Theo tạp chí National Defense, sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ qua cho Việt Nam, đã có nhiều suy đoán về cơ hội hợp tác làm ăn giữa các nhà thầu quốc phòng Mỹ và Hà Nội.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích quốc phòng Ben Moores trên tạp chí IHS Jane's nhận định, Việt Nam sẽ không vội vã đặt nhiều đơn hàng vũ khí từ Mỹ dù ngân sách quốc phòng đang gia tăng nhanh chóng.
Ông Moores cho biết, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đã tăng lên đều đều trong 5 năm qua.
"Ngân sách của họ vào năm 2010 là 2,4 tỷ USD, năm nay là 5,8 tỷ USD và con số này sẽ còn tăng lên" - ông Moores nói, đồng thời dự đoán tới năm 2020, ngân sách quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên 7,5 tỷ USD và tới năm 2026 là 9,6 tỷ USD.
Mặc dù không phải toàn bộ ngân sách sẽ được dùng để mua sắm nhưng ông Moores ước tính Việt Nam có thể ký nhiều hợp đồng với tổng giá trị lên tới 13 tỷ USD vào thập kỷ tới.
Các khí tài mà Việt Nam dự định mua trong khung thời gian này bao gồm xe tăng, máy bay chiến đấu, radar tầm xa và máy bay cảnh báo sớm.
"Khoảng 10 tỷ USD trong số đó sẽ được trao cho các công ty nước ngoài", ông Moores nói, "tuy nhiên, không chắc họ (Việt Nam) sẽ tìm tới Mỹ để đáp ứng phần lớn nhu cầu".
Chẳng hạn, Mỹ không có xe tăng hay chương trình máy bay chiến đấu mới nào đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam. Lựa chọn phù hợp hơn có lẽ là trực thăng tấn công, radar tầm xa hoặc máy bay tuần tra biển.
Máy bay tuần tra biển P-3 (trên) hay CN-235 Persuader (dưới) sẽ được Việt Nam lựa chọn? (Ảnh: Air Force Technology)
Ông Moores dự đoán, Việt Nam có thể mua các máy bay tuần tra P-3 Orion được tân trang từ Mỹ. Song cũng theo vị chuyên gia này "họ (Việt Nam) còn có thể tìm tới (các nhà cung cấp) châu Âu", với mẫu máy bay tuần tra biển CN-235 Persuader của Tây Ban Nha.
Ngoài ra, Hà Nội có thể lựa chọn hệ thống radar FPS-117 của tập đoàn Lockheed Martin hoặc một mẫu khác của Italia.
Trực thăng UH-60A Black Hawk của Quân đội Mỹ. Ảnh: Wiki
Theo ông Moores, Việt Nam có thể chưa đủ tiềm lực tài chính để mua mẫu trực thăng chiến thuật mới nhưng có thể sẽ quan tâm đến các trực thăng Black Hawk được tân trang từ Mỹ.
Bên cạnh đó, Hà Nội có thể tìm đến các nhà thầu Mỹ để mua tên lửa, thiết bị tác chiến điện tử hoặc tàu hộ tống.
Hiện nay, khoảng 80-82% thiết bị quân sự của Việt Nam được nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, ông Moores dự đoán mức này sẽ giảm dần trong tương lai.