Trong vài tháng gần đây, dàn lãnh đạo cấp cao của các công ty thuộc danh mục đầu tư của Seedcom liên tục có sự đổi ngôi: CEO AhaMove, CEO GHN Express và giờ là chuỗi cà phê The Coffee House .
Được thành lập năm 2014, sau chặng đường 5 năm lần thứ nhất, The Coffee House đang được yêu cầu cho những sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là theo chủ trương chiến lược New Retail của toàn Seedcom. Có lẽ vì thế mà chuỗi cà phê này cần một luồng gió mới.
Nguyễn Hải Ninh sinh năm 1987, tài năng, có tiếng trong giới khởi nghiệp, lập The Coffee House năm 2014. Trước đó, Ninh cũng từng tạo trào lưu với chuỗi cà phê Urban Station với người bạn Đinh Nhật Nam.
Sau sự thay đổi này, ông Ninh giữ chức vụ Phó Chủ Tịch tại The Coffee House, thiên về chiến lược, giảm thiểu can thiệp vận hành nơi mà có vị tân CEO đảm đương.
Vị tân CEO, Mai Hoàng Phương, không hẳn là "luồng gió mới" vì ông là thành viên đồng sáng lập của Seedcom. Ông Phương đã từng kinh qua các vị trí điều hành tại các công ty thuộc portfolio của Seedcom như Juno, Cầu Đất Farm… và là người rất có kiến thức và kinh nghiệm về cà phê.
Tân CEO The Coffee House Mai Hoàng Phương là đồng sáng lập Seedcom.
Thông tin thêm là Seedcom cũng từng đầu tư vào một chuỗi cà phê khác là Shin Coffee, dẫu mối lương duyên này không thành, nhưng cho thấy ban điều hành Seedcom có vẻ rất thích cà phê .
Doanh thu của The Coffee House vào khoảng 670 tỉ đồng đến từ khoảng 100 cửa hàng. Mục tiêu năm nay là cán mốc 1.000 tỉ đồng và hướng đến việc mở 200 cửa hàng. Như vậy bình quân cứ 3 ngày sẽ khai trương một cửa hàng. Nếu làm được điều này thì đây là một tốc độ thần tốc.
Trên thế giới, chuỗi cà phê đang gây kinh ngạc về tốc độ vận hành là Luckin Coffee, một cái tên đến từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc, chuỗi cà phê số 1 là Starbucks với hơn 3.800 cửa hàng ở 165 thành phố.
Tuy nhiên hãng này phải mất 20 năm để đạt số lượng này. Trong khi đó, Luckin đạt hơn 2.000 cửa hàng chỉ sau 14 tháng. Tức là bình quân mở 4,7 cửa hàng mỗi ngày.
Trung bình mỗi năm, người Châu Âu uống 1.000 ly cà phê, ở Mỹ là 500 và ở Trung Quốc chỉ mới là 5 năm. Còn ở Việt Nam thì còn thấp hơn. Đó là lý do vì sao nhiều cái tên nhắm đến thị trường màu mỡ này.
Tuy nhiên có một dấu hiệu đáng báo động gần đây, diện tích trồng cà phê của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong vài năm qua. Một phần vì phải chặt bỏ vì cây đã hết tuổi thu hoạch nên cho năng suất thấp, một phần vì nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái vì đỡ vất vả hơn, thu nhập có vẻ cũng hứa hẹn hơn.
"Trồng cây ăn trái, thương lái sẽ vào tận vườn, tự cho người lên hái rồi cân ký tính tiền. Còn trồng cà phê phải tự mình hái, phơi và chở ra tận nơi thu mua, chi phí đội lên nhiều.
Nhiều năm thu hoạch xong, trả tiền phân bón chẳng thấy dư đồng nào. Giờ tôi chuyển sang trồng bơ, sầu riêng, mít, việc chăm bón cũng nhẹ nhàng hơn", một nông dân ở cao nguyên ở độ tuổi ngấp nghé thất thập chia sẻ.