Thầy trò miền Tây bảo vệ nữ quyền bằng công nghệ

Trường Tiến |

Sản phẩm hỗ trợ bảo vệ, phòng chống xâm hại ở nữ giới– SEGI của thầy trò vùng ven thành phố Cần Thơ đã xuất sắc đoạt giải Nhì Hội thi Tin học.

Thầy trò miền Tây bảo vệ nữ quyền bằng công nghệ - Ảnh 1.

Nhóm tác giả tham dự tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 - năm 2022.

Sản phẩm hỗ trợ bảo vệ, phòng chống xâm hại ở nữ giới– SEGI của thầy trò vùng ven thành phố Cần Thơ đã xuất sắc đoạt giải Nhì Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28.

Em Lê Nguyễn Phụng Nghi, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, chia sẻ: Sản phẩm này rất tốt và thiết thực với cuộc sống. Hằng ngày, khi em đi học thêm về khuya, những con đường vắng gia đình rất lo lắng cho em, với sản phẩm này vừa giữ an toàn cho bản thân, vừa giúp gia đình bớt lo lắng hơn cho chúng em. Cùng suy nghĩ đó, em Lý Ngọc Gia An, học sinh cùng trường, cho biết: Em thấy rằng việc sử dụng sản phẩm này sẽ giúp bảo vệ cho các bạn nữ tránh được thực trạng xâm hại.

Tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 năm 2022 vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam,sản phẩm hỗ trợ bảo vệ, phòng chống xâm hại ở nữ giới - SEGI đã xuất sắc đoạt giải Nhì. Ý nghĩa nhân văn, tính khả thi cao của sản phẩm đã chinh phục ban giám khảo. Tác giả sản phẩm này là nữ sinh Trần Như Huỳnh và Nguyễn Thị Trúc Mai, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Ðiền.

Em Trần Như Huỳnh, học sinh lớp 11A1, tâm sự: “Em rất bất ngờ và vui vì sản phẩm của nhóm đã đoạt giải. Chúng em hy vọng thời gian tới, sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống và giúp ích nhiều cho xã hội”.

Chia sẻ về lý do thực hiện ý tưởng sản phẩm bảo vệ nữ giới khỏi xâm hại tình dục, nhóm tác giả cho biết thời gian qua, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, nhất là trẻ nhỏ trở thành một vấn nạn nhức nhối. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra như nữ giới bị bắt cóc, xâm hại, sàm sỡ, cưỡng hiếp... Con số nạn nhân không ngừng tăng lên, kéo theo đó biết bao hệ lụy nhói lòng. Nhiều trường hợp bị xâm hại đã tự tử vì quẫn trí, nhẹ thì tổn thương sâu nặng trong tâm lý. Làm thế nào để bảo vệ nữ giới, để có thể kịp thời kêu cứu, ngăn chặn hành vi của kẻ xấu?… những câu hỏi này đã thúc đẩy Như Huỳnh và Trúc Mai đầu tư nghiên cứu sản phẩm.

Sau khi nghe Huỳnh và Mai trình bày ý tưởng, thầy Nguyễn Phúc Thịnh (giáo viên bộ môn Hóa) đã ủng hộ và làm người hướng dẫn của hai em. “Mất tới 7 tháng để thầy và trò tạo ra sản phẩm SEGI. Hôm nào ở lớp, thầy trò cùng làm việc trực tiếp, hôm nào ở nhà thì làm việc online. Lúc sản phẩm hoàn thiện và ra đời, ai cũng vỡ òa niềm vui và thực sự hạnh phúc khi đoạt giải tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28”, thầy Thịnh chia sẻ.

Thầy trò miền Tây bảo vệ nữ quyền bằng công nghệ - Ảnh 3.

Em Trần Như Huỳnh và Nguyễn Thị Trúc Mai (bên trái), học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) tham dự chung kết cuộc thi Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 - năm 2022.

Em Trần Như Huỳnh và Nguyễn Thị Trúc Mai (bên trái), học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) tham dự chung kết cuộc thi Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 - năm 2022.

SEGI là sản phẩm hỗ trợ bảo vệ nữ giới chống xâm hại và bắt cóc dựa trên cơ sở tích hợp giữa phần cứng (gồm vi điều khiển, cảm biến flex, module gps Neo 6M, module sim800L...) và thiết kế thi công phần mềm SEGI V1.0.

Em Trần Như Huỳnh cho biết, tên sản phẩm được viết tắt từ tiếng Anh “Security Girl”. Khi sử dụng SEGI, người dùng là nữ giới sẽ gắn một thiết bị nhỏ gọn vào áo ngực. SEGI lưu được các số điện thoại để gọi điện cầu cứu, có thiết bị định vị, có thể nhận biết khi người sử dụng té ngã.

Lý giải rõ hơn về chức năng của sản phẩm, Trúc Mai trao đổi: SEGI được trang bị nút cầu cứu khẩn cấp S.O.S. Khi người sử dụng nhận biết được nguy hiểm đang cận kề thì chủ động ấn ngay vào nút, thiết bị lập tức hỗ trợ gọi điện và nhắn tin tới số điện thoại người thân được cài đặt trước để cầu cứu một cách kịp thời.

Thầy trò miền Tây bảo vệ nữ quyền bằng công nghệ - Ảnh 4.

Em Trần Như Huỳnh và Nguyễn Thị Trúc Mai, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) cùng sản phẩm SEGI.

Trường hợp người bị hại bất ngờ bị tấn công, đối tượng xấu dụ dỗ sử dụng các chất kích thích hay chất gây mê, làm cho mất nhận thức, sản phẩm có khả năng nhận biết và báo ngay về cho người thân do ứng dụng cảm biến góc nghiêng sẽ phát hiện khi người sử dụng bị té ngã, va đập, bị tấn công quật ngã xuống đất và gửi thông báo về cho người thân.

Hệ thống GPS giúp người thân định vị được vị trí của người sử dụng và rút ngắn được thời gian tìm kiếm khi xảy ra những tình huống bất ngờ.

Theo nhóm tác giả nghiên cứu, kinh phí thực hiện đề tài này chưa tới 2 triệu đồng, chủ yếu là tiền mua ma-nơ-canh làm mô hình để thực nghiệm, nên khả năng ứng dụng của sản phẩm rất cao. Trong thời gian tới, thầy Thịnh sẽ cùng nhóm nghiên cứu thiết kế lại sản phẩm nhỏ gọn, tiện dụng hơn để tăng tính thời trang. Ðặc biệt, thầy trò sẽ cải tiến để sản phẩm có thể sử dụng trong môi trường nước, lưu được nhiều số điện thoại hơn, gắn thêm thẻ nhớ để lưu lại lịch trình di chuyển...

Thầy Thịnh chia sẻ: “Mong muốn của Như Huỳnh và Trúc Mai là sau khi cải tiến, tăng tính ưu việt, sản phẩm SEGI sẽ được sản xuất thương mại, giúp cho nữ giới có thêm công cụ bảo vệ trước nạn xâm hại tình dục”.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhận xét: “Sản phẩm của nhóm học sinh Trường THPT Phan Văn Trị từng đoạt giải Nhất tại Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ năm 2022. Mới đây, sản phẩm này tiếp tục đoạt giải Nhì ở Hội thi cấp quốc gia. Đây là niềm vui và tự hào lớn đối với ngành Giáo dục TP. Sản phẩm SEGI mang ý nghĩa mạnh mẽ về việc tìm các giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục và góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về vấn nạn này”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại