Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga -Trung Quốc - Iran?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ |

Việc đổ vỡ trật tự cũ tất yếu sản sinh cơ cấu quyền lực mới, Nga, Trung Quốc và Iran là một trong những liên minh mới hình thành.

Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga -Trung Quốc - Iran? - Ảnh 1.

Nga cần Iran để đối trọng với phương Tây

Trước sức ép của Mỹ và hàng loạt tác động khách quan do sự thay đổi trật tự toàn cầu, người ta đã hình dung về mối liên minh mới giữa các quốc gia đồng quan điểm, chung kẻ thù. Trong đó, mối quan hệ bộ ba Trung Quốc , Nga và Iran nồng ấm lên trông thấy kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine xảy ra.

Giới tinh hoa chính trị ở Teheran đã tranh cãi dữ dội về việc nên xuống thang với phương Tây hay ngả về phương Đông. Trong khi người Iran còn lưỡng lự thì nhân tố Trung Quốc xuất hiện từ năm 2010.

Phương pháp cứng rắn của phương Tây, đặc biệt lệnh cấm vận vào năm 2012 không đe nẹt được Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, người cầm quyền quốc gia Hồi giáo gia đoạn 2005 - 2013. Họ đã chọn Trung Quốc để tìm lối thoát.

Đầu tư từ Trung Quốc vào Iran tăng nhanh chóng, không có đối thủ; thương mại song phương từ con số 0 tăng lên 50 tỷ USD; hàng loạt hợp đồng lịch sử về dầu mỏ, khí đốt, cung cấp vũ khí do Bắc Kinh chủ trì tại quốc gia Trung Đông.

Dưới nhiệm kỳ 8 năm của Tổng thống Hassan Rohani, Iran tái thiết quan hệ với Nga, thực hiện thông qua hợp tác quân sự tại Syria. Tổng thống đương nhiệm Iran Ebrahim Raisi đã tiếp tục khuếch đại động lực này bằng cách nhấn mạnh tới khía cạnh quân sự và an ninh trong quan hệ đối tác của ông với Moscow.

Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga -Trung Quốc - Iran? - Ảnh 2.

Quan hệ Nga - Trung Quốc ngày càng bền chặt

Quan hệ kinh tế Nga - Iran không đáng kể, nhưng hai bên ngày càng nhận ra họ có chung mục tiêu: thoát Mỹ, tự quyết trên thị trường dầu thô và khí đốt. Sau khi bị phương Tây cô lập, Tổng thống Putin càng muốn siết chặt hơn quan hệ với Iran.

Nga muốn tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí cho chiến sự Ukraine; ngược lại Iran dễ dàng tiếp cận nguồn lương thực dồi dào từ Nga. Suy cho cùng đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trước mắt.

Sau chuyến thăm của ông Putin đến Teheran hồi tháng 7, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran cũng đã ký thỏa thuận với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga để đầu tư 40 tỷ USD vào ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên của Iran. Hai nước cũng vừa lần đầu tiên sử dụng đồng rial và ruble trong thanh toán nhằm “né” các hạn chế tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Những gì Iran và Nga cần thì Trung Quốc có thể đáp ứng - cung cấp cho hai nước này thị trường thương mại khổng lồ, đủ sức đề kháng với lệnh cấm vận của phương Tây. Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm để đạt được mục đích lợi ích kinh tế.

Lợi ích đổi lại cho Bắc Kinh là không hề ít. Cường quốc châu Á có quyền tiếp cận nguồn năng lượng hóa thạch khổng lồ từ hai đối tác vốn không còn quyền chọn lựa.

Vị trí địa lý của Iran “quan trọng về mặt chiến lược” đối với Bắc Kinh, đặc biệt là do vị trí địa lý gần Pakistan, nơi Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng thông qua cái gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Đặc biệt, eo biển Hormuz ở Iran kiểm soát 1/6 lưu lượng dầu và 1/3 lưu lượng khí hóa lỏng trên thế giới. Vai trò của Trung Quốc ngày tăng ở Iran nói riêng và Trung Đông nói chung sẽ dẫn đến kết cục Washington bị “hất cẳng” ra khỏi khu vực này.

Xét về tương quan song phương, Nga ở “cửa dưới” trong quan hệ với Trung Quốc. Thực chất, Bắc Kinh chỉ đóng vai trò “người bạn tinh thần” với Moscow. Càng kéo dài chiến sự Nga- Ukraine, Tổng thống Putin càng đánh mất vai trò và trở nên bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại