5h30 sáng, khi bình minh trên vùng đất Đông Nam Bộ vừa ló rạng thì đoàn công tác Hành trình Từ Trái Tim đã bắt đầu lên đường, di chuyển từ Bình Dương tới Bình Phước. Những chiếc xe khác biệt chuyên chở 5 đầu sách quý gồm Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu Làm giàu, Khuyến học, Không bao giờ thất bại - Tất cả là thử thách, Quốc gia khởi nghiệp chìm lấp trong những tán cây cao su và bụi bay mù mịt bốc lên từ đường đất đỏ.
Ở Bình Phước, suốt dọc đường đi, người ta không nhìn thấy gì khác ngoài những cây cao su, điều, hồ tiêu và cà phê được trồng xen giữa các khoảng rừng tạp. Cây cối bao bọc những xóm làng nhỏ bé. Ngay dọc quốc lộ, những ngôi nhà cũng khá thưa thớt và nằm lọt thỏm giữa đồi cây.
Trong hơn 20 năm qua, Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Tuy nhiên, cuộc sống người dân nhiều nơi vẫn còn rất nghèo. Di chuyển gần 150km tới xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, đoàn công tác đã chạm tới những điểm nghèo và sâu, xa nhất của tỉnh.
Ngôi trường THCS Đoàn Đức Thái - nơi đoàn ghé thăm - nhỏ bé, nằm lặng lẽ dưới sườn đồi. Những vách tường phủ đầy rêu. Nhiều em học sinh dù đã lên tới lớp 9 nhưng vẫn nhỏ thó như vừa hết lớp 5. Vậy nhưng thật bất ngờ là ở mảnh đất còn nhiều khó khăn ấy, bên trong những đứa trẻ còi cọc, đen nhẻm vì chạy dưới trời nắng nóng lại nuôi dưỡng bao khát vọng lớn.
Bố mẹ vất vả trồng cà phê bị ép giá, con gái mơ làm nên nghiệp lớn
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, học sinh ở đây 60% là người dân tộc thiểu sổ. Vì nhà nghèo, quanh năm ăn khoai mì độn cơm trắng nên rất nhiều bạn sau khi tốt nghiệp cấp II sẽ bỏ đi học nghề hoặc trở về nhà làm nông phụ đỡ ba mẹ. Thế nhưng những em muốn học tiếp lên cấp III hầu hết đều nuôi nhiều khát vọng.
Đặng Thị Nhung (học sinh lớp 9) kể rằng, gia đình em và rất nhiều bạn bè khác trong lớp sống dựa vào cây cao su và cà phê. Năm nay, giá cà phê rớt thảm vì thương lái chèn ép. Để có tiền trang trải học phí, ngoài gờ lên lớp, Nhung và các bạn đều phải làm những công việc nhà nông vất vả phụ giúp ba mẹ.
Vì sống trong hoàn cảnh nghèo khó, Nhung luôn khao khát ngày nào đó có thể trở thành chủ doanh nghiệp lớn, biến hạt cà phê giá rẻ mà ba mẹ cô vất vả làm ra trở thành một sản phẩm có giá trị cao trên thị trường.
Trước khi Hành trình Từ Trái Tim ghé thăm, Nhung từng nghe thầy Hiệu trưởng kể về tấm gương Đặng Lê Nguyên Vũ. Biết ông Vũ cũng từng xuất thân là con nhà nghèo, khởi nghiệp thành công với cây cà phê - một sản vật của quê hương mình - Nhung cũng khao khát sẽ làm được việc lớn như thế.
Dù mới lớp 9 nhưng những tâm sự thể hiện một suy nghĩ rất chín chắn của Nhung: "Em muốn xây một công ty cà phê lớn như Tập đoàn Trung Nguyên để giúp ba mẹ và nhiều người dân quê mình thoát nghèo. Người ta thường bảo, khởi nghiệp khó lắm, dễ thất bại nhưng em tin chỉ cần có quyết tâm đủ lớn, không việc gì không thể làm được.
Nhung khát khao làm giàu theo tấm gương Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ông Vũ cũng xuất thân là con nhà nghèo - có khi còn nghèo hơn em, từng phải đi chăn bò thuê - nhưng nhờ khát vọng lớn nên đã thành công. Tấm gương về ông Vũ là điểm tựa giúp em có thêm lòng tin với ước mơ khởi nghiệp".
Muốn noi theo tấm gương doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là khát vọng của rất nhiều học sinh trường THCS Đoàn Đức Thái. Bạn Phan Mai Ánh Ngọc tâm sự, từ lâu cô luôn muốn trở thành chủ doanh nghiệp lớn để phụng sự xã hội, giúp đỡ quê hương, đất nước mình.
"Em nghe kể về chuyện Đặng Lê Nguyên Vũ dầm mưa, chở từng bao cà phê bằng xe đạp đi giao cho khách vì muốn giữ chữ tín. Câu chuyện về khát vọng, phẩm chất con người ông Vũ là những bài học lớn giúp em kiên tâm với ước mơ khởi nghiệp".
Không chỉ khao khát làm giàu cho gia đình, những học sinh nghèo nơi đây còn mơ ước làm giàu vì dân quê hương. Nhung kể, con đường đất đỏ từ nhà tới trường của cô dài 11-12km. Những ngày trời mưa gió, đường sình lầy, bùn đất ngập tới cổ chân. Để tới trường, Nhung phải thức dậy từ 4h, đi bộ xuyên qua những cánh đồi cao su rộng lớn.
"Nhiều bạn vì không thể vượt đường xa nên cứ trời mưa là phải nghỉ học. Em rất muốn sau này có đủ tiền để giúp quê mình xây những con đường lớn, không ai còn phải vất vả tới trường như vậy nữa", Nhung chia sẻ.
14 năm chưa từng được ba mẹ tặng sách và lời cảm ơn đặc biệt tới Hành trình Từ Trái Tim
Cả Nhung hay Ngọc đều hiểu rằng, để có thể khởi nghiệp thành công, các em cần có rất nhiều kiến thức, như cách kêu gọi vốn đầu tư, quản lý doanh nghiệp, quy trình chế biến cà phê, truyền thông, quảng cáo, bán hàng... Ngoài những kiến thức trên lớp, học sinh nơi đây đều khao khát có được những cuốn sách hay để đọc, bồi dưỡng thêm kiến thức. Tiếc là nhà trường chưa có thư viện còn ba mẹ vì mải mưu sinh nên có những bạn, 14 năm qua chưa từng được người thân tặng sách.
"14 năm qua em chưa từng được ba mẹ tặng sách nên rất cảm động khi có những người không quen biết lại đi hàng trăm cây số xa như vậy tới tặng sách. Em biết những cuốn sách này do ông Vũ - thần tượng của mình lựa chọn - nên nhất định sẽ trân quý và đọc nghiền ngẫm", Nhung nói.
Nhiều bạn học sinh nơi đây cũng mong muốn Tập đoàn Trung Nguyên có thể tặng nhiều hơn những đầu sách quý, giúp họ có thêm kiến thức để khởi nghiệp làm giàu.
Lớp học của Ngọc và thầy Tuấn (ảnh phải) chụp ảnh kỷ niệm với Hành trình Từ Trái Tim.
Thầy Tuấn cho hay, dù đã được nhiều chương trình từ thiện ghé thăm nhưng đây là lần đầu tiên trường được tặng những đầu sách quý như vậy.
"Những cuốn sách nói về khởi nghiệp vẫn còn rất thiếu nên học sinh ở đây chưa có điều kiện tiếp cận nhiều. Chúng tôi rất cảm ơn Hành trình Từ Trái Tim đã trao tặng những cuốn sách hay giúp học sinh có thêm nền tảng kiến thức để từ đó thay đổi cách nghĩ, xác định con đường tương lai và vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời".
Trong ngày 11/9, đoàn Hành trình Từ Trái Tim đã chia làm 2 đoàn đi trao sách tại trường THCS Đoàn Đức Thái, Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, Thư viện tỉnh Bình Phước và Trường ĐH Bình Dương. Sau đó đoàn đã di chuyển hơn 100km từ Bình Phước về Tây Ninh. Hôm nay (12/9), đoàn sẽ có nhiều hoạt động khác tại Tây Ninh và di chuyển tiếp đến các tỉnh Long An, Tân An.
Hành trình Từ Trái Tim tặng sách tại ĐH Bình Dương.