Thấy gì từ vụ cô giáo trẻ ở Bình Định tử vong sau khi ăn hai con ốc biển?

BS. Bình Nguyễn |

Có đến 72 chất độc chứa trong các loài nguy hiểm của biển, nhưng nguy hiểm nhất là các alcaloid (tinh chất động, thực vật, có tính kiềm, tan trong nước, độc...) độc thần kinh như Tetrodotoxin, Saxitoxin (có trên 30 dẫn xuất), Maculotoxin, Conotoxin..., mà Tetrodotoxin là độc nhất.

Ngày 13.7, BS Trần Quốc Việt, PGĐ BV khu vực Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định thông tin: Cô giáo H.T.S, 26 tuổi, dạy tin học, trường THCS Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, sau khi ăn 2 con ốc trong bữa trưa 10.7, thì khoảng 3 giờ chiều ói mửa, đau đầu, tê miệng và tay, chân, người tái nhợt, cứng gáy, nói khó, mạch chậm, khó thở...

Thấy gì từ vụ cô giáo trẻ ở Bình Định tử vong sau khi ăn hai con ốc biển? - Ảnh 1.

Nạn nhân được chuyển đến BV khu vực lúc 21 giờ đã có dấu hiệu ngừng thở và giãn đồng tử. BV chẩn đoán ngộ độc ốc biển - một loại ngộ độc cấp tính cực kỳ nguy hiểm, diễn biến xấu rất nhanh, nên khẩn trương đặt nội khí quản, thở máy rồi chuyển ngay BV tỉnh. Tuy nhiên, cô giáo đã tử vong trên đường chuyển viện.

Theo BS Việt và các BS BV tỉnh, hiện không thể xác định nguyên nhân chết của bệnh nhân do độc tố gì, vì gia đình không đồng ý giám định pháp y tử thi.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm có thể khẳng định bệnh nhân thiệt mạng là do ăn ốc bùn bóng, một loại ốc biển theo tên gọi địa phương.

TS Phạm Xuân Kỳ, Trưởng phòng hóa sinh biển, Viện Hải dương học Nha Trang nói, mẫu ốc biển mà gia đình đem đến BV khu vực Bồng Sơn là loài ốc bùn răng cưa (Nassarius papillosus).

Loài ốc này có chất Tetrodotoxin cực độc, người khoảng 50kg chỉ ăn 2 - 3 con đã thiệt mạng. Loại độc này hiện không có thuốc giải!

Ăn là chết

Những đồ ăn biển ngộ độc đến chết phải kể đến là cá nóc, ốc, bạch tuộc, so, cua... Ở Việt Nam có khoảng 66 loài cá nóc (46 loài nước mặn, 20 loài nước ngọt), đã nghiên cứu được 35 loài nước mặn, trong đó 10 loài cực độc

(Nóc chấm cam và nóc chuột vằn mang (độc nhất), nóc răng mỏ chim, nóc tro, nóc vằn mặt, nóc đuôi vằn đen, nóc dẹt, nóc đầu thỏ chấm tròn, nóc chấm đen, nóc chuột vằn bụng); 7 loài độc mạnh, 4 loài ít độc và 14 loài không độc.

Cá nóc được cho là loài độc thứ hai trên thế giới.

Thế giới có hàng trăm loài ốc bùn thuộc họ Nassariidae (ốc bùn răng cưa - Nassarius papillosus chỉ là một loài trong 211 loài thuộc họ này; ở Việt Nam, hiện có 64 loài được xác định, ví dụ ốc mặt trăng, ốc phổi, ốc trám, ốc bùn catus.

Có đến 72 chất độc chứa trong các loài nguy hiểm của biển, nhưng nguy hiểm nhất là các alcaloid (tinh chất động, thực vật, có tính kiềm, tan trong nước, độc...) độc thần kinh như Tetrodotoxin, Saxitoxin (có trên 30 dẫn xuất), Maculotoxin, Conotoxin..., mà Tetrodotoxin là độc nhất.

