Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin

An Chi |

Nếu không chú ý, mẹ chắc chắn sẽ bỏ qua chi tiết nguy hiểm này.

Ngày nay, các kênh Youtube, MXH, TikTok... đang vô cùng trở nên phổ biến đối với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Các bé được tiếp xúc sớm với Internet mang đến nhiều kiến thức bổ ích, đồng thời cũng tồn tại nhiều rủi ro.

Mới đây, một người mẹ chia sẻ sự lo lắng, hoang mang của mình khi cho con xem phim hoạt hình. Dù đã giám sát, xem cùng con nhưng cho tới khi con có "biểu hiện lạ", người mẹ này mới giật mình nhận ra phim hoạt hình này được ngụy trang một cách cực kỳ kín đáo, khó phát hiện ra nếu không theo dõi kĩ càng.

"Cảnh báo kênh độc hại.

Hôm qua con mình vẽ ra một bức tranh mà ở đó nhân vật đang cầm dao đâm người và máu me be bét.

Giật mình tìm hiểu thì đây là do con xem kênh Youtube Sprunki trên TV. Mà mẹ cũng có lúc ngồi cạnh nhưng lồng ghép rất khó nhận ra luôn. Nhạc cũng không rùng rợn, hình vẽ nếu xem qua thì cũng chỉ hoạt hình màu mè bình thường. Nhưng nội dung thì toàn kinh dị thôi ạ!

Mình đã từng bảo con ơi mình phải chọn lọc thứ xem, mấy cái này nhảm nhí lắm và con xem lại bị sợ sệt theo thì sao. Nhưng con trả lời: Nhưng mà con xem không thấy sợ mà mẹ!

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 1.

Lúc này mình mới phân tích cho con: Vấn đề là ở chỗ con không thấy sợ! Kênh này bình thường hoá các vấn đề kinh dị, lẽ ra khi con thấy các cảnh này con phải thấy ghê, thấy thương cảm nhưng không! Nó lại thấy hay, thấy bình thường.

Mà không phải chỉ mỗi con mình đâu nhé, cả con bạn mình tầm tuổi này cũng rất khoái mấy nội dung nhảm và hơi sợ sợ chút như thế này.

Thực ra ngay cả người lớn cũng có phim ma, phim kinh dị rủ nhau đi xem thì cũng không khó hiểu khi trẻ con cũng bị kích thích bởi những thứ như thế. Tuy nhiên điều nguy hiểm nhất đó là mình không thể biết con mình sau nhiều nội dung trá hình này sẽ bị vượt ngoài tầm kiểm soát như thế nào!

Con lắng nghe mình chuyển kênh khác ngay nhưng khi không có mẹ thì sao?", người mẹ này lo lắng.

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 2.

Cụ thể, trên MXH, đây là một tựa game khá nổi tiếng. Tuy nhiên, trên các trang web, nó cũng được cảnh báo là bao gồm các chủ đề với nội dung bạo lực, nhạy cảm, hài kịch thô tục, máu và các nội dung khác không thích hợp cho người dùng dưới 13 tuổi.

Bởi vậy, nó vẫn xuất hiện rất nhiều khi sử dụng Youtube mà điều cha mẹ cần làm là set chế độ để kênh này không xuất hiện, hoặc cho con theo dõi Youtube Kids thay vì Youtube thông thường.

Dưới phần bình luận, nhiều người cho rằng người mẹ đã rất may mắn khi phát hiện sớm. Các em bé rất nhạy cảm, khi thích thú điều gì đó, con sẽ thể hiện bằng cách tâm sự, kể chuyện hoặc nói, viết, vẽ ra giấy. Ngay khi thấy con có dấu hiệu lạ, mẹ nên tìm hiểu và xử lý vấn đề ngay.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người dùng cảnh báo về các phim hoạt hình, game bạo lực mà trẻ con vô tình thấy sẽ thích. Nếu không có sự sát sao của người lớn thì sẽ rất nguy hiểm.

Hình thức trá hình, giả mạo của các video YouTube thông qua việc sử dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình nổi tiếng để thu hút trẻ

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 3.

Đoạn phim hiển thị các nhân vật Peppa Pig dùng dao và súng bắt cóc công chúa xuất hiện trên ứng dụng Youtube Kids.

"Peppa Pig" là một series phim hoạt hình dành cho thiếu nhi được phát sóng trên kênh Nick JR - kênh chuyên cung cấp những chương trình giáo dục chất lượng cho trẻ. Phim có nội dung với từ vựng tiếng Anh phổ thông, lời thoại rõ ràng và những mẩu chuyện ngắn ngủi nhưng đầy ấm áp về cuộc sống hàng ngày của gia đình chú heo Peppa, từ những chuyến đi picnic, trò chơi giấu tìm cho đến những buổi dã ngoại vui vẻ, rất thích hợp với lứa tuổi mầm non từ 3 đến 5.

Chính vì lý do này mà "Peppa Pig" thu hút một lượng lớn khán giả nhỏ tuổi xem trên YouTube. Tuy nhiên, hiện tại có một số kênh giả mạo hình ảnh của "Peppa Pig", gây nhầm lẫn cho trẻ khi chọn video để xem. Các video giả mạo này thường chứa nội dung không phù hợp, như hình ảnh nha sĩ với chiếc ống tiêm to đáng sợ, răng của Peppa bị rút ra cùng tiếng kêu đau đớn.

Vào tháng 3/2017, nữ nhà báo Laura June, mẹ của một bé gái 3 tuổi đặc biệt thích "Peppa Pig", đã phát hiện ra những video giả mạo này: "Đoạn video có những nhân vật hoạt hình trông giống hệt Peppa Pig khiến con gái tôi nhầm lẫn, nhưng thực chất chỉ toàn tiếng kêu khóc, tiếng nha sĩ cười nhạo trong khi nhổ răng của một nhân vật giả Peppa. Đứa con gái bé bỏng của tôi đã xem những nội dung như thế". Bà mẹ này chỉ nhận ra được sự thật đằng sau những video bạo lực khi con gái mình bắt đầu xem chúng.

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 4.

Nhiều video "ngụy trang" các phim hoạt hình nổi tiếng nhưng chứa nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ.

BBC đưa tin, có không ít video trên YouTube giả mạo, sử dụng hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng như nàng công chúa Elsa trong Frozen, Minions, Doc McStuffins, Thomas the Tank Engine và hàng loạt những bộ phim hoạt hình khác để tạo ra những nội dung không lành mạnh, kém duyên có thể gây tổn hại đến sự phát triển của trẻ em.

Điều đáng chú ý là những video của loại này lại thu hút được một lượng lớn lượt xem, đạt tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu, và cả tỷ view, phần lớn đối tượng xem là trẻ nhỏ. Kênh "Toys and Funny Kids Surprise Eggs" nằm trong số 100 kênh Youtube có lượt xem cao nhất thế giới, với tổng số lượt xem vượt qua 5 tỷ. Trang chủ kênh này hiển thị hình của một đứa trẻ tập đi cùng với các nhân vật hoạt hình Peppa Pig, Thomas Tank Engine, Cookie Monster, Mickey, Minnie Mouse và công chúa Elsa trong Frozen.

Song, một số video trên kênh có tiêu đề rất kỳ quặc và rùng rợn như "FROZEN ELSA HUGE SNOT" (Nước mũi khổng lồ của Elsa), "NAKED HULK LOSES HIS PANTS" (Hulk trần trụi mất quần) hay "BLOODY ELSA: Frozen Elsa's Arm is Broken by Spiderman" (Elsa chảy máu: Tay của Elsa bị Spiderman chặt đứt). Có quá nhiều video chứa đầy hình ảnh bạo lực, phản cảm hoặc nội dung không phù hợp, nhảm nhí cho trẻ em.

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 5.

Bạo lực, phản cảm là những gì mà nhiều video về Người nhện và công chúa Elsa giả mạo đem đến cho trẻ qua các video trên YouTube.

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 6.

Một video miêu tả cảnh hai người bạn vẫn cố tình đốt trại khi có người trong đó (Ảnh: SmileKidsTV/Youtube).

Cha mẹ cần có hành động bảo vệ trẻ, phòng tránh và ngăn ngừa video trá hình phát tán rộng

Mặc dù biết rõ rằng việc để trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, điện thoại, máy tính bảng có thể gây ra những tác động tiêu cực, nhưng việc cấm đoán hoàn toàn lại có thể khiến trẻ cảm thấy thú vị và muốn thử nghiệm hơn. Vì lý do đó, để giảm thiểu nguy cơ trẻ tiếp xúc với những video giả mạo, có nội dung xấu, cha mẹ nên cho trẻ xem các video phù hợp với lứa tuổi và sử dụng những phương pháp sau đây ngay từ bây giờ:

Không phụ thuộc hoàn toàn vào YouTube: Cha mẹ không nên cho rằng tất cả các video trên YouTube đều an toàn và để trẻ tự do xem mà không có sự giám sát. Kênh này có tính năng tìm kiếm và các video gợi ý liên quan có thể dẫn dụ trẻ đến nội dung không phù hợp mà cha mẹ không lường trước được. Cha mẹ cần tìm hiểu và sử dụng các tính năng hạn chế của YouTube để có thể quản lý nội dung mà con xem một cách tốt hơn.

Quản lý nội dung và tạo danh sách video an toàn: Cha mẹ có thể dành thời gian để lựa chọn và tạo một danh sách các video an toàn cho con xem, sau đó lưu chúng vào một thư mục riêng. Khi có video mới và hấp dẫn, cha mẹ chỉ cần thêm nó vào danh sách đã được duyệt sẵn cho con.

Thấy con vẽ tranh một người bị chảy máu một cách rùng rợn, mẹ giật mình tìm hiểu và phát hiện điều không thể tin- Ảnh 7.

Rất nhiều video gợi ý tìm kiếm lân cận sẽ đưa trẻ lạc vào 1 thế giới ảo đầy bạo lực và phản cảm.

Luôn theo dõi nội dung con bạn tiếp xúc: Các bậc phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra xem con mình đã xem những video nào trên YouTube để kịp thời phát hiện ra những nội dung không mong muốn hoặc không phù hợp. Việc giám sát này giúp cha mẹ bảo vệ con cái khỏi những thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của chúng.

Giao tiếp với con cái về việc lựa chọn nội dung phù hợp: Những gì trẻ xem trên internet có thể tác động lớn đến quá trình hình thành nhận thức và hành vi của chúng. Các bậc phụ huynh cần đóng vai trò hướng dẫn và là chỗ dựa tinh thần cho con mình bằng việc trò chuyện và giáo dục chúng cách nhận diện các nội dung độc hại. Để con cảm thấy an toàn và tự tin chia sẻ, cần xây dựng một môi trường gia đình gắn kết, nơi các em có thể dễ dàng báo cáo với cha mẹ nếu vô tình gặp phải nội dung không lành mạnh trực tuyến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại