Hai thứ này là danh tiếng và niềm tin của doanh nghiệp, theo góc nhìn từ quản trị công ty và ESG (3 yếu tố Environmental - Social – Governance, tức là Môi trường - Xã hội - Quản trị).
ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhờ những tiềm năng về kinh tế, địa lý, nhất là có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng xanh tại khu vực Đông Nam Á nhờ có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mạnh mẽ. Chiến lược này của Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế xanh và dự kiến mức tăng từ 6,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 300 tỷ USD vào năm 2050, bên cạnh cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phẩn, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng qua, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư tại Việt Nam. Dẫn đầu là Singapore với tổng vốn đầu tư hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 33,1% tổng vốn đầu tư, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vị trí thứ hai, ba, bốn lần lượt là Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc…
Cùng thời gian trên, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản là hai ngành dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư lần lượt đạt gần 14,17 tỷ USD (chiếm 69% tống vốn đầu tư đăng ký) và hơn 3,36 tỷ USD (chiếm gần 16,4%).
Trong xu thế dịch chuyển thị trường đầu tư tới Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia của Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), thông tin và dữ liệu về quản trị công ty và ESG đang được đánh giá đồng thời với những thông tin tài chính để đưa ra những quyết định đầu tư mới; hoặc quyết định đầu tư mở rộng của các nhà đầu tư cũng như các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế. Do đó, quản trị công ty gắn với ESG được đánh giá là Năng lực Cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tại hội thảo "Danh tiếng và niềm tin của doanh nghiệp – Góc nhìn từ quản trị công ty và ESG" ngày 20/9, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT VIOD cho biết, trong bối cảnh Bộ Tài chính và các bộ ban ngành của Chính phủ đang nỗ lực để nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, mục tiêu tập trung vào tiêu chí ESG và quản trị công ty nhằm mở ra cánh cửa để vốn nước ngoài chảy vào. Vốn ngoại này không chảy vào Sở giao dịch chứng khoán mà vào các doanh nghiệp.
"Việc tập trung vào ESG và quản trị công ty không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức hiện tại mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ giúp cải thiện hình ảnh, tạo sự tin cậy đối với các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh và cộng đồng", bà Hà Thu Thanh chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT VIOD nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chứng minh mình có nền quản trị minh bạch, quản trị hiệu quả và chiến lược phát triển bền vững, gắn liền với giảm thiểu các tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị xã hội. Bởi đây được coi là những yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và đánh giá cao.
Đồng quan điểm với bà Hà Thu Thanh, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD, chia sẻ, việc các doanh nghiệp chủ động công bố thông tin ra bên ngoài, thực hành những công nghệ tốt và duy trì được chúng sẽ là những điều kiện góp phần giúp chúng ta nâng cao giá trị và thu hút được đầu tư nước ngoài.
Thay vì công bố thông tin chỉ để tuân thủ những quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp nên chú trọng tới việc công bố về phát triển ESG. Đây là vấn đề rất được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam theo đuổi cũng như công bố thông tin về phát triển ESG, từ đó gây dựng giá trị.
"Để góp phần đón đầu tiến trình nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam, mỗi doanh nghiệp cần phải có một kế hoạch cụ thể để đáp ứng yêu cầu về quản trị công ty nói chung và công bố thông tin nói riêng trên thị trường. Từ đó, các nhà đầu tư, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ lớn trên toàn cầu, sẽ nhìn nhận thị trường Việt Nam như là một "cái tổ" để phân bổ vốn vào.
Đến lúc này, các doanh nghiệp nào có thể đáp ứng tốt nhất được các yêu cầu về công bố thông tin bằng tiếng Anh một cách minh bạch, về ESG, phát triển bền vững; văn hóa, các hành vi, ứng xử của doanh nghiệp, HĐQT doanh nghiệp… sẽ tạo dựng được niềm tin và thu hút đầu tư tốt nhất", ông Phan Lê Thành Long khẳng định.
ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Việc áp dụng ESG sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu, đồng thời có thể đáp ứng các yêu cầu của quốc tế khi các quốc gia đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.
ESG không còn mới, đó là việc bắt buộc phải làm
Về góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam, cho biết, theo một khảo sát trên 200.000 người của Deloitte trong 2 năm gần đây, đối với những công ty có được niềm tin của thị trường so sánh với những công ty không có điều này, con số gia tăng về mặt giá trị của công ty đó rất lớn.
Thực tế là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế thường tìm đến những công ty mà họ đặt niềm tin và có giá trị niềm tin lớn ở trên thị trường. Giá trị niềm tin này được thể hiện thông qua niềm tin đặt vào người quản trị, hội đồng quản trị, ban điều hành, cách họ làm việc với nhau và cách họ dẫn dắt công ty trong chiến lược phát triển bền vững của chính doanh nghiệp đó.
"Theo khảo sát của Deloitte, có tới 79% số nhân viên họ mong muốn làm việc với công ty vì doanh nghiệp có văn hóa tốt, có cơ hội phát triển và các nhân tài được thỏa sức đổi mới và sáng tạo", bà Trần Thị Thúy Ngọc cho hay.
Theo Phó Tổng giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam: "Theo đuổi chiến lược của ESG là xu thế tất yếu. Thực ra doanh nghiệp nào cũng mong muốn phát triển trường tồn, thay vì 10 năm, 20 năm. Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp có số năm và bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm. Do đó, câu chuyện ESG không còn mới nữa, đó là việc bắt buộc phải làm của các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển".
Trong phần tọa đàm thuộc hội thảo, với chủ đề Quản trị công ty và ESG - Kiến tạo và Bồi đắp Danh tiếng và Niềm tin của Công chúng, Nhà Đầu tư, còn có tiếng nói thực tiễn đa chiều từ ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Văn hóa QTCT VIOD; các chuyên gia về quản trị công ty đến từ các Quỹ đầu tư như ông Vũ Quang Thịnh, Thành viên HĐQT của VIOD, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital. Các chuyên gia đã chia sẻ những góc nhìn xoay quanh giá trị của quản trị công ty tốt, thực chất kiến tạo niềm tin của doanh nghiệp; hay vấn đề công bố thông tin minh bạch đặc biệt trong bối cảnh ASEAN.
Mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm hiện thực hóa trong kỳ đánh giá và công bố vào tháng 10/2025 của FTSE Russell. Điều này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh việc cần thực hiện từ các công ty chứng khoán để đảm bảo "trải nghiệm của Nhà đầu tư", cần có sự đồng tình của các doanh nghiệp niêm yết trong việc thúc đẩy quản trị công ty để có thể thực sự thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Trong chương trình hợp tác với UBCK, với sự đồng hành và hỗ trợ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng Khoán TP HCM (HOSE), VIOD tổ chức diễn đàn các thành viên HĐQT tháng 9, Directors Talk #18: "Danh tiếng & Niềm tin của Doanh nghiệp - Góc nhìn từ Quản trị Công ty & ESG" vào ngày 20/9.
Mục tiêu của chương trình là cập nhật và chia sẻ thực tiễn quản trị công ty gắn với ESG của các doanh nghiệp niêm yết, phân tích "Khoảng cách" giữa thực tiễn quản trị công ty tại Việt nam hiện nay so với yêu cầu quản trị công ty theo ASEAN và thông lệ tốt của OECD.