Cộng đồng mạng Trung Quốc bày tỏ sự đồng cảm với bà mẹ 2 con, sau khi đoạn video cho thấy người mẹ trong tâm trạng suy sụp tự tát vào mặt trước mặt con nhỏ. Người mẹ còn thừa nhận trước đó cô đã tát vào mặt con.
Theo Dianshi News, đoạn video đang nhận được sự chú ý đặc biệt của cư dân mạng Trung Quốc cho thấy cô Cheng sinh sống ở tỉnh Qúy Châu tự tát vào mặt mình, bởi cô không thể ru con ngủ.
Dân mạng Trung Quốc đồng cảm với người mẹ tự tát vào mặt trước con nhỏ. (Ảnh: Weibo)
Cô Cheng cho biết thêm, khi cô trở về nhà vào ngày 25/5 sau khi đưa con lớn tới trường học, cậu con nhỏ đang ngủ nên cô bế con vào giường nằm.
“Nhưng thằng bé bất ngờ tỉnh giấc và khóc liên tục, tôi đã quát và đánh con”, cô Cheng thú nhận.
Sau khi đánh con, cô Cheng đã vô cùng hối hận vì hành động mất kiểm soát trong lúc nóng giận. Do đó, cô đã tự tát vào mặt để trừng phạt bản thân. “Tôi sẽ học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, và thay đổi cách chăm sóc con”, cô Cheng nói thêm.
Sau khi xem đoạn video, thay vì đổ xô vào chỉ trích hành động của người mẹ, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc bày tỏ sự cảm thông với bà mẹ 2 con. “Tôi cảm thấy buồn cho người mẹ. Chỉ những ai chăm con nhỏ mới hiểu được sự thất vọng vào lúc đó”, một người bình luận.
Người khác đồng tình nhấn mạnh, “Việc sinh ra một đứa trẻ là công việc của hai người, nhưng tại sao nuôi dạy đứa con lại chỉ là công việc của một người?”.
Cô Cheng hiện là một trong hàng chục nghìn phụ nữ đang làm mẹ ở Trung Quốc không nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội trong quá trình chăm sóc con nhỏ. Theo số liệu của Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc vào năm 2019, phụ nữ trong độ tuổi từ 25 – 34 dành 1 tiếng 55 phút mỗi ngày để chăm con, trong khi đàn ông chỉ là 29 phút.
Thậm chí, một người mẹ từng phàn nàn trên diễn đàn làm cha mẹ về việc người chồng thờ ơ, không giúp đỡ chăm con. Cô này đã liệt kê tỉ mỉ lịch trình hàng ngày của mình gồm “Lúc 6h sáng tôi tỉnh dậy với đứa con nằm bên cạnh.
Tới 8h, tôi chuẩn bị quần áo, bỉm và 3 bữa cho con trong cả ngày và đi làm. Tới 10h, tôi tìm một chỗ để vắt sữa. Tới trưa, tôi chạy vội về nhà để cho con ăn. Lúc 18h, tôi tắm, massage cho con và thay quần áo cho thằng bé. Lúc 19h, tôi chơi với con. Tới 20h, tôi mới được nghỉ ngơi vì con đã lên giường đi ngủ”.
Ông Guo Ge, một giảng viên tại Khoa Xã hội học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ tại Bắc Kinh từng viết trong bản nghiên cứu năm 2018 rằng, “Thiếu vắng sự hỗ trợ từ phía xã hội trong quá trình nuôi dạy trẻ và sự kìm kẹp trong khuôn mẫu về giới cho rằng đàn ông là trụ cột gia đình, còn phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ đã tạo ra nhiều vấn đề trong quá trình nuôi dạy con ở Trung Quốc".
Theo ông Guo, Trung Quốc cần có sự hỗ trợ xã hội toàn diện hơn đối với những gia đình đang phải đối mặt với các thách thức trong giai đoạn nuôi con.