Bát vàng đổi lấy chân kinh
Khán giả đọc truyện hay xem phim Tây du ký, chắc hẳn ai cũng nhớ đoạn thầy trò Đường Tăng đến đất Phật sau vô vàn gian khó, được Phật tổ đồng ý trao chân kinh. Các đại đệ tử của Phật là A Nan, Ca Diếp sau khi dẫn mấy thầy trò đến kho kinh văn, xem khắp một lượt thì nói với Đường Tam Tạng rằng:
"Thánh tăng từ phương Đông tới đây, chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng? Mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho".
Tam Tạng nói: "Đệ tử là Huyền Trang, vượt đường sá xa xôi, chẳng chuẩn bị được quà cáp gì cả".
Hai vị tôn giả cười nói: "Hà hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất".
Thấy họ vòi vĩnh, Tôn Ngộ Không liền đòi đi mách Phật tổ, hai vị tôn giả bèn níu lại trao kinh cho. Bốn thầy trò vui mừng chằng buộc đồ đạc, gánh gồng trở về. Tuy nhiên, khi gặp nạn trên đường về họ mới biết toàn bộ đều là giấy trắng. Đường Tăng nước mắt ngắn dài, vừa đau xót vừa sợ hãi, có phần oán trách, dẫn các đồ đệ trở lại chỗ Phật tổ khiếu nại.
Tôn Ngộ Không nói: "Thầy trò tôi trăm cay ngàn đắng, đi bao năm tháng mới đến được đây, nhờ ơn Như Lai truyền phát kinh, mà A Nan, Ca Diếp đòi tiền hối lộ không có, cố ý phát kinh giấy trắng chưa có một chữ. Xin Phật tổ trị tội hai người tác tệ, và đổi kinh có chữ cho chúng tôi".
Phật tổ cười nói: "Chuyện ấy ta đã biết, hai người phát kinh không lỗi. Bởi kinh rất quý, lẽ nào tay không thỉnh kinh mà được phúc hay sao? Khi trước các thầy mới tu tại đây có đem kinh xuống nước Xá Vệ mà tụng cầu siêu cho Triệu trưởng giả, Triệu trưởng giả trả công 3 đấu 3 thăng gạo trắng và bạc vàng chút đỉnh, ta còn nói Triệu trưởng giả bủn xỉn lắm, chắc sau con cháu phải nghèo nàn. Nay ngươi đến tay không mà thỉnh bấy nhiêu kinh, còn than thở gì nữa? Kinh giấy trắng chẳng phải là vô dụng đâu, ấy là kinh vô tự, quý hơn kinh hữu tự, ngặt chúng sinh xem không hiểu nên phải đổi".
Nói rồi, Phật truyền A Nan, Ca Diếp đổi kinh có chữ cho 4 thầy trò. Hai vị tôn giả đưa họ đến kho kinh văn và lại đòi lễ vật như trước. Tam Tạng đành bảo Sa Tăng mở hành lý lấy chiếc bát vàng mà vua Đường tặng khi trước, vẫn dùng để khất thực trên đường thỉnh kinh, đem dâng. A Nan cầm cái bát, rất vui vẻ; những người xung quanh cười rằng hai vị không biết xấu hổ, nhưng tôn giả vẫn tỉnh queo, còn Ca Diếp thì lấy kinh có chữ trao cho mấy thầy trò.
Vì sao đến đất phật vẫn phải hối lộ?
Từ hành động của A Nan và Ca Diếp, đã làm cho không ít người trong chúng ta thắc mắc rằng: Tại sao hai đệ tử lớn của Đức Phật đều là những bậc đã chứng quả A-la- hán, nghĩa là không còn cấu nhiễm các pháp của thế gian, vậy mà họ vẫn còn mang tâm niệm muốn tranh đoạt Bát vàng của Đường Tăng. Tại sao suốt cả cuộc hành trình về xứ Phật, ta thấy bao điều tốt đẹp của chư vị Bồ Tát, vậy mà đến tập cuối của bộ phim lại xuất hiện những hành vi như thế?.
Song, lý giải theo giáo lý nhà Phật - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bình bát vốn là biểu tượng của nhà tu khất thực, là một trong những vật quý giá nhất của một vị Tỳ kheo. Theo giới luật nhà Phật, mỗi vị Tỳ kheo phải bảo vệ Bình bát giống như bảo vệ tròng mắt của mình, vì Bình bát tượng trưng cho tâm thanh tịnh, tinh khiết của một hành giá xuất gia, Bình bát còn tượng trưng cho tâm từ bi bao la rộng khắp đối với muôn loài.
Nhưng ở đây, Bình bát của Đường Tăng là của vua Đường tặng cho ngự đệ kết nghĩa - đó chính là Tư tình. Bình bát ấy bằng vàng - một thứ kim loại quý hiếm - đó chính là Tư sản. Vì vậy, Bình bát của Đường Tăng trong tình huống này tượng trưng cho của cải, tình riêng và danh vọng ở thế gian.
Để nhận kinh báu của Phật, thì buộc phải dâng nạp Bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải xuất gia, phải lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.
Còn việc Đường Tăng nhận được những mẩu giấy trắng, ở đây muốn nói lên Tam Tạng chưa thâm nhập vào Phật tánh được vì vẫn còn bị các pháp của thế gian ràng buộc, nghĩa là còn năm trong phạm trù đối đãi của trần tục, vẫn còn cho Bát vàng là quý, là kỉ vật của vua Đường ban tặng. Không buông xả các pháp thô hèn của thế gian, vẫn còn theo lối tư duy hữu ngã.
Việc bốn thầy trò Đường Tăng bị nhận kinh không chữ, cũng như khi nhận được Chân kinh mà không hiểu giáo nghĩa của Chân kinh. Vì nhận được Chân kinh mà không truyền trao được giáo lý Phật Đà theo chánh pháp thì cũng như không nhận, không nhận thì cũng đồng nghĩ với việc nhận những trang giấy trắng mà thôi. A Nan và Ca Diếp không trao chân kinh cho bốn thầy trò Đường Tăng mà trao những trang giấy trắng là vì những lý do đó.
Về sau, khi đã trao bát vàng để lấy chân kinh, Đường Tăng đã thực sự buông bỏ, đã hết mọi sở chấp, không chấp có mà cũng không chấp không, không còn vật giữ và cũng không còn vật để giữ. Ông không còn bị ràng buộc bởi các pháp thế gian, đi sâu vào Phật tính, thấy rõ được các pháp vốn là không từ đâu đến, tất cả đều là không. Đây là lúc ông thực sự ngộ ra chân lý của nhà Phật, cũng là nhận được chân kinh vậy.
Ngày xưa, khi Thái tử Cồ đàm tìm đạo giải thoát, ngài đã phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương. Khi vua Trần Nhân Tông đi tìm đạo giải thoát cũng phải bỏ lại tất cả, ngai vàng, quyền lực, tam cung, lục viện... sau đó lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà) và tu hành, thì mới được người đời sau cung kính gọi là Phật Hoàng.