Nội dung chính
- Người đàn ông phát hiện huyết áp cao, quyết định thay đổi chế độ ăn.
- Kết quả sau khi thay đổi chế độ ăn.
- Cách giảm muối trong chế độ ăn.
Trong lần đi khám sức khỏe vào đầu tháng 6/2024, anh N.M.L (36 tuổi, tại Hà Đông, Hà Nội) có kết quả đo huyết áp hơi cao so với bình thường.
Lúc đầu, anh L nghĩ do vừa vận động nên huyết áp tăng. Anh xin bác sĩ nghỉ ngơi sau đó đo lại. Sau 30 phút, huyết áp vẫn không thay đổi.
Anh L thừa nhận với bác sĩ bản thân có chế độ ăn nhiều muối, dầu mỡ và thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh. Bên cạnh đó, anh L cũng không hoạt động thể lực.
Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, anh L quyết tâm về nhà thay đổi chế độ ăn. Anh giảm muối, hạn chế đồ dầu mỡ, đồ ăn nhanh. Mọi người trong gia đình lúc đó nói rằng anh "ăn uống quá nhạt nhẽo".
“Lúc đầu, việc giảm lượng muối ăn hằng ngày cũng gặp một chút khó khăn nhất định, ăn uống không còn cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, sau khoảng nửa tháng giảm dần lượng muối tới ngưỡng quy định, tôi cũng quen dần. Khi đi ăn ngoài hàng, tôi không sử dụng nước chấm, cũng vì vậy, nhiều người nói tôi ăn uống nhạt nhẽo, vô vị”, anh L kể.
Một thời gian sau, anh L đi khám lại thì thấy huyết áp đã về mức ổn định.
Anh L khoe: “Tôi ăn uống nhạt nhẽo vô vị nhưng lại được bác sĩ khen vì giảm nguy cơ biến chứng cho tim – thận”.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn (Viện dinh dưỡng Quốc gia), cho hay muối là gia vị có vai trò nhất định đối với sức khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra ăn thừa muối sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới tim mạch, huyếp áp, cơ quan tiêu hóa và sức khỏe nói chung.
“Muối có trong thực phẩm tự nhiên, thực phẩm chế biến sẵn, quá trình chế biến, gia giảm gia vị, thuốc… Do vậy, việc kiểm soát muối phải là kiểm soát tổng lượng muối ăn vào trong ngày. Theo đó, mức ăn muối theo khuyến nghị là dưới 5g muối/ngày”, bác sĩ Hưng nói.
Cách giảm muối trong chế độ ăn
Theo cuộc điều tra quốc gia do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành, mức độ tiêu thụ muối của người dân Việt Nam là khoảng 8,4g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo.
Do người Việt đang ăn quá mặn nên việc giảm muối lúc đầu thường sẽ gặp khó khăn. Nhiều người cho rằng món ăn "vô vị, nhạt nhẽo" khi không dùng nhiều muối, gia vị như trước.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng việc ăn nhạt là điều đáng khen. Hiện nay, Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, WHO cũng đã xây dựng khẩu hiệu giảm muối. Việc giảm muối sẽ phải tiến hành từ từ để vị giác làm quen dần.
Để giảm muối, ngoài chế biến thì người dân cũng cần hạn chế dùng nước chấm. Nếu dùng nước chấm thì nên pha loãng (tiêu, chanh, dấm…) để giảm độ mặn và chấm nhẹ tay.
Một số sản phẩm chứa nhiều muối như dưa cà, các loại mắm... chỉ nên sử dụng với tần suất ít. Khi ăn mì tôm, ăn phở, mọi người không nên uống hết nước để tránh nạp quá nhiều muối.