1. Trước trận đấu này, không ít chuyên gia bóng đá, cũng như người hâm mộ vẫn rền rĩ về việc dưới thời thầy Park, U23 cũng như đội tuyển Việt Nam trình diễn một lối chơi nặng về phòng ngự, đặt phòng ngự làm yếu tố tiên quyết trước khi tìm đường vào khung thành đối phương. Nói đâu xa, suốt 4 trận vòng bảng, đội tuyển Việt Nam giữ sạch lưới tuyệt đối.
Nhưng hôm qua, trên sân Panaad ở Bacolod, HLV Park Hang-seo cho các học trò trình diễn một lối đá khác hẳn, với thế trận đôi công, bất chấp đối thủ từng khiến Thái Lan phải lép vế, ôm hận khi gãy đổ trước lối chơi tấn công thiên về sức mạnh với những cầu thủ đầy lợi thế thể mặt thể hình, cũng như sức mạnh, sức bền.
Lối chơi ấy không chỉ khiến đối phương bất ngờ, mà còn khiến những người từng mạnh miệng chỉ trích lối chơi của HLV Park Hang-seo phải câm lặng, bởi với lối chơi ấy, đội tuyển Việt Nam đã tạo dựng được một thế trận quá tốt, với rất nhiều cơ hội, cùng 2 bàn thắng đánh bại Philippines ngay trên sân nhà. Quả tình, nếu Đức Chinh và Công Phượng không quá vô duyên, có lẽ Việt Nam còn có thể thắng đậm hơn.
Hai bàn thắng mà Anh Đức và Phan Văn Đức ghi được, cũng như những pha bỏ lỡ đáng tiếc của Đức Chinh, Công Phượng rõ ràng là kết quả của những "bài" tấn công đỉnh cao.
Như HLV Phạm Minh Đức nói: "Hai bàn thắng ấy là đỉnh cao của bóng đá tấn công. Không phải xuất phát từ những đường phất bóng dài mặc cho tiền đạo ghi bàn như mọi người nghĩ đâu. Trong pha ghi bàn của Anh Đức, Văn Hậu đã thể hiện được khả năng quan sát rất tốt để kiến tạo cho đàn anh lập công.
Riêng bàn thắng của Văn Đức, hàng công đã làm quá tốt nhiệm vụ phá bẫy việt vị. Trọng Hoàng đã rất khôn khi chuyền bóng và đúng khe băng lên của Văn Đức. Tôi nghĩ bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 đã nói hết lên được những phẩm chất tốt nhất của Phan Văn Đức, cầu thủ tôi cho rằng luôn đạt được thang điểm 10 mỗi khi có mặt trên sân".
Lối chơi ấy, phải chăng là "ngón đòn" mà HLV Park Hang-seo "dành riêng" cho Philippines ở bán kết, sau khi nhà cầm quân người Hàn Quốc này đã cố tính "giấu tiệt" suốt vòng bảng? Không phải. Niềm tin tuyệt đối vào các học trò mới là "lá bài" trong trọng nhất của thầy Park. Có nó, lối chơi nào, chiến thuật nào không còn quá quan trọng nữa.
2. Tính từ đầu giải đến giờ, đội tuyển Việt Nam chỉ hòa có duy nhất một trận. Đấy là trận đấu với Myanmar ở Yangon. Trận hòa không bàn thắng ấy, Việt Nam chỉ cầm bóng có 47,2%, nhưng tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên đến 78,2%, cao hơn đối phương.
Trận đấu ở Bacolod trước Phlippines, các học trò của HLV Park Hang-seo sở hữu tỷ lệ chuyền bóng thành công thấp hơn nhiều, chỉ chưa đầy 70%. Nhưng họ là người chiến thắng, và chiến thắng ấy không đến từ may mắn, trái lại cực kỳ thuyết phục.
