Thấy gì từ trào lưu khoe điểm của con trên mạng xã hội?

Ngọc Hà/VOV2 |

Thay vì công khai bảng điểm của con lên mạng xã hội, thì cha mẹ hãy thể hiện tình cảm, động viên, nói chuyện để con hiểu được những nỗ lực của mình đã được bố mẹ ghi nhận. Con xứng đáng được khen ngợi, được thưởng vì những thành tích đó.

Đến hẹn lại lên, một năm học khép lại cũng là lúc mạng xã hội, facebook ngập bảng điểm, kết quả học tập của con trẻ do chính cha mẹ đăng tải. Câu chuyện không mới, song đã gây ra không ít tranh cãi. Có người coi là chuyện bình thường, con cái giỏi thì cha mẹ có quyền tự hào, có quyền khoe. Và đó cũng là động lực để những người khác nhìn vào mà cố gắng, học theo...

Thấy gì từ trào lưu khoe điểm của con trên mạng xã hội? - Ảnh 1.

Nhiều trẻ cảm thấy áp lực khi bị cha mẹ so sánh về điểm số.

Nhưng lại cũng không ít người cho rằng hành động này là thiếu tế nhị, thậm chí có phần phản cảm, bởi vô tình cha mẹ đã tạo áp lực cho những phụ huynh, học sinh khác cũng như chính bản thân con mình nếu không có được kết quả học tập như ý.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, có rất nhiều cách khen, nếu chúng ta khen mà tập trung vào sự nỗ lực của các con thì các con sẽ luôn luôn cố gắng. Nhưng nếu như chúng ta khen mà tập trung vào điểm số, mà điểm số đó đã là cao nhất, thì khó mà tạo ra được sự cố gắng tiếp theo.

Hơn nữa, cho dù các con có học cấp 1, cấp 2 hay THPT thì đó là cả một quá trình phấn đấu khác nhau. Chúng ta khen ngợi nhưng không cần thiết phải để cho quá nhiều người biết về điểm số của các con, đôi khi khen về điểm số sẽ là sự quá chủ quan.

Nhiều người cho rằng, việc đưa kết quả học tập của học sinh lên mạng xã hội không phải là không có những hiệu ứng tích cực. Trẻ tự hào vì được người lớn khen. Việc chia sẻ thành công của con giúp tạo động lực cho con, đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của bố mẹ.

Thấy gì từ trào lưu khoe điểm của con trên mạng xã hội? - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà

Thích khen và thích động viên cũng là tâm lý chung của mọi người. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Có không ít đứa trẻ cảm thấy áp lực trước những hành động của bố mẹ như vậy trên mạng xã hội. Điều đứa trẻ cần là sự ghi nhận của bố mẹ trước những cố gắng của con chứ không phải là những lời khen xáo rỗng trên mạng xã hội.

Theo Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, một đứa trẻ thành công có liên quan đến điểm số nhưng không phải là tất cả. Có không ít trẻ điểm kém nhưng sau này vẫn thành công, bởi vì cả một quá trình rất dài trẻ phải cố gắng, chinh phục và kiên nhẫn.

“Đăng bài của con lên mạng không có gì là sai nhưng nếu con của chúng ta chủ quan thì sao? thậm chí là bố mẹ đã thỏa mãn với điều đấy thì sao? Bố mẹ thỏa mãn rồi và bố mẹ chỉ cần quan tâm tôi hạnh phúc với điểm số nhưng tôi không cần phải chú ý tới việc giúp con phát triển con người, sự kiên nhẫn thì sao? Đó cũng là điều mà các bậc phụ huynh phải ngẫm lại” - chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà Lưu ý.

Cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con. Vì vậy, khi con có được kết quả tốt thì cha mẹ nào cũng vui mừng và muốn chia sẻ với nhiều người về niềm vui của mình. Thế nhưng, nhìn bảng điểm “khủng” của “con nhà người ta”, nhiều bố mẹ lập tức quay sang chì chiết, trách mắng con mình, rồi so sánh...

Những đứa trẻ bị so sánh như vậy sẽ rất đau lòng. “Một đứa trẻ khi bị đánh giá, so sánh thì sẽ rất yếu đuối. Đứa trẻ luôn luôn nghĩ nó kém cỏi, không đạt được những thành công và tự nó sẽ thu mình, đôi khi sẽ dẫn đến những căng thẳng, thậm chí bị trầm cảm.

Thấy gì từ trào lưu khoe điểm của con trên mạng xã hội? - Ảnh 3.

Thay vì công khai bảng điểm của con lên mạng xã hội, thì cha mẹ hãy thể hiện tình cảm, động viên, nói chuyện để con hiểu được những nỗ lực của mình đã được bố mẹ ghi nhận.

Đấy là một sự không công bằng, bởi vì không phải đứa trẻ nào cũng có sự thành công, không phải đứa trẻ nào cũng có kết quả học tốt khi mà nó đang trưởng thành. Vì vậy, quá trình trưởng thành con có thể được điểm cao, có thể được điểm không cao nhưng nếu trẻ bị so sánh thì đó là một khuyết thiếu trong tuổi thơ cũng như trong quá trình trẻ trưởng thành” - chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà lưu ý.

Con trẻ có quyền trẻ em và chúng ta không thể lấy quyền cha mẹ để áp đặt ý muốn của mình cho con cái. Mạng xã hội như chúng ta đều biết, là nơi thông tin đến được với tất cả mọi người. Chính vì thế sẽ có không ít rủi ro khi cha mẹ đưa các thông tin của con lên mạng. Chưa kể, chính điều này giúp kẻ xấu dễ dàng tiếp cận được các thông tin cá nhân của trẻ như là con học trường nào, lớp nào, đạt bao nhiêu điểm….

Cha mẹ nào cũng vui, cũng hãnh diện khi con đạt được những kết quả cao trong học tập. Nhưng hãy có sự cân nhắc thật kỹ trước khi đăng tải những thông tin về việc học tập của con lên mạng xã hội. Bởi cái đích cuối cùng, đó là giúp các con nhận thức được giá trị thực sự của việc học, rằng giấy khen, điểm số chỉ là vỏ bọc bên ngoài, giá trị năng lực bản thân mới là điều các con cần.

Theo chuyên gia Vũ Thu Hà, hầu như trẻ không muốn công bố sự riêng tư cho người khác biết và khi bị công bố điểm số nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến chính mối quan hệ của cha mẹ với các con. Con sẽ không tin tưởng bố mẹ và đó sẽ là sự thiệt thòi đối với sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ.

Cha mẹ có quyền tự hào về con nhưng không thiếu cách để khen thưởng, khích lệ các con. Điều quan trọng là cha mẹ giúp con nhận ra được năng lực thực sự của bản thân. Việc “khoe điểm” của con trên mạng xã hội có thể sẽ giúp cha mẹ giải tỏa tâm lý bản thân tại thời điểm đó, song vô tình lại đem đến áp lực tâm lý cho rất nhiều người khác, thậm chí ngay cả với chính đứa con của mình. Vậy nên, hãy cân nhắc thật kỹ, bởi lợi ít mà hại nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại