1. Nếu như trận hòa với U18 Thái Lan, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn còn giữ lại được sự tự hào khi chơi trên chân "đại kình địch" ở Đông Nam Á, đồng thời vẫn giữ cho mình khe cửa hẹp vào bán kết, thì trận thua muối mặt trước U18 Campuchia lại mở ra "vết nứt" lớn nhất của bóng đá trẻ Việt Nam thời hậu Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường...
Gần 5 năm về trước, bầu Đức quyết định đôn lứa U19 HAGL lên đá V.League. Đấy là quyết định vấp phải rất nhiều sự phản đối của người hâm mộ, bởi đưa "lũ trẻ" mới chỉ đang chấp chới với lối chơi đẹp đi vào lòng người, vào một đấu trường khắc nghiệt như V.League là một sự liều lĩnh hơn mức cần thiết. Và lịch sử đã chứng minh điều đó.
Gần 5 năm sau quyết định đầy tranh cãi ấy của bầu Đức, HAGL vẫn chấp chới ở ngưỡng cửa xuống hạng. Ngay bây giờ, sau 4 trận bùng nổ với 2 chiến thắng cùng 2 trận hòa, trong đó có hai trận đội bóng phố Núi chơi cực hay trên sân của Thanh Hóa và Nam Định, họ vẫn đang đối mặt với nguy cơ xuống hạng, với vị trí thứ 11 đầy chông chênh trên bảng xếp hạng.
Nhưng sự va chạm sớm với môi trường chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt ấy đã giúp cho các cầu thủ trẻ của HAGL, cũng như những Quang Hải, Văn Hậu của CLB Hà Nội ngoài tài năng thiên bẩm, còn được rèn luyện về mặt chiến thuật, cũng như tâm lý để vững vàng ở các đội tuyển cấp quốc gia. Hi sinh thành tích ở CLB, nhưng rõ ràng bầu Đức đã thành công trong việc cung cấp cho bóng đá Việt Nam những "hạt giống" tốt để cùng HLV Park Hang-seo vững vàng bước trên đấu trường châu lục.
Trong thành công của bóng đá Việt Nam hiện tại, cũng không thể phủ nhận được công lao của HLV Hoàng Anh Tuấn, với kỳ tích lọt vào World Cup U20 hơn 2 năm về trước. Đấu trường ấy là "bước đệm" vững chắc cho lứa cầu thủ Việt Nam đang cực kỳ thành công tôi rèn được bản lĩnh vững vàng trên đấu trường quốc tế.
2. Với bóng đá cấp độ quốc gia, sau một lứa cầu thủ đầy tài năng và thành công, rất nhiều trường hợp sẽ là một "khoảng hụt" với lứa kế tiếp không thể gặt hái được những thành tích tương xứng với lứa đàn anh, nhất là ở những nền bóng đá kém phát triển như Việt Nam.
Điều đấy hoàn toàn có thể lý giải được, bởi với sự xuất sắc của lứa cầu thủ hiện tại, các lứa cầu thủ trẻ sau đó rất khó có cơ hội "chen chân" vào đội hình chính, ở cả cấp độ CLB lẫn các đội tuyển. Bên cạnh đó là sức ép tâm lý cực kỳ nặng đến từ sự kỳ vọng của người hâm mộ, cũng như chính những nhà cầm quân.
Nhìn U18 Việt Nam thi đấu trước Campuchia, người ta càng thấy rõ điều đó. Rõ ràng đẳng cấp của các cầu thủ trẻ Campuchia là kém hơn rất nhiều so với các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn, nhưng sự căng cứng về mặt tâm lý đã khiến các cầu thủ trẻ vội vàng hơn rất nhiều, với tâm lý phải "đập chết" đối phương, dẫn đến những đường bóng cuối cùng thường thiếu chuẩn xác, cũng như sự tỉnh táo trong phối hợp.
Sở dĩ trên sân Thống Nhất, trước U18 Campuchia, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn "cóng" đến mức Ban huấn luyện phải thay ra 2 cầu thủ ngay trong hiệp đấu đầu, trong đó có Tiến Sinh đang đeo băng đội trưởng, là bởi dư âm của trận đấu trước - khi họ không thể thắng U18 Thái Lan để tự định đoạt vận mệnh của mình trong lượt đấu cuối, vừa phải đá, vừa phải ngóng về sân Thành Long.
Người ta có lý do để trách HLV Hoàng Anh Tuấn, nhưng nên nhớ rằng trong danh sách tập trung U18 quốc gia cho giải đấu này, cả CLB Hà Nội lẫn HAGL chỉ góp mỗi nơi có 1 cầu thủ. Sự non nớt của các cầu thủ là điều rõ ràng, và tất nhiên, kinh nghiệm chinh chiến như những Quang Hải, Văn Hậu, hay Xuân Trường, Công Phượng là hoàn toàn không có.
Không dưới một lần, HLV Park Hang-seo than thở rằng điểm yếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là đào tạo trẻ, là tạo cơ hội, sân chơi cho các cầu thủ trẻ. Nhưng ai để ý, khi tất cả chỉ đang chăm chăm vào thành tích lẫy lừng của ông cùng lứa cầu thủ "thế hệ vàng" đang nắm trong tay, và chức vô địch SEA Games mà bóng đá Việt Nam chưa từng có được.
Thế thì thất bại này có gì là đáng ngạc nhiên?