Trong vườn dừa của gia đình, anh Bình đặt 50 bể bạt và lót bùn để nuôi lươn sinh sản, mỗi bể khoảng 20 m2. Bên cạnh đó, anh dựng thêm nhà kính, trang bị máy ấp trứng, hệ thống bồn nhựa, máy lọc nước, máy tạo ô xy…
Nhờ kinh nghiệm và cách nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, anh Bình được biết đến là chủ trang trại lươn giống có tiếng bậc nhất địa phương.
Anh Bình kể với báo Thanh Niên, năm 2002, anh vừa dạy học vừa nuôi trăn để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, quá trình nuôi tốn nhiều công sức mà không đem lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2014, anh bắt đầu tìm hiểu mô hình nuôi lươn và thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Từ đó, anh quyết định dựng trang trại nhỏ trong vườn dừa và nuôi thử nghiệm.
"Tôi nhận thấy công việc này tận dụng được kiến thức sinh học của mình. Hơn nữa việc nuôi lươn mỗi ngày chỉ cần 2 giờ để chăm sóc, lại linh hoạt thời gian, rất phù hợp để giáo viên như tôi làm thêm sau giờ dạy", anh Bình chia sẻ.
Ban đầu anh Bình chi 30 triệu đồng mua 10.000 con lươn giống về nuôi. Sau 10 tháng nuôi, tốn thêm 70 triệu đồng tiền thức ăn, anh Bình thu về 2 tấn lươn thịt, bán với giá 200 triệu đồng/tấn.
Sau hiệu quả bước đầu, anh Bình mở rộng quy mô rồi liên tục thu lãi lớn trong năm tiếp theo. Năm 2015, giá lươn giống tăng cao anh Bình quyết định chuyển sang nuôi lươn sinh sản để bán giống. Hơn 7.000 con lươn bố mẹ với tổng trọng lượng khoảng 1,2 tấn đã nuôi từ trước được anh tuyển chọn lại.
Với kiến thức sinh học sẵn có, anh Bình dễ dàng nhận biết lươn sinh sản hiệu quả nhất khi trọng lượng trung bình khoảng 160 - 200 gram/con. Anh cũng tìm hiểu được mật độ nuôi, môi trường bể nuôi, tình trạng sức khỏe của lươn, thức ăn phù hợp để đàn lươn đẻ tốt, lươn giống chất lượng cao.
Theo anh Bình, để lươn phát triển tốt và đạt chuẩn cần chú trọng cung cấp nguồn nước sạch, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và môi trường sống phù hợp. Đặc biệt, việc kiểm soát dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp tỷ lệ sống sót của lươn giống đạt mức cao nhất.
Lươn đẻ quanh năm, định kỳ 12 ngày, anh Bình vớt trứng một lần. Trứng ấp 3 ngày sẽ nở, nuôi khoảng 2 - 3 tháng thì xuất bán với giá 2.000 - 3.500 đồng/con.
"Nước lợ nuôi lươn rất tốt, độ pH trong nước từ 6,5 - 8 là thích hợp. Muốn nuôi lươn giống phải cho lươn mẹ đẻ ở nhiệt độ 23 - 27 độ C. Sau đó, dùng vợt vớt trứng lươn vào máy ấp, tỷ lệ nở 80 - 95%", anh Bình cho biết.
Đến nay, anh đã sở hữu 50 bể bạt nuôi lươn sinh sản, tiêu thụ ổn định. Khách thường đặt anh Bình đơn hàng 50.000-150.000 con lươn giống mỗi lần mua, tương đương mức giá trị hàng trăm triệu đồng. Trong đó, khách mua lươn giống chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Mỗi năm, trang trại của anh Bình thu lãi gần 2 tỷ đồng nhờ bán lươn giống.
"Dù việc khởi nghiệp nuôi lươn mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, tôi có với niềm đam mê giảng dạy, vì thế tôi vẫn cố gắng sắp xếp chu toàn giữa công việc giảng dạy và chăm sóc các bể lươn giống" - anh Bình tâm sự với Kinh tế & Đô thị.
Ông Phạm Văn Mười, Chủ nhiệm CLB nông dân tỷ phú huyện Mỏ Cày Bắc, cho biết anh Bình là thành viên tiêu biểu của CLB. Mô hình nuôi lươn của anh được nhiều hộ dân trong tỉnh Bến Tre đến tìm hiểu và làm theo. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình cho nông dân khác. Đặc biệt, anh còn hỗ trợ vốn, con giống cho nhiều hộ dân khởi nghiệp nuôi lươn. Lợi nhuận thu được từ mô hình này, anh còn trích ra đóng góp tích cực vào công tác giúp đỡ người nghèo ở địa phương.