Giật mình về chủng loại máy bay chiến đấu của Không quân Ai Cập
Ai Cập là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ thuộc loại lớn trên thế giới (đứng thứ 27), nằm ở Bắc Phi có quân đội khá mạnh, được trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Trong đó không quân của họ sở hữu tới gần 600 máy bay cánh cố định các loại.
Tuy nhiên, nguồn gốc của những loại máy bay này khiến chúng ta phải giật mình vì chúng gồm quá nhiều chủng loại lại tới từ nhiều quốc gia khác nhau.
Riêng đối với máy bay chiến đấu đang còn hoạt động được, ước tính Không quân Ai Cập hiện có 60 J-7 (Trung Quốc), 82 Mirage-5 và 18 Mirage-2000 (Pháp), 50 MiG-21 (Liên Xô/Nga), 220 F-16 (Mỹ).
Hầu hết các loại máy bay này đều đã đạt ngưỡng tuổi thọ cao nhất, cần sớm được thay thế. Có điều lạ là dường như Ai Cập không hề cảm thấy bất tiện khi cùng lúc phải đảm bảo vận hành, khai thác và phối hợp chiến đấu nhiều chủng loại máy bay khác hệ.
Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược tái hiện đại hóa của Không quân Ai Cập khi họ vẫn chú trọng đa dạng hóa nguồn cung máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Lý giải quyết định có vẻ hơi lạ lùng này, nhiều chuyên gia cho rằng, từ kinh nghiệm xương máu trong các cuộc chiến khốc liệt suốt những năm 1960-1970, với những bài học đắt giá, Không quân Ai Cập không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào bất cứ nguồn cung nào sợ dễ bị "bắt bài".
Tiêm kích Rafale của Không quân Ai Cập
Mạnh tay hiện đại hóa không quân
Như đã nói ở trên, Ai Cập vẫn "bảo lưu" quyết định mua sắm máy bay chiến đấu thế hệ mới từ nhiều nguồn khác nhau và đã được cụ thể hóa bằng những hợp đồng cực lớn, trị giá lên tới nhiều tỷ USD.
Thứ nhất, để thay thế tiêm kích J-7 của Trung Quốc, Ai Cập đã bày tỏ mong muốn được tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo JF-17 từ liên doanh Trung Quốc-Pakistan. Các cuộc đàm phán đã được tiến hành, có thể không lâu nữa hợp đồng chính thức sẽ được ký kết.
Thứ hai, để thay thế Mirage-5 và sắp tới là cả Mirage-2000, Ai Cập đã đặt mua ít nhất 24 chiếc tiêm kích đa năng Rafale từ Pháp, gồm 2 phiên bản 16 Rafale DM 2 người lái và 8 Rafale EM 1 người lái. Tính đến nay, họ đã nhận được tổng cộng 14 chiếc máy bay thế hệ mới theo hợp đồng.
Thứ ba, để thay thế MiG-21, 50 chiếc tiêm kích đa năng MiG-29M2 đã được đưa vào kế hoạch sản xuất của RAC MiG (Nga) theo hợp đồng trị giá ước tính đạt 2 tỷ USD đã ký giữa Ai Cập và Nga năm 2016. Chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao trong nửa đầu năm 2017.
Theo một số nguồn tin MiG-29M2 là phiên bản tiêm kích đa năng 2 người lái của MiG-35D chuyên dành cho xuất khẩu.
Chiếc MiG-29M2 số hiệu 811 đã được sơn ngụy trang sa mạc theo yêu cầu của Không quân Ai Cập.
Đến đây ta lại thấy có một điểm lạ nữa là trong khi Nga ra sức quảng bá MiG-35 để hòng xuất khẩu được càng nhiều càng tốt thì những chiếc tiêm kích bán cho Ai Cập lại vẫn mang tên cũ MiG-29M2. Có lẽ tại thời điểm ký hợp đồng, MiG-35 vẫn chưa thực sự được hoàn thiện bởi lẽ phải tới tận cuối tháng 1/2017, Nga mới chính thức giới thiệu MiG-35.
Chiếc MiG-29M2 số hiệu nhà máy 801 được cho là của Không quân Ai Cập đã cất cánh bay thử.
Số phận của dòng tiêm kích MiG-35 có lẽ vẫn chưa thoát khỏi phận long đong khi mà ngay cả Không quân Nga cũng đang còn lưỡng lự chưa chính thức ký hợp đồng đặt mua, trong khi nhiều khách hàng trước đây tỏ ra quan tâm tới dòng máy bay này lại đang "ngãng ra".
Như vậy, với số lượng MiG-29M2 đặt mua, Không quân Ai Cập áp dụng công thức 1 đổi 1, tức là loại biên 1 MiG-21 thì sẽ bù bằng 1 MiG-29M2 mới.
Nhưng hơn thế, theo nhiều chuyên gia, hiệu quả tác chiến của mỗi chiếc MiG-29M2 bằng 3 hay thậm chí bằng 5 chiếc MiG-21, do vậy đợt mua sắm này đem lại cho Không quân Ai Cập sức mạnh chiến đấu bằng cả trăm chiếc MiG-21 và cái giá 40 triệu USD cho mỗi chiếc MiG-29M2 là khá hợp lý, "đáng đồng tiền bát gạo".