Bán kết AFF Cup 2018: Philippines 1-2 Việt Nam (nguồn: Next Media)
Để lý giải điều đấy không khó, bởi chấp nhận chơi đôi công, đẩy tốc độ trận đấu lên nhanh và "ném" cầu thủ vào những pha tranh chấp tốc độ với đối phương khỏe hơn, to cao hơn, rõ ràng tỷ lệ chuyền bóng thành công thấp là điều HLV Park Hang-seo phải chấp nhận.
Điều quan trọng hơn rất nhiều, là ông tin rằng các cầu thủ của mình, dù bất lợi về mặt thể hình, sẽ vẫn đủ khả năng và tinh thần, cùng sự tỉnh táo để hạ gục đối phương bằng chính đòn của họ. Niềm tin ấy khiến mọi chỉ số thống kê trở nên vô nghĩa.
Niềm tin ấy khiến những lời chỉ trích nặng nề mà cả chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải lẫn BLV Quang Huy dành cho Quang Hải, cũng như các cầu thủ Việt Nam trong suốt hiệp thi đấu đầu tiên trở nên vô nghĩa.
Họ bảo Quang Hải để mất bóng nhiều, chuyền sai, họ bảo tâm lý các cầu thủ trẻ Việt Nam suốt hiệp 1 "có vấn đề". Nhưng liệu không "điên" như Quang Hải, không "có vấn đề" như các cầu thủ Việt Nam, thì có đủ sức đôi công, "đánh vỗ mặt" đối phương như họ đã làm được không?
Nếu Hà Đức Chinh kết thúc tốt hơn, Việt Nam đã có trận thắng đậm đà.
Góc nhìn của hai chuyên gia này không sai, có điều đấy chỉ là góc nhìn kỹ thuật đơn thuần, mà không xét trong bối cảnh các cầu thủ trẻ đã được thầy Park "tiêm một liều doping tinh thần", để đặt trọn niềm tin vào ông thầy từng đưa họ đến 2 lần kỳ tích lẫy lừng, làm đúng những gì ông bảo, chỉ đơn giản thế thôi.
"Tôi rất chán khi người ta so sánh đội này với đội kia dựa trên chiến thuật, kỹ thuật, mà quên mất rằng những con người bằng xương bằng thịt, với đầy đủ cảm xúc mới là những người thực thi nó. Chiến thuật là quan trọng, nhưng nó không giúp thắng trận. Chỉ có cầu thủ mới làm được điều đó".
Ngay trên đây là phát biểu của một HLV cực kỳ nổi tiếng, thậm chí nổi tiếng hơn HLV Park Hang-seo rất nhiều - Sir Alex Ferguson. Và với những gì đang làm cho đội tuyển Việt Nam, người ta dễ dàng thấy nhà cầm quân người Hàn Quốc đang làm đúng theo những gì HLV huyền thoại của Man United đã nói: cầu thủ mới là yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng.
Hôm qua, tất cả những cầu thủ HLV Park Hang-seo đưa vào sân đều chơi cực hay, từ Anh Đức, Văn Đức, Trọng Hoàng, Văn Hậu, cho đến Quang Hải, Đức Chinh hay Công Phượng. Bên cạnh đó, những cầu thủ ngồi ngoài như Xuân Trường hay Hồng Duy, Tiến Linh cũng đều sẵn sàng chứng tỏ mình, và chơi hay nhất có thể nếu được tung vào sân.
Rất có thể, trận lượt về trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam sẽ thể hiện một bộ mặt khác, không còn đẹp mắt, hừng hực khí thế như ở Bacolod nữa, mà lại chặt chẽ, bóp nghẹt đối phương bởi lối chơi có phần "xấu xí", nhưng dù cho dùng lối chơi nào đi nữa, hãy tin rằng HLV Park Hang-seo đang làm những điều tốt đẹp nhất cho bóng đá Việt Nam.
Tận hưởng chiến thắng, thôi phàn nàn, rền rĩ và giao lại sân cỏ cho HLV Park Hang-seo cùng những học trò của mình, chả nhẽ điều ấy lại khó lắm sao?