Cứu sống bệnh nhân mang thai ngoài tử cung vỡ, gây chảy máu trong ổ bụng
Ngày 30/1, một bệnh viện tại Sài Gòn vừa cấp cứu thành công một trường hợp nữ bệnh nhân mất gần 2 lít máu, vỡ tử cung nguy hiểm tính mạng vì một tình trạng đặc biệt.
Trước đó sau 2 ngày vì đau bụng dưới và mệt mỏi nhiều, chị N.T.N (25 tuổi, ngụ TP.HCM) đến thăm khám tại một phòng khám trên địa bàn quận Gò Vấp.
Các bác sĩ tại đây xác định người bệnh có mạch nhanh, huyết áp tụt (70/50 mmHg), da xanh, niêm mạc nhợt nhạt và ra huyết âm đạo .
BS Ngô Thị Minh Tuyết, người tiếp nhận trường hợp này chia sẻ sau khi làm các xét nghiệm cơ bản, bệnh nhân được xác định có thai ngoài tử cung vỡ, gây chảy máu trong ổ bụng lượng nhiều dẫn đến biểu hiện choáng do mất máu.
Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ê-kíp đã nhanh chóng vừa hồi sức vừa kích hoạt hệ thống báo động đỏ với bệnh viện tuyến trên.
Tiếp nhận, các bác sĩ ở bệnh viện đã cho bệnh nhân siêu âm ổ bụng và hội chẩn ngay khi có kết quả.
Bác sĩ Bùi Đức Lâm, Phó Khoa Sản phụ của bệnh viện cho biết, vì tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, mất gần 2 lít máu nên ekip quyết định mổ khẩn.
Nếu nhập viện trễ hoặc phương pháp cấp cứu, phẫu thuật không kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh được phẫu thuật cấp cứu thành công trong vòng 60 phút và hồi phục tốt sau 3 ngày nằm viện.
Mang thai ngoài tử cung - bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do mất máu
Theo các bác sĩ, thai ngoài tử cung là trường hợp trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung.
Tình trạng này chiếm 1-2% thai nghén và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%).
Các triệu chứng thường gặp khi có thai ngoài tử cung là:
Rối loạn kinh nguyệt: Tắt kinh, hay có khi chỉ chậm kinh vài ngày hoặc có rối loạn kinh nguyệt, có thể có dấu hiệu nghén, vú căng.
Đau bụng: Vùng hạ vị, một bên, âm ỉ.
Ra huyết: Huyết ra ít một, rỉ rả, màu nâu đen, có khi lẫn màng, không đông.
Thai ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do mất máu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản khoa tương lai, thậm chí gây vô sinh.
Vì vậy bác sĩ khuyên chị em phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần lắng nghe cơ thể để có ý thức thăm khám ngay khi gặp bất cứ dấu hiệu như trên.
Ngoài ra, người dân cũng cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Một số nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung là do người mẹ có một quá trình viêm nhiễm lâu dài, viêm nhiễm lan lên vòi trứng, gây tắc nghẽn vòi trứng, khiến trứng sau khi được thụ tinh, không di chuyển xuống được tử cung, có thể nằm lại ở vòi trứng, hoặc rơi ra ngoài, ở những vị trí ngoài tử cung như đã kể trên.
Chửa ngoài tử cung không phụ thuộc vào việc xuất tinh bên ngoài hay bên trong, bởi nếu tinh trùng bằng cách nào đó gặp được trứng, thụ thai, vẫn phải di chuyển xuống tử cung như lẽ thường, những trường hợp chửa ngoài tử cung được coi là bất thường.
Lời khuyên cho tất cả các thai phụ, khi có dấu hiệu chậm kinh, cần có biện pháp thử, hoặc xét nghiệm nước tiểu, để chắc chắn mình đã có thai. Trong 3 tháng đầu tiên của thai kì, cần đi siêu âm mỗi tháng một lần, ghi lại tất cả cách triệu chứng được coi là bất thường, để phối hợp cùng với bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán sự phát triển của thai nhi, cũng như độ an toàn, sức khỏe của cả mẹ và con.