Chia tay hoặc bị từ chối bởi người mình yêu là những trạng thái được định nghĩa là “thất tình”. Có không ít khó khăn khi chúng ta phải vật lộn với cảm giác đau đớn, tổn thương và suy sụp đến tận cùng ấy.
Thế nhưng, có một số lầm tưởng rằng cảm giác thất tình khó chịu đó chỉ nằm trong tâm trí con người. Nhưng hơn thế, tâm trí là một cơ quan mạnh mẽ và cảm giác thất tình cũng mang lại những cảm xúc mạnh mẽ, sự kết hợp của cả hai đã gây nên nhưng tác động thật sự đến thể chất con người.
Sự liên hệ mật thiết giữa nỗi đau và thể chất
Các nhà khoa học đều đi đến kết luận rằng, những cuộc chia tay có thể gây ra các nỗi đau thể xác và ảnh hưởng sức khỏe. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, sự từ chối, nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần đều được xử lý trong cùng một bộ não.
Theo tác giả Meghan Laslocky, người đã viết nhiều sách về sự tan vỡ, đã cho rằng sở dĩ nỗi đau có thể ảnh hưởng thể chất là do sự kích hoạt đồng thời của cả hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm.
Hệ thần kinh đối giao cảm chịu trách nhiệm xử lý chức năng khi bạn thư giãn như tiêu hóa hoặc sản xuất nước bọt, nó làm chậm nhịp tim và nhịp thở. Trái lại, hệ thần kinh giao cảm lại làm cho cơ thể sẵn sàng hành động và gửi các hormone đi khắp cơ thể. Do đó làm tăng nhịp tim và đánh thức cơ bắp của bạn. Khi bạn thất tình, cả hai hệ thần kinh được bật lên đồng thời và điều này làm cơ thể khó chịu.
Thất tình dẫn đến suy nhược sức khỏe
Phản ứng thường xuyên mà có thể nhìn thấy khi ai đó thất tình là sự chán ăn, mất động lực, đau đầu, giảm cân hoặc tăng cân đột biến. Cá nhân sau khi chia tay sẽ trở nên dần cô lập bản thân và rút lui khỏi các mối quan hệ bạn bè, gia đình và những người xung quanh.
Thậm chí, nỗi đau thất tình có thể dẫn đến trạng thái tiêu cực thậm chí cực đoan. Rất nhiều người thừa nhận rằng họ bị stress hoặc trầm cảm sau khi chia tay người yêu, vợ/chồng. Trong một vài trường hợp nặng, thất tình còn dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim hay tệ hơn là tự sát.
Làm gì để vượt qua nỗi đau thất tình?
Mặc dù trải nghiệm chia tay có thể khác nhau với nhiều người và nhiều hoàn cảnh nhưng có một số phương pháp khoa học giúp chữa lành vết thương mà bạn có thể thử.
Điều đầu tiên, hãy nhớ rằng thời gian có thể chữa lành mọi vết thương. Theo thời gian, khi căng thẳng giảm bớt và bạn bắt đầu bình tĩnh hơn, các triệu chứng về mặt thể chất của bạn cũng bắt đầu hồi phục.
Hãy nhìn thẳng vào vấn đề và đừng né tránh rằng việc mình đã chia tay cũng là một cách hồi phục tốt. Phân tích tỉnh táo tình hình sẽ khiến bạn nhân ra vốn dĩ mình và người đó không hợp nhau. Điều mà bạn cần buông bỏ ở đây chưa hẳn là người yêu mà là chấp niệm của chính bản thân mình.
Khi đã ổn hơn, hãy tìm tới vòng tay bạn bè, gia đình và những người luôn mang lại cho bạn cảm giác tích cực. Ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn và làm những điều bạn thích sẽ giúp mất tập trung khỏi sự buồn bã