Nhu cầu than cấp thấp (loại than có hiệu suất đốt cháy thấp hơn) đang tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và các nước châu Á mới nổi khác tăng trưởng cao. Điều này tạo ra một rào cản khác trong cuộc đua giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Trong khi giá than cao cấp (loại có hiệu suất sản xuất điện cao hơn) đã giảm hơn 30% trong năm qua do các nước phát triển đang giảm tiêu thụ than, giá than cấp thấp lại không giảm nhanh bằng. Chênh lệch giá giữa hai loại than đã giảm xuống còn chì còn 1/3 so với một năm trước.
Than đang bị đổ lỗi cho sự nóng lên toàn cầu. Sự khác biệt về thái độ đối với việc sử dụng than giữa các nước phát triển và các nước mới nổi đang ngày càng rõ rệt hơn.
Việc giảm giá phản ánh rằng, nhu cầu than sử dụng trong sản xuất điện đang có chiều hướng suy giảm.
Tại Nhật Bản và Đài Loan, hai trong số các thị trường chính của châu Á về than nhiệt cao cấp, việc chuyển từ nhiệt điện sang năng lượng tái tạo và khí tự nhiên hóa lỏng ngày càng phổ biến khi nhận thức về môi trường ngày càng tăng.
Trong khi đó, than cấp thấp, giá rẻ hơn được nhập khẩu chủ yếu bởi các nước mới nổi, như Trung Quốc và Việt Nam. Việc giảm giá đối với than cấp thấp chậm hơn nhiều so với than cao cấp, mặc dù cả thị trường than đều suy yếu nói chung.
Điều này phản ánh nhu cầu than tăng cao ở các nước mới nổi.
Riêng tại Việt Nam, với nhiều nhà máy sản xuất do Nhật Bản và các nhà sản xuất nước ngoài khác điều hành, các nhà máy nhiệt điện đã phải được xây dựng bổ sung để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng mạnh.
Nhập khẩu than nhiệt của Việt Nam năm 2019 ước tính khoảng 32 triệu tấn, gấp đôi năm ngoái và tăng gấp ba lần so với ba năm trước.
Với tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, nguyên do khiến các nhà sản xuất chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, nhu cầu điện ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Ở Đông Nam Á và Ấn Độ, nhiệt điện đốt than, có chi phí sản xuất tương đối thấp, đã trở thành một nguồn năng lượng điện chính và việc mua sắm than giá rẻ ngày càng phổ biến.
Nguồn cung than cấp thấp không tăng theo nhu cầu. Giá than thấp trong một thời gian dài đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập của các công ty khai thác.
"Các công ty đang tăng tỷ lệ sản xuất than cao cấp để có thể bán với giá cao hơn, nhằm giảm bớt sự suy giảm thu nhập do thị trường yếu kém", một nhân viên tại công ty Idemitsu Kosan cho hay.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng gần 1% từ năm 2017 đến năm 2030, lên khoảng 5,4 tỷ tấn. Nhu cầu dự kiến sẽ giảm ở Nhật Bản và Mỹ cũng như ở châu Âu, nơi đang tích cực giảm phát thải khí nhà kính, trong khi nhu cầu ở Đông Nam Á và Ấn Độ được ước tính sẽ tăng ở mức hai con số.
Sự thay đổi trong cân bằng cung - cầu đối với than cao cấp và than cấp thấp sẽ làm nổi bật sự khác biệt về thái độ đối với than giữa các nước phát triển và các nước mới nổi.