Lương hơn 10 triệu/tháng
Những tâm sự của thầy giáo dạy môn Ngữ văn Đoàn Hùng Cường (SN 1979), người vừa viết đơn xin ra khỏi biên chế giáo dục của trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Liêu (Bình Liêu, Quảng Ninh) đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với PV vào chiều 12/9, bà Đào Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu cho biết, đã nắm được chia sẻ của thầy Cường và cho rằng, nhiều thông tin trong đó không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành, địa phương.
Theo bà Anh, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Quảng Ninh, thầy Cường đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhận công tác và năm 2001 được phân công về trường THCS Thị trấn Bình Liêu.
Năm 2004, thầy Cường được điều về phòng Giáo dục huyện làm chuyên viên.
Trong khoảng thời gian này, thầy đi học Đại học tại chức và đến năm 2009, sau khi học xong thì xin xuống trường THCS Tình Húc, cách thị trấn hơn 1km.
Đến năm 2016 - 2017, trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Liêu được xây dựng cơ ngơi mới trên địa bàn xã Tình Húc, cách trường THCS khoảng 500m thì thầy Cường chuyển về đây giảng dạy.
Khi dạy ở THCS Tình Húc thầy Cường thi đỗ thạc sĩ và thời điểm đó, theo chính sách thu hút nhân tài thì việc cử đi học phải theo quyết định của UBND tỉnh, tuy nhiên, UBND huyện vẫn có quyết định cử đi học với hình thức tự túc kinh phí, hưởng nguyên lương.
"Sau khi học thạc sĩ xong về thầy tiếp tục giảng dạy tại trường THCS đến năm 2016 chuyển sang trường Phổ thông dân tộc nội trú, là trường với học sinh là các hạt nhân của huyện, điều kiện cơ sở vật chất rất khang trang.
Trong khoảng thời gian đó, thầy Cường có nhiều tài nên vẫn làm nghề tay trái là tổ chức sự kiện và lập Công ty tổ chức sự kiện Trúc Lâm.
Theo nhà trường và cán bộ phòng, thầy Cường có trao đổi là do nhà ở Uông Bí cách xa nơi giảng dạy gần 130km, cuối tuần về không đảm bảo, hơn nữa làm giảng dạy phải chuyên tâm nhưng lại có thêm việc ở ngoài sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, thầy tự làm đơn xin nghỉ để chuyên tâm với một công việc", bà Anh cho hay.
Trưởng phòng GD - ĐT huyện Bình Liêu cũng thông tin thêm, khi thầy Cường tự nguyện xin nghỉ thì nhà trường và bộ phận tổ chức của phòng đã gặp gỡ, khuyên thầy nên suy nghĩ cho chín chắn, thấu đáo không sau này lại tiếc.
"Nhà trường đã phân tích rất kỹ nhưng thầy vẫn quyết tâm xin nghỉ. Tuy nhiên, không ngờ sau khi thầy nghỉ rồi lại có những chia sẻ như vậy. Trong đó nhiều thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của các thầy cô giáo, ngành giáo dục địa phương", bà Anh nói thêm.
Mức lương của thầy Cường
Thầy Cường khi chia sẻ với báo chí cho rằng: "Một lãnh đạo phòng GD&ĐT đã nói với tôi: "Hiện nay huyện mình chưa cần trình độ thạc sĩ em ạ". Tôi thấy ngay cả lãnh đạo giáo dục một huyện mà còn không trọng việc phát triển chuyên môn, trọng dụng tài năng thì cũng không còn gì để nuối tiếc".
Theo bà Anh, không biết vị lãnh đạo nào đã nói với thầy Cường nhưng chắc chắn cá nhân bà không hề có phát ngôn như vậy.
"Tôi không biết thấy Cường gặp ai, nói với ai, ở thời điểm nào, lãnh đạo nào, còn chắc chắn chúng tôi không có ai phát ngôn như vậy", bà Anh nêu rõ.
Đối với vấn đề thu nhập, theo phản ánh năm 2013 thầy Cường chính thức quay trở về trường THCS Tình Húc với mức lương tầm 1,8 – 2 triệu, bà Anh khẳng định, không bao giờ có mức lương như vậy.
Bởi, khi thầy Cường về giảng dạy tại trường THCS Tình Húc thì đây là trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn nên ngoài lương còn được hưởng phụ cấp, chế độ khác, chưa kể còn được hưởng thêm chế độ thu hút nhân tài.
"Đến thời điểm thầy Cường làm đơn xin nghỉ bắt đầu từ tháng 9/2017 lương thầy ở bậc 6, hệ số 3,99, phụ cấp thâm liên 6% và các khoản phụ cấp khác, tính ra mức lương hiện hưởng của tháng 8/2017 là 10.186.700 đồng. Như vậy, thì đâu có phải thấp", bà Anh thông tin.
Quyết định cử đi học thạc sỹ.
Luôn được tạo điều kiện giúp đỡ
Về việc thầy Cường phản ánh cơ sở vật chất không đảm bảo, nhà trọ đi thuê ọp ẹp, sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn, bà Anh cho hay, lương, các phụ cấp khác của thầy đều được Nhà nước chi trả đầy đủ còn việc thầy thuê nhà hay ở thế nào là việc cá nhân.
"Thời gian đầu, tôi biết khi thầy Cường sang trường THCS Tình Húc thì có nhà tập thể nhưng thầy không ở mà ra ngoài thuê.
Cá nhân thầy chụp ảnh phòng trọ bừa bộn đưa lên thì là do tự bản thân, người ta ăn ở ngăn nắp hay không là do mình", bà An nói.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo nói không đồng tình với ý kiến của thầy Cường khi cho rằng nghề này "bạc bẽo quá và sự tôn trọng với nghề không còn".
"Tôi công tác mấy chục năm trong nghề và gần đến tuổi nghỉ hưu rồi nhưng cũng vẫn luôn tôn trọng nghề của mình.
Thầy dạy THCS, gọi là xã khó khăn nhưng trường nằm ở trung tâm xã, trong khi đó nhiều thầy cô dạy tiểu học, mầm non còn ở những nơi đặc biệt khó khăn, trắc trở thế mà vẫn chuyên tâm gắn bó với nghề.
Tôi nghĩ rằng, trong quá trình thầy công tác đều rất thuận lợi, chế độ chính sách đầy đủ và được ngành, đồng nghiệp giúp đỡ tận tình. Thầy là giáo viên có năng lực còn bây giờ không còn say sưa với nghề thì có thể chuyển sang làm việc khác tốt hơn.
Chúng tôi tôn trọng quyết định đó nhưng nên có thông tin chính xác, chứ đừng đưa thông tin không rõ ràng, gây ảnh hưởng đến tâm tư giáo viên, học sinh, hình ảnh của ngành", bà Anh bày tỏ.
Cũng theo bà Anh, hiện lãnh đạo tỉnh, Huyện ủy - UBND huyện cũng đã yêu cầu Phòng kiểm tra lại các thông tin và có báo cáo cụ thể về sự việc xin nghỉ của thầy Cường.
Trước đó, trao đổi với PV, đại diện UBND huyện Bình Liêu cũng cho biết, đã yêu cầu Phòng báo cáo và sẽ có thông tin phản hồi chính thức về các ý kiến của thầy Cường đăng tải trên cổng thông tin điện tử.