Suốt ba năm nay, thầy Lê Nhật Vương Anh (38 tuổi), hiện là Tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Thị Lựu, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cứ rong ruổi trên chiếc xe máy, đeo máy ảnh để ghi lại những hình ảnh đời thường của cuộc sống xung quanh mình.
Bén duyên với máy ảnh được 3 năm, thầy đã bấm máy hơn 30.000 tấm ảnh, ghi lại nhịp sống của miền Tây sông nước một cách sống động nhất.
Thầy Lê Nhật Vương Anh hiện là giáo viên dạy toán ở Đồng Tháp bên cậu con trai của mình. ẢNH: NVCC.
Thầy Vương Anh cho hay lý do khiến thầy dốc hết số tiền lương dành dụm trong nửa năm trời để mua chiếc máy ảnh là vì lấy điện thoại chụp thì xem không đã bởi độ phân giải thấp quá.
“Mình đi công tác, thanh tra bộ môn ở các trường THCS trong thành phố rất nhiều mà các trường này đều nằm bên cồn, vùng nông thôn nên thấy nhiều cảnh sinh hoạt của người dân thích lắm đưa điện thoại chụp mà nhìn không đã. Vậy là quyết lên TP.HCM mua cái máy ảnh và lens hết nửa năm tiền lương rồi về tự mò học hỏi trên mạng để chụp”, thầy kể.
Từ khi có máy ảnh, cứ đến cuối tuần, ngày nghỉ hoặc bất cứ lúc nào rảnh, thầy đều chạy xe máy về các huyện trong tỉnh Đồng Tháp để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống.
Một trong những bức ảnh mà khi nhắc lại, vừa khiến thầy “sướng” vì vô tình bắt được khoảnh khắc nhưng cũng “hành” thầy mệt mỏi với những lời bình luận không hay là tấm ảnh đàn vịt bơi trên sông, vô tình tạo thành hình chữ S như bản đồ Việt Nam được chụp vào tháng 12-2016, tại khu sinh thái Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Bức ảnh "đàn vịt tạo hình chữ S" của thầy Vương Anh. Ảnh: NVCC.
Thầy kể, đó là lúc miền Tây vào mùa nước lũ, người ta hay chăn vịt thả trên đồng nước chiều rồi bơi xuồng ra lùa về trại. “Hôm đó mình lang thang rất xa, đã hơn 4 giờ chiều rồi, nghĩ chắc hôm nay không chụp được gì...
Lúc đó vừa tới cây cầu nhỏ thì thấy cảnh người ta đang lùa vịt liền, dừng lại chụp liên tục hơn 100 tấm, lúc đứng xa thì chụp từ từ. Ai dè khi đàn vịt càng gần tới thấy mình đứng trên cầu nên chúng sợ hay sao đó, tự dồn lại và vô tình nó thành hình chữ S. Lúc đó chỉ biết bấm máy liên tục không canh chỉnh gì hết vì sợ mất khoảnh khắc có một không hai đó”, thầy nhớ lại.
Vì quá tâm đắc nên thầy chia sẻ tấm ảnh này lên Facebook cá nhân của mình, rất nhiều bình luận không hay khiến thầy mệt mỏi.
“Có người thì bảo là ảnh photoshop chứ không phải thật. Mà vậy là còn đỡ, có người còn nói gì liên quan đến chính trị vì chữ S thì thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, rồi người thì bảo người chăn vịt phía trên như là người Trung Quốc đang lùa người Việt Nam. Mệt mỏi theo luôn”, thầy kể.
Dù vậy, thầy vẫn tiếp tục với đam mê của mình. Thầy nói rằng, khi cầm chiếc máy ảnh đi lang thang chụp cái này cái kia, thấy tâm hồn thoải mái, mọi buồn phiền tan biến hết trong những lúc chụp.
“Niềm vui thứ hai là khi mọi người xem ảnh của mình đưa lên Facebook, họ đồng cảm được và rất thích. Có nhiều anh chị lớn tuổi không hề quen biết, khi xem ảnh vào làm quen và tâm sự rằng nhìn ảnh nhớ lại lúc xưa ở quê vất vả.
Có những tấm ảnh mà họ bảo đấy chính là họ đã trải qua lúc xưa. Có nhiều khoảnh khắc bất ngờ lúc chụp ảnh không thấy, mà về xem lại mới biết mình đã tìm được khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Thêm nữa là có nhiều ảnh của mình về những hoàn cảnh đặc biệt, mọi người xem, chia sẻ và tìm cách giúp cho họ cả về thể chất và tinh thần”, thầy kể về niềm vui của mình.
Khi hỏi về tấm ảnh mà thầy tâm đắc nhất khi mới cầm máy, thầy liền kể: “Đó là tấm ảnh đời thường đầu tiên chụp, khoảng 6 giờ sáng gần trường mình công tác, cũng tầm tháng 12 trời lạnh.
Người phụ nữ chờ con nước ròng lặn lội bắt từng con cá con tép trong lúc nhiều người còn say ngủ. Là hình ảnh người phụ nữ ngồi đón con tan học, tranh thủ ngồi bệt xuống vỉa hè đan giỏ lục bình kiếm thêm thu nhập. Rất bình thường nhưng đó là điều không thể quên được...”.
Hình ảnh người phụ nữ chờ con nước ròng lặn lội bắt từng con cá con tép trong lúc nhiều người còn say ngủ thuở mới cầm máy của thầy Anh. Ảnh: NVCC.
Hình ảnh người phụ nữ ngồi đón con tan học, tranh thủ ngồi bệt xuống vỉa hè đan giỏ lục bình kiếm thêm thu nhập... ẢNH: NVCC.
Thầy Vương Anh nói rằng thầy không muốn chụp gì ngoài những hình ảnh đời thường của người dân và nhịp sinh hoạt mỗi ngày. “Có người phụ nữ khi xem tấm ảnh mình chụp một người đàn bà đang bơi xuồng kiếm củi ngay ở con sông nằm giữa trung tâm thành phố liền nhắn tin nói chị đã khóc khi nhìn thấy bức ảnh vì nhớ tới mẹ của mình.
Mình cảm thấy rất xúc động khi mọi người chia sẻ như thế nên chỉ thích chụp ảnh đời thường, hình ảnh thật trong cuộc sống thôi”, thầy nói.
Hình ảnh người phụ nữ kiếm củi trên sông từng khiến nhiều người thổn thức vì nhớ lại hình ảnh của mẹ mình. ẢNH: NVCC.
Cùng nhìn ngắm những hình ảnh về miền Tây sông nước của thầy giáo dạy Toán. Ảnh: NVCC.
Mùa nước nổi...
Hạnh phúc đến đầu bạc răng long...
Cuộc sống hàng ngày.
Mưu sinh...
Lùa vịt về trại...
Mùa hoa ở Sa Đéc...
Nụ cười miền Tây...
Mùa hoa Sa Đéc qua ống kính thầy giáo dạy Toán.
Mưu sinh...
Nụ cười của một bé trai 5 tuổi...
Nét vô tư trên gương mặt của bé trai khiến thầy Anh rất thích thú và bắt lại khoảnh khắc này.
Kiếm củi trên sông...