Là một nước nông nghiệp, phân bón là một trong những mặt hàng liên tục mang về nguồn giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024 Việt Nam xuất khẩu trên 1,03 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 420,32 triệu USD, tăng 9,7% về lượng, tăng 7,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá trung bình 406,6 USD/tấn, giảm 2%.
Riêng tháng 7/2024 xuất khẩu 132.215 tấn phân bón các loại đạt 58,81 triệu USD, giảm 23,6% về lượng, giảm 8,5% kim ngạch so với tháng 6/2024; So với tháng 7/2023 cũng giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 7,6% kim ngạch.
Campuchia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất Việt Nam trong 7T/2024, chiếm gần 31% trong tổng khối lượng và chiếm 31,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 318.716 tấn, tương đương 132,51 triệu USD, giảm 6,6% về lượng, giảm 7,1% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 7/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 68.698 tấn, tương đương 30,28 triệu USD, giá trung bình 440,7 USD/tấn, tăng 12,2% về lượng, tăng 17,6% kim ngạch, giá tăng 4,8% so với tháng 6/2024.
Đứng sau là thị trường Hàn Quốc đạt 114.697 tấn, tương đương trên 47,68 triệu USD, giá trung bình 415,7 USD/tấn, tăng 136,6% về lượng, tăng 165,9% kim ngạch và tăng 12,4% về giá, chiếm trên 11% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 73.740 tấn, tương đương 27,27 triệu USD, giá trung bình 369,8 USD/tấn, tăng 29,8% về lượng, tăng 47,8% kim ngạch và giá tăng 13,9%, chiếm 7,1% trong tổng khối lượng và chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch.
Năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước.
Dự kiến nhu cầu phân bón ure sẽ mạnh hơn từ thị trường châu Âu và Hoa Kỳ từ tháng Chín. Nhu cầu tăng tại một số thị trường châu Á khi một số đấu thầu mua hàng đã diễn ra tại Sri Lanka, Pakistan… và kỳ vọng một phiên thầu nhập khẩu ure của Ấn Độ sẽ được phát hành trong 1 hoặc 2 tuần tới. Tại châu Mỹ, hoạt động giao dịch không sôi động.
Hiện các nhà tiêu thụ lớn phân bón của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt đấu thầu lại để đảm bảo nguồn cung phân bón. Trung Quốc và Nga cũng kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón. Vì vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu trong nước thấp điểm.
Mới đây trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, phân bón được đưa vào diện chịu thuế 5%, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới.
Phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này. Do vậy, hiện vẫn còn quan điểm khác nhau trước đề xuất này.
Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, áp mức thuế suất trên sẽ khiến người nông dân chịu thiệt. Bởi đây là thuế gián thu, người nông dân, tiêu dùng cuối cùng phải chịu do giá bán tăng.
Hiện chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp khoảng 6-8%, tức cao hơn mức thuế suất Chính phủ tính áp dụng như dự thảo. Tức là, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thuế VAT nhưng lại không được hoàn. Chưa kể, hàng nhập khẩu được miễn thuế này, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm sản xuất trong nước.