Tetrodotoxin (TTX), là một chất độc thần kinh rất mạnh, được biết đến từ lâu và năm 1967, Narahashi, người Nhật đã phát hiện cơ chế gây độc là chất độc tác động trực tiếp đến sự trao đổi ion Natri ở màng tế bào, ngăn chặn “có chọn lọc” các kênh dẫn truyền thần kinh, được cho là độc gấp 1.200 lần Cyanur.

Triệu chứng ngộ độc chất này xuất hiện sau khi ăn phải 10 - 45 phút, có khi chỉ 5 phút và nặng, nhẹ tùy theo mức độ rối loạn thần kinh và tim mạch:

Độ 1: Tê bì và dị cảm quanh miệng, có thể buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy.

Độ 2: Tê bì lưỡi, mặt, đầu chi và các vùng cơ thể khác, mất phối hợp các động tác vận động hoặc liệt, nói ngọng, đau đầu vã mồ hôi, các phản xạ còn duy trì.

Độ 3: Co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, đồng tử giãn tối đa, mất phản xạ với ánh sáng; ý thức có thể còn tỉnh táo.

Độ 4: Thêm liệt cơ hô hấp nặng, ngừng thở, tụt huyết áp, tim chậm hay loạn nhịp, hôn mê... Tử vong trong khoảng 4 - 6 giờ do suy hô hấp và tụt huyết áp...

LD50 (liều chết) của Tetrodotoxin từ 1 - 2mg với người trưởng thành, thực tế chỉ ăn khoảng 10 gam thịt cá nhiễm độc (do độc dây vào thịt khi chế biến, cá ươn, dập nát...) là đã chết đến 60%. Tùy theo từng loài kể trên có thể có một hoặc kết hợp những alcaloid này.

Đáng sợ nhất là những độc này không bị phân hủy, biến tính dù đun sôi nhiều giờ... Ở 1000C trong 6 giờ Tetrodotoxin trong một con cá nóc chỉ phân hủy một nửa số lượng, 2000C trong 10 phút chất độc này mới phân hủy hết.

Những món ngon nhưng sơ suất là thiệt mạng

Cá nóc thơm và dai như thịt gà, người Nhật coi là món thượng hạng, đặc biệt siêu đắt là món sashimi có nóc (200USD cho 8 miếng) và mỗi năm số người chết do cá nóc ở Nhật là hai chữ số nhưng người dân vẫn ăn...

Chất Tetrodotoxin có ở buồng trứng, thận, da, mắt, ruột, máu và nhiều nhất ở gan; vào mùa sinh sản (tháng 2 - 3; 7 - 9), các bộ phận của cơ quan sinh dục (buồng trứng, túi tinh, tinh hoàn) chứa nhiều độc nhất do tăng đột biến.

Vì thế, trở thành đầu bếp nấu món cá nóc ở Nhật, phải qua 3 năm học nghề nghiêm ngặt và phải thi để có giấy phép.

Trưa 7.3, bảy người, từ 36 - 44 tuổi, ở xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Hậu Giang ăn lẩu ở nhà ông Phạm Văn Đ, khi hết mồi nhậu, ông Trần Văn Tình về nhà lấy gần 2kg cá nóc mít do ông đặt dớn (một dạng lờ) được để nhậu tiếp.

Mọi người can ngăn nhưng các bợm nhậu để ngoài tai.

Sau bữa ăn khoảng 2 giờ, 5 người ăn cá nóc (2 người không ăn), trong đó có hai cặp anh em ruột, tê lưỡi, nôn ói, cứng đơ hàm, không nói được, chân tay tê cứng phải đi BV huyện và tất cả phải chuyển BV TƯ Cần Thơ từ 17 - 20 giờ cùng ngày, trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, ngừng tim, phải xoa bóp tim mới đập trở lại, mất hết các phản xạ, huyết áp không đo được...

Glasgow (chỉ số ý thức, kiểm tra bằng đáp ứng ánh mắt, lời nói, vận động, bình thường 15 điểm) 3 điểm, nghĩa là hôn mê rất sâu, cận kề chết; phải đặt nội khí quản, thở máy...

Sáng 8.3, sau hơn 16 giờ hồi sức tích cực, 2 người đã hồi tỉnh, còn tê lưỡi và tay chân, 3 người kia vẫn hôn mê, thở máy, đặc biệt một người rất nguy kịch, tiên lượng xấu...

Khi 5 người này còn đang tại viện thì sáng 9.3, anh Lê Thanh T, 31 tuổi, ở thị trấn Cây Dương, cùng huyện, xin của hàng xóm 8 con cá nóc đặt lờ được, chính người có cá nói “đừng ăn, tao nghe mấy người ăn cá nóc mít bữa kia có người sắp chết”, nhưng anh này cũng bỏ ngoài tai và sau bữa 30 phút thì tê lưỡi, tay chân, tím tái, khó thở, phải đi BV TƯ Cần Thơ gấp.

Cuối tháng 10 năm ngoái, 6 ngư dân ở Bình Thuận đánh cá ngoài biển, sau khi ăn cá nóc bị ói, tiêu chảy, toàn thân tím tái, co giật, tàu cá phải chạy vào bờ, đưa vào BV La Gi. Anh Trần Thiện T ngộ độc quá nặng đã chết trước khi tới viện...

Bốn anh, N.V.P, 25 tuổi, ở Tuy Phong và P.Đ, 27 tuổi, N.Đ.C, 25 tuổi, N.Q.V, 28 tuổi, cùng ở thị xã La Gi, nguy kịch, phải chuyển BV Chợ Rẫy, TPHCM. Anh P.V.T, 41 tuổi, ở thị xã La Gi ngộ độc nhẹ, nằm lại BV La Gi.

Tháng 3, anh L, 48 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM, gọi món sam, nhưng nhà hàng lại mang ra con so. Ăn được khoảng 15 phút thấy tê môi, miệng, co cứng tay chân, chóng mặt, khó thở, mất kiểm soát.

Phòng khám tư chuyển thẳng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Thống Nhất, vào viện đã lơ mơ, đồng tử giãn 3mm, tim nhanh, bụng chướng...

Anh may mắn được “thần chết” ngoảnh mặt, nhờ công các BS và cũng “nhờ” chưa ăn nhiều, bởi chỉ khoảng 100gam thịt hoặc trứng so thì không cứu được!

Tháng 12 năm ngoái, BV Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh, nhận 4 bệnh nhân ở xã Sông Khoai, từ Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên. Bốn người này tự làm 4 con so được một người bạn đem cho rồi cùng ăn.

Xong bữa, tất cả đều tê miệng, tay chân, đầu choáng váng, nôn mửa. BS xác định 2 người hôn mê sâu, mạch chậm, khó thở, suy hô hấp và liệt toàn thân.

Các bệnh nhân được rửa dạ dày; 2 người nặng phải đặt nội khí quản, thở máy, và sau 1 ngày dù mạch và huyết áp đã hồi phục nhưng vẫn hôn mê, liệt toàn thân.

Ở Bình Thuận, có thôn Tầm Hưng, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, một năm có đến 85 người ngộ độc mực đốm xanh, trong đó có 42 trẻ em; hai người tử vong là anh N.V.C, sn 1966 và chị N.T.T.H. Cả nhà chị H năm người phải nằm BV tỉnh vì loại mực đẹp mắt này.

Ngộ độc hải sản không chỉ xảy ra ở tất cả các tỉnh ven biển mà cả ở sâu trong nội địa như Hà Nội, Bắc Ninh, Kon Tum, ĐắkLắk, Tây Ninh, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh... do ăn tươi hoặc khô, đông lạnh.

Không muốn giáp mặt thần chết, tốt nhất không nên ăn các loại nói trên vì ngay cả ngư dân có kinh nghiệm chế biến những loại độc phẩm này cũng chết vì nó không ít.

Mùa hè đi biển thấy hải sản lạ không được ăn và không được “thử cho biết” vì sẽ không “biết” thêm được nữa đâu! Bởi phân loại các loại động vật biển độc, nhất là cá nóc và ốc vô cùng phức tạp, ngay cả các nhà động vật học cũng nhầm, nhiều loài nhìn qua rất giống nhau!

Thoạt nhìn, so rất giống sam, nhưng sam bao giờ cũng kẹp đôi và đuôi hình trụ tam giác...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại