1. Trận đấu với U22 Singapore ở SEA Games 30, khi Quang Hải bị chấn thương rời sân từ sớm, U22 Việt Nam chơi cực kỳ bế tắc. Nên nhớ, đây là trận đấu mà thầy trò HLV Park Hang-seo buộc phải thắng để giật lấy lợi thế trước khi bước vào trận đấu quyết định với "đại kình địch" U22 Thái Lan.
Rốt cuộc, Hà Đức Chinh cũng đem về trọn vẹn 3 điểm cho U22 Việt Nam từ cú đánh đầu cận thành, sau pha chuyền bóng bằng đầu cực kỳ đẹp mắt của Văn Hậu ở phút 85. Khởi thủy của pha ghi bàn ấy là một quả phạt góc.
Đức Chinh đánh đầu tung lưới Singapore (nguồn: HTV)
Trận đấu vòng bảng với U22 Indonesia ở SEA Games 30, U22 Việt Nam bị dẫn trước từ khá sớm. Phút 64, từ cú đá phạt góc của Hùng Dũng, Thành Chung khéo léo đánh đầu ghi bàn thắng gỡ hòa, lấy lại sự hưng phấn cho U22 Việt Nam, tạo tiền đề cho cú ra chân siêu phẩm của Hoàng Đức giúp lấy trọn 3 điểm cho đội nhà.
Thành Chung đánh đầu gỡ hòa cho U22 Việt Nam (nguồn: VTC)
Trận chung kết SEA Games 30, thầy trò HLV Park Hang-seo gặp lại U22 Indonesia. Cho đến thời điểm hiệp đấu đầu tiên còn 5 phút, U22 Việt Nam vẫn chưa thể có được bàn thắng mở tỷ số. Phút 40, Hùng Dũng treo bóng từ quả đá phạt vào vòng cấm địa. Văn Hậu bật cao đánh đầu tung lưới, mở ra trận thắng 3-0 đưa U22 Việt Nam lên ngôi vô địch SEA Games.
Không khó để nhận thấy trong chức vô địch SEA Games 30 của thầy trò HLV Park Hang-seo, những pha ghi bàn đến từ tình huống cố định đóng vai trò cực lớn trong những trận cầu quyết định. Nó là thứ vũ khí mà HLV Park Hang-seo đã sử dụng cực kỳ thành công, đem lại sự ngỡ ngàng cho các đối thủ, và giúp các học trò của ông có được sự tự tin mạnh mẽ vào khả năng giải quyết trận đấu của mình.
Văn Hậu đánh đầu mở tỷ số trận đấu (nguồn: HTV)
Bên cạnh đó, dưới thời của HLV Park Hang-seo, dù cho gặp các đối thủ mạnh châu lục, hay các đối thủ yếu Đông Nam Á, dù áp dụng lối chơi phòng ngự - phản công, hay tấn công, thì những pha bóng chuyển trạng thái xuất thần từ tuyến dưới cũng đóng góp rất nhiều nhiều vào sự nguy hiểm, cũng như thành công của các đội tuyển dưới sự dẵn dắt của HLV Park Hang-seo.
Điển hình nhất là pha ghi bàn "siêu phẩm" của Quang Hải trước đội tuyển Malaysia trên sân Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Đối phương không thể ngờ được rằng trung vệ Quế Ngọc Hải có thể xuất thần phất một đường bóng "sát thủ" đến như thế cho Quang Hải bay người kết thúc trong sự ngỡ ngàng của đối phương.
Quang Hải ghi siêu phẩm tung lưới Malaysia
Với sự cơ động ở hai cánh của Văn Hậu và Trọng Hoàng, cũng như kỹ năng đánh chặn và thoát pressing cực tốt của Tuấn Anh, cũng như sự linh hoạt của Hùng Dũng, các đội bóng dưới tay HLV Park Hang-seo thường xuyên có những pha phản công khiến đối phương "không kịp trở tay", khi những đường phát động phản công từ tuyến dưới cực kỳ hiểm hóc, và "như có mắt" tìm đến đường di chuyển của các cầu thủ tấn công.
2. Trước U23 UAE, thiếu vắng cả Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng và Tuấn Anh, U23 Việt Nam đánh mất luôn những pha chuyển trạng thái xuất thần - thứ vũ khí mạnh nhất dưới thời HLV Park Hang-seo, thay vào đó là những đường chuyền cực kỳ "vô hại" của các cầu thủ tuyến dưới mỗi khi có bóng trong chân.
Thay vì nhìn ra đường di chuyển của các đồng đội ở tuyến trên để tung ra những đường chuyền mang tính sát thương cao, cả Việt Anh, Tấn Sinh lẫn Thanh Thịnh đều chỉ mới làm được việc là chuyền bóng cho đồng đội, và trong trận đấu này, tỷ lệ chuyền bóng hỏng của họ là cực lớn.
Trong khi tỷ lệ chuyền bóng thành công của U23 UAE là 84,6%, thì tỷ lệ ấy của U23 Việt Nam chỉ là 71,5%. Đáng chú ý, số lượng đường chuyền của U23 UAE là gần gấp đôi so với các học trò của HLV Park Hang-seo (514 so với 281). Trong đó, tỷ lệ chuyền bóng trên phần sân đối phương của U23 Việt Nam chỉ đạt vỏn vẹn 56,2%, trong khi con số đó của đối thủ là 73,2%.
Sơ đồ chuyền bóng của Bùi Hoàng Việt Anh và Huỳnh Tấn Sinh (màu xanh là chuyền thành công, màu đỏ là không thành công).
Thống kê cho thấy cả trận, Bùi Hoàng Việt Anh tung ra cả thảy 13 đường chuyền, và có đến 7 đường chuyền trong số đó không đến được chân các đồng đội. Còn với Huỳnh Tấn Sinh, đa số các đường chuyền thành công của cầu thủ này đều là chuyền về hoặc chuyền ngắn, hầu hết các đường chuyền dài hướng lên phía trên đều sai địa chỉ.
Sự vô hại từ các đường chuyền của tuyến dưới đã khiến cho hàng công của U23 Việt Nam trở nên cực kỳ vô hại, dù cho thầy Park bố trí đến 2 tiền đạo thực thụ chơi trên hàng công. Và cũng bởi thế, Quang Hải phải thường xuyên lui về làm bóng ở phần sân nhà, khiến sự chia cắt ở khu vực tiền vệ trở nên rõ rệt hơn.
Quang Hải thường xuyên bị các đồng đội ở tuyến dưới đặt vào "thế khó".
Trận đấu này, U23 Việt Nam được hưởng đến 6 quả phạt góc, so với chỉ 2 của đối phương. Không khó để nhận thấy sự chuẩn bị tỉ mỉ của các cầu thủ Việt Nam trong những tình huống cố định này, song rốt cuộc không tình huống phạt góc hay sút phạt nào của họ thành bàn.
Sử dụng "vũ khí" mang tên "tình huống cố định", nên nhớ rằng U23 Việt Nam ở giải đấu này không còn Hùng Dũng, cầu thủ có những quả tạt bóng "như đặt" vào sâu vòng cấm địa. Thành Chung hay Hà Đức Chinh vẫn còn đó, nhưng họ thiếu đi một Văn Hậu cao lớn và đầy sức mạnh vừa có khả năng làm "chim mồi", vừa làm tường, vừa tự mình kết thúc.
Nên nhớ ở giải đấu này, U23 Việt Nam chỉ là đội bóng có chiều cao xếp thứ 13/16, và U23 UAE xếp ngay dưới, ở vị trí thứ 14, song các học trò HLV Park Hang-seo cũng không thể thành công nổi đến một lần bằng "vũ khí" lợi hại ở SEA Games 30 của mình.
Trận hòa với U23 UAE là thành công hay thất bại của HLV Park Hang-seo? Nó hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả trận đấu tới, với U23 Jordan. Đang có 3 điểm trong tay, U23 Jordan sẽ "không vội" trước U23 Việt Nam, và trong trường hợp không thể ghi bàn vào lưới đối phương, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ lâm nguy thực sự.
Nhưng ghi bàn bằng thứ "vũ khí" nào, khi cả hai "vũ khí" lợi hại nhất của thầy trò HLV Park Hang-seo ở SEA Games 30 đều đã tỏ ra vô hiệu ở sân chơi châu lục? Và liệu nếu mạnh dạn "buông" hai "vũ khí" này xuống, thầy Park có còn "vũ khí" nào trong tay áo hay không?