“Từ khi Trump trúng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, thị trường đã quá chú ý đến chính sách tài khóa của ông ấy và mua đồng USD”, ông James Kwok, trưởng bộ phận quản lý đầu tư tiền tệ tại London của Amundi, nhận định trong cuộc trao đổi với hãng tin Blomberg.
“Giờ là lúc chứng kiến thị trường điều chỉnh cho phù hợp với thực tế chính sách thương mại của ông Trump”, ông Kowk nói.
Theo nhà quản lý quỹ này, đồng tiền của các nền kinh tế với thặng dư thương mại lớn, như đồng Yên Nhật, sẽ hưởng lợi khi xảy ra xung đột thương mại. Trái lại, những đồng tiền như Đô la Canada có thể mất giá do nước này có thâm hụt cán cân vãng lai.
Từ đầu năm tới nay, Yên Nhật đã tăng giá 3,6% so với đồng USD, trong khi Đô la Canada chỉ tăng 1,6%, thấp hơn mức tăng của phần lớn các đồng tiền trong nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới.
Theo tiết lộ của ông Maximilian Kunkel - một chiến lược gia cấp cao về đầu tư ở Zurich chuyên phục vụ các khách hàng siêu giàu - ngân hàng phục vụ khách hàng tư nhân lớn nhất thế giới UBS Group AG đang tư vấn khách hàng đầu cơ giá xuống đối với đồng USD hoặc cắt giảm nắm giữ đồng USD và thay vào đó mua vào những đồng tiền như Euro, Yên, và Krona Thụy Điển.
Ông Kunkel cho rằng đồng bạc xanh có thể đạt đỉnh trong một vài tháng tới khi sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng và lãi suất thực tế giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới bắt đầu thu hẹp.
Thước đo của Bloomberg về sức mạnh của đồng USD đã giảm hơn 1% kể từ khi ông Trump có bài phát biểu nhậm chức vào hôm thứ Sáu tuần trước với thông điệp “nước Mỹ trên hết”.
Ngoài ra, việc ông Trump chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phát biểu của ông Steven Mnuchin, người được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chính quyền Trump, rằng “đồng USD đang quá mạnh” cũng có thể có ảnh hưởng bất lợi cho ngắn hạn đối với tỷ giá đồng tiền này.
Quỹ đầu cơ Rhicon Currency Management với số tài sản khoảng 520 triệu USD, thì đang áp dụng một chiến lược giao dịch đầy thận trọng: không giữ trạng thái quá 48 giờ đồng hồ, và tránh đặt cược vào hướng đi dài hạn của đồng USD.
Theo ông Christopher Brandon, nhà đồng sáng lập của quỹ có trụ sở ở Singapore này, còn quá sớm để nói sự giảm giá của đồng USD chỉ là một “sự điều chỉnh lành mạnh” trước khi đồng tiền tăng giá trở lại, hay chính sách của ông Trump sẽ cản trở một đồng USD mạnh.
Ông Brandon dự báo rằng những nhà đầu tư đã mua vào USD - với niềm tin rằng chính sách hỗ trợ tăng trưởng của ông Trump sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh việc tăng lãi suất - có thể bán tháo đồng tiền này nếu tỷ giá USD giảm dưới mức 112 Yên/USD; 1,28 USD/Bảng; 1,09 USD/Euro.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 24/1 tại Tokyo, 1 USD đổi 112,91 Yên, 1 Bảng đổi 1,2510 USD, và 1 Euro tương đương 1,0755 USD.
Theo ông Kwok, triển vọng kinh tế Mỹ thời chính quyền Trump là bấp bênh và FED có thể tăng lãi suất ít nhất 1 lần trong năm nay. Các nhà giao dịch tương lai đã phản ánh vào giá tài sản 2 lần tăng lãi suất của FED trong năm 2017.
“Chính sách thương mại của ông Trump đến nay còn chưa được thị trường phản ánh đầy đủ. Mức độ biến động của thị trường sẽ gia tăng khi xung đột giữa chính sách thương mại và chính sách tài khóa thống trị các tít báo”, ông Kwok nói.