Thầy hiệu trưởng nghẹn ngào nhớ về 13 học sinh Làng Nủ tử vong do lũ quét

Kim Nhung |

Đến giờ, thầy Vinh vẫn không quên được trận lũ quét tràn về nhấn chìm ngôi Làng Nủ, khiến 13 học trò vĩnh viễn không bao giờ quay lại ngôi trường thân yêu.

“Tôi không thể nào tin được, cũng không quên được những hình ảnh lũ quét tràn về, phút chốc quét sạch ngôi Làng Nủ vốn yên bình, nơi có rất nhiều học sinh của trường sinh sống. Thật quá đau xót!” , thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nghẹn ngào chia sẻ trong chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em đến trường” diễn ra sáng nay.

Thầy Vinh nhớ lại, thời điểm xảy ra sự cố, tỉnh Lào Cai đã cho học sinh và thầy cô nghỉ tránh bão. Ngay khi nhận được tin dữ lũ quét tràn về, thầy Vinh cùng một số thầy cô khác tức tốc di chuyển tới Làng Nủ để hỗ trợ người dân, lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Sau kiểm đếm, trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh có tới 13 học sinh tử vong (chủ yếu ở lớp 2, 6), 7 em bị thương nặng được đưa vào bệnh viện điều trị.

“13 học sinh vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại ngôi trường thân yêu. Nhiều học sinh đang ấm êm bên gia đình bỗng chốc mất cha, mất mẹ, trở thành trẻ mồ côi bơ vơ trên cõi đời”, thầy Vinh ngậm ngùi chia sẻ, mất mát này không gì có thể bù đắp, trở thành nỗi đau day dứt trong thân tâm mỗi thầy cô và học sinh nhà trường.

Thầy hiệu trưởng nghẹn ngào nhớ về 13 học sinh Làng Nủ tử vong do lũ quét - Ảnh 1.

Thầy Phạm Đức Vinh cùng em Hoàng Anh Quân - một trong số học sinh của trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh đã trải qua biến cố lớn sau trận lũ quét.

Là một trong số học sinh của trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh trải qua thảm hoạ lũ quét, em Hoàng Anh Quân (học sinh lớp 8) không kìm được lòng, bật khóc nức nở khi nhớ lại thời khắc kinh hoàng ngày hôm đó.

Quân kể, buổi sáng hôm ấy sau nhà bỗng nhiên có tiếng nổ lớn. Cả gia đình 4 người gồm bố, mẹ, anh trai và nam sinh chạy ra xem nhưng không thấy có hiện tượng gì bất thường. Bố Quân xuống nhà trước. Một lúc sau, đất đá mù mịt từ đỉnh núi đổ ập xuống. Ba mẹ con hoảng loạn chạy và chỉ kịp kêu ''bố ơi chạy đi''. Chạy được một lúc, Quân quay lại nhìn thì thấy ngôi nhà và người bố thân yêu đều đã bị chôn vùi trong đất đá.

“Lũ cuốn mất bố, cuốn trôi cả nhà. Mẹ và anh trai hiện đang ở nhà tạm, còn em được đưa về trường ở nội trú. Nếu có điều ước, em ước bố vẫn còn sống để cả gia đình được đoàn tụ” , nam sinh khóc. Từ thời điểm xảy ra sự cố đến nay cũng đã 20 ngày nhưng gia đình Quân vẫn chưa tìm được thi thể bố.

Thầy hiệu trưởng nghẹn ngào nhớ về 13 học sinh Làng Nủ tử vong do lũ quét - Ảnh 2.

Em Hoàng Anh Quân bật khóc khi nhớ lại thời khắc kinh hoàng với gia đình.

Đau lòng khôn xiết, nhưng nghĩ đến học trò của mình cần có chỗ dựa tinh thần sau thảm cảnh, đồng thời được sớm quay trở lại trường ổn định việc học sau lũ quét, thầy cô trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh đến gặp trực tiếp, vận động các gia đình trong Làng Nủ đưa con em ra ngoài điểm trường, ở lại sinh hoạt và học tập.

''Sau trận lũ, thôn Làng Nủ chìm trong bùn đất, rác và xác động vật bị vùi lấp. Lo sợ bị ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của các học sinh và nguy hiểm rình rập tại các điểm sạt lở trên đường đến trường, nhà trường đón 107 học sinh đến học và ở nội trú. Quyết định này được các phụ huynh ủng hộ, nhất trí cao” , thầy Phạm Đức Vinh cho hay.

Để đảm bảo điều kiện ăn, ngủ cho các học sinh Làng Nủ, các giáo viên trong trường đã gấp rút cải tạo các phòng học ít sử dụng, các phòng chức năng thành nơi ngủ. Thầy cô phải ở lại trường cả ngày lẫn đêm để trông nom và nuôi dậy các em. Một số phụ huynh cũng được trường huy động để chăm sóc, quản lý học sinh lần đầu xa nhà.

Thầy hiệu trưởng nghẹn ngào nhớ về 13 học sinh Làng Nủ tử vong do lũ quét - Ảnh 3.

Ban tổ chức trao sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng cho em Hoàng Anh Quân.

Theo thầy Vinh, hôm 16/9 vừa qua, trường đón các học sinh quay trở lại trường sau những ngày tạm nghỉ để phòng, chống mưa, lũ. Ngày trở lại, nhiều chỗ ngồi trống vì học sinh thiệt mạng. Nhiều em ngơ ngác, không dám ngồi vào chỗ trống của bạn, thầy cô phải dỗ mãi mới chịu ngồi.

“Khi được đón về trường, khuôn mặt các em học sinh Làng Nủ đều đượm buồn. Tôi và các thầy cô trong trường thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, nắm bắt tâm lý các em cũng như tạo điều kiện học tập tốt nhất để động viên tinh thần, giúp các em sớm quên đi đau thương", thầy Vinh nói.

Vị hiệu trưởng cho biết thêm, hôm qua khi vừa tới Hà Nội, thầy cùng học sinh Quân tới Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai để thăm 2 bạn học sinh khác của trường hiện đang điều trị. Trong 2 em, có 1 em đã có tiến triển tốt, 1 em bị bùn đất đi sâu vào hệ thống nội tạng phải lọc máu, chưa thể tự thở, phải nhờ máy trợ giúp.

Sáng nay, Báo Tiền Phong phối hợp các đơn vị tổ chức lễ phát động chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em đến trường”.

Chương trình nhằm kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh trên cả nước chung tay hỗ trợ học sinh, trẻ em mồi côi sau bão số 3; đồng thời hỗ trợ các trường học hư hại sau bão có thêm phần kinh phí khắc phục cơ sở vật chất, tái thiết trường lớp.

Theo kế hoạch, ban tổ chức sẽ dành số tiền quyên góp được trong chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em đến trường” cộng với số tiền gần 2 tỷ đồng còn lại của chương trình “Chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi” (do Báo Tiền Phong phát động từ ngày 11/9) để lập sổ tiết kiệm cho học sinh mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại