Quân đội Iran được cho là đang vận hành vài tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 do Nga chế tạo, số vũ khí này được cấp tốc chuyển giao trong giai đoạn các lệnh cấm vận lên Tehran được tạm thời gỡ bỏ.
S-300PMU-2 Favorit của Iran có sức mạnh không thua kém S-400 Triumf là bao khi nó cũng được trang bị đài nhìn vòng mọi độ cao 96L6 có tầm trinh sát 300 km, theo dõi được 100 mục tiêu các loại.
Radar hỏa lực của S-300PMU-2 là 30N6E2 làm việc trên băng tần X, tự động hoàn toàn trong thao tác phát hiện, bám bắt và có khả năng chống nhiễu cực tốt nhờ bộ vi xử lý cải tiến.
Tầm hoạt động của 30NE2 là 300 km, nó theo dõi 100 mục tiêu và dẫn đường cho 72 tên lửa cùng lúc, tạo ra một cuộc tấn công lớn vào tốp máy bay đối phương.
S-300PMU-2 còn được tích hợp radar trinh sát 64N6E2 cùng trạm kiểm soát chiến đấu 54K6E2 nằm trong hệ thống chỉ huy 83M6E2 có nhiệm vụ đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất.
S-300PMU-2 của Iran được tích hợp đạn tên lửa đánh chặn tầm xa 48N6E2 tầm bắn 195 km, trần bay 27 km, vận tốc 2.800 m/s, sử dụng cơ chế hiệu chỉnh thông qua vị trí tên lửa (Track via Missile) đủ sức bắn hạ những vật thể diện tích phản xạ radar rất nhỏ.
Mặc dù được quảng cáo có nhiều tính năng ưu việt như trên nhưng bí mật về mã nguồn của S-300PMU-2 bị cho là đã nằm trong tay Israel, khi vào tháng 3/2018, tiêm kích tàng hình F-35I Adir đã dễ dàng xâm nhập không phận Iran, ngay trên vùng bảo vệ của Favorit.
Trước tình hình trên, giới chức quân sự Iran cảm thấy S-300PMU-2 không còn là một vũ khí thực sự tin cậy nữa, dẫn đến việc mới đây họ đã chính thức hỏi mua S-400 Triumf.
Tuy nhiên trái với kỳ vọng của Tehran, Moskva đã thẳng từng từ chối yêu cầu này với lý do có thể gây căng thẳng cho khu vực, hành động trên có thể đẩy Iran vào vòng tay của đối tác quan trọng khác chính là Trung Quốc.
Xét về quan hệ hợp tác quốc phòng, sự thân thiết giữa Iran với Trung Quốc thậm chí còn nhỉnh hơn Nga, khi hiện nay Bắc Kinh là nguông cung cấp công nghệ quân sự lớn nhất cho Tehran.
Trong trường hợp không mua được S-400 Triumf của Nga, Iran hoàn toàn có thể sẽ quay sang hỏi mua tổ hợp HQ-9, nhất là khi Trung Quốc cho biết vũ khí nội địa của mình còn trội hơn S-400.
Theo trang Sina, điểm yếu lớn nhất của S-400 chính là chi phí khổng lồ dành cho việc mua sắm và vận hành. Ngoài ra vũ khí này còn quá cồng kềnh và được phát triển bằng công nghệ khá cũ.
"So với hệ thống HQ-9 Trung Quốc phát triển, S-400 Nga không hề cao cấp hơn. Vũ khí này đã được đưa vào trang bị từ hơn 10 năm, chính vì vậy một số công nghệ đã lỗi thời trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là hệ thống radar mảng pha thụ động".
"Điều này làm cho tổ hợp S-400 trở nên quá cồng kềnh mà không mang lại hiệu quả trong điều kiện chiến đấu cần sự cơ động và linh hoạt cao. Chính vì vậy, chúng sẽ không hiệu quả bằng những hệ thống do Trung Quốc tự sản xuất (HQ-9)", Sina nhận định.
Tuy rằng còn phải xem xét tính chính xác của phát ngôn trên bởi Trung Quốc cũng hay "thổi phồng" năng lực vũ khí do mình sản xuất nhưng không thể phủ nhận rằng HQ-9 thực sự là một hệ thống vũ khí đáng gờm.
Trong hoàn cảnh không mua được S-400 thì có lẽ HQ-9 sẽ trở thành lựa chọn duy nhất của Iran nhằm thay thế vai trò chủ lực của các tổ hợp S-300PMU-2 đã bị lộ mã nguồn.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-that-vong-nang-ne-voi-s300pmu2-iran-se-mua-hq9-trung-quoc-thay-the/812538.antd