Cây lá ngón.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn hôm nay đã tiếp nhận 9 người nhập viện do ăn nhầm lá ngón.
Những người này quê ở Nghệ An, đang làm việc cho một công ty tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Trước đó, khi thấy gần nơi làm việc có mọc nhiều loại rau rừng, mọi người ra hái về xào ăn. Song trong đám rau đó có lẫn lá ngón, không ai biết, nên dẫn tới ăn phải, gây ngộ độc. Sau khi ăn xong rau này chỉ 30 phút, cả 9 người bị chóng mặt và đau đầu, được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, tại viện tỉnh, 9 người được rửa dạ dày cấp cứu, gây nôn chủ động, uống than hoạt tính, truyền dịch.
Hiện một vài người còn tê bì chân tay và chóng mặt. Do chất độc trong lá ngón được cơ thể hấp thụ nhanh, có thể gây ảnh hưởng tới gan và thần kinh nên các bệnh nhân đang được theo dõi tích cực.
Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên tờ Sức khỏe&Đời sống, lá ngón là loại cây có độc tính cao, ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ dẫn tới tử vong.
Bệnh nhân đang được điều trị ở viện. Ảnh: báo Lạng Sơn
Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Lá ngón thường dài khoảng 7 – 12 cm và có bề rộng 2,5 – 5,5 cm, mọc thành chùm ở đầu cành. Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh.
Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chết sau 1-7 giờ.
Triệu chứng người bị ngộ độc lá ngón gồm:
- Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn.
- Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.
- Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.
(theo Sở Y tế Lạng Sơn)
(Tổng hợp)