn tỷ USD - 2 nghìn tỷ USD.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, nếu các nhà lãnh đạo của một quốc gia được cho là tham nhũng, người dân cũng thường có xu hướng đó.
Trong năm vừa qua, một số nguyên thủ quốc gia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì những bê bối liên quan đến tham nhũng trong thời gian tại nhiệm.
Tại Brazil, Tổng thống Dilma Rousseff đã bị luận tội vào tháng 8, chỉ vài ngày sau Thế vận hội Rio và sau hàng loạt cuộc biểu tình khổng lồ được dấy lên do sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế đất nước.
Phần lớn sự phẫn nộ bắt nguồn từ vụ bê bối hối lộ và tham nhũng khổng lồ của tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras với sự liên quan của nhiều chính khách và quan chức chính phủ. Còn bà Rousseff đã bị luận tội với cáo buộc vi phạm luật ngân sách.
Tuy nhiên, vụ việc Petrobras không chỉ ảnh hưởng đến nhà lãnh đạo tiền nhiệm mà còn đang gây nhiều khó khăn lớn cho người kế nhiệm, ông Michel Temer – vốn không nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân. Một số bộ trưởng trong nội các của ông Temer đã từ chức sau khi bị nghi ngờ có liên quan trong bê bối Petrobras trong khi hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra về việc ông Temer có thể tại nhiệm hết nhiệm kỳ.
Biểu tình hàng loạt
Tiến trình luận tội cũng vừa “đánh bại” Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong tháng này. Bà phải đối mặt với một cuộc điều tra của quốc hội về cáo buộc có liên quan với hành động của người bạn thân Choi Soon-Sil trong việc ép buộc nhiều doanh nghiệp đóng góp lên tới hàng chục triệu USD vào các quỹ không minh bạch.
Vụ bê bối này đã dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình trong nhiều tuần, một số trong đó đã thu hút tới một triệu người.
Bên cạnh đó, nhiều nhà lãnh đạo khác, với nghi ngờ liên quan đến tham nhũng cũng đã bị ảnh hưởng về uy tín. Một trong số đó là Thủ tướng Malaysia Najib Razak khi Mỹ cáo buộc quỹ nhà nước 1MDB do ông lập ra có hành động tham nhũng.
Ông Najib đã yêu cầu dừng các cuộc điều tra trong nước về vụ bê bối này và tuyên bố đây là âm mưu của kẻ thù. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người đã tổ chức biểu tình yêu cầu ông từ chức.
Nhận định về những diễn biến trên, ông Jose Ugaz cho biết, "Tôi nghĩ đây là một năm khó khăn, nhưng đồng thời nó mang lại niềm hy vọng cho tương lai." Câu hỏi đặt ra là, liệu điều này có thể là động lực lâu dài giúp chính trường thế giới trở nên sạch hơn?