Truyền thông Trung Quốc đưa tin vào ngày 27/12 vừa qua, một thầy giáo họ Lâm ở thành phố Tú Thiên, Giang Tô đã nhảy xuống sông tự vẫn trong sự bàng hoàng của người nhà và bạn bè.
Được biết, thầy Lâm năm nay mới chỉ 24 tuổi, vừa chính thức được nhận làm giáo viên dạy Lịch sử tại một trường trung học tại địa phương. Nam giáo viên trẻ ra đi khi chưa thành gia lập thất và vẫn còn bố mẹ già ở quê phụ thuộc.
Công tác tìm và vớt xác thầy giáo yểu mệnh kéo dài nhiều ngày trời
Thầy Lâm mới đỗ kỳ thi giáo viên vào tháng 6 năm nay và bắt đầu giảng dạy vào tháng 9, tức mới đi làm được khoảng 3 tháng. Nguyên nhân cho hành động tiêu cực của anh đã khiến nhiều người xót xa và cảm thấy khó tin. Theo một đồng nghiệp kể lại, gần đây nhà trường đã tổ chức kỳ kiểm tra hàng tháng như thường lệ. Kết quả của các học sinh do thầy Lâm phụ trách kém nhất khối nên lãnh đạo nhà trường đã phê bình, kiểm điểm thầy. Anh cũng bị xếp chót trong bảng xếp hạng thành tích giáo viên toàn trường. Vì chuyện này mà thầy giáo trẻ đã rất suy sụp, dẫn đến trầm cảm và căng thẳng kéo dài, cuối cùng tìm đến con đường tự giải thoát.
Các đồng nghiệp của thầy Lâm vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của thầy. Nam giáo viên được mọi người nhận xét là rất hòa đồng, vui vẻ. Thời gian đầu mới nhận lớp, thầy tràn đầy nhiệt huyết và lúc nào cũng sẵn sàng học hỏi. Thế nhưng không được bao lâu, căng thẳng ập tới khiến thầy Lâm thay đổi hoàn toàn.
Thầy giáo ra đi vì áp lực công việc khi mới chỉ giảng dạy 3 tháng
Câu chuyện đau lòng của thầy Lâm đã khiến dư luận Trung Quốc bàn luận sôi nổi. Từ lâu nay, mọi người thường xuyên phản ánh đến vấn đề áp lực học tập của các em học sinh. Trong đó, không ít trường hợp giáo viên là người bị đổ lỗi đã tạo gánh nặng cho con trẻ. Tuy nhiên, gánh nặng của giáo viên, sức khỏe tinh thần của họ thì dường như lại ít được quan tâm hơn hẳn. Không chỉ học sinh mới bị xếp hạng, mà cả điểm thành tích của các giáo viên cũng vậy.
Trong trường hợp của thầy Lâm, vì là giáo viên trẻ mới vào công tác chưa có kinh nghiệm, chưa thích ứng được với nhịp độ công việc nên cảm thấy hoảng loạn, áp lực và chới với. Những câu chuyện thương tâm tương tự không phải là chưa từng xảy ra do bóng ma áp lực từ thành tích nơi trường học. Thế nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng giáo viên là người lớn, sẽ có sức chịu đựng hơn trẻ em nên sức khỏe tinh thần của họ không được đoái hoài đến.
Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng có thể phải chịu áp lực khổng lồ (Ảnh minh họa)
Nguồn: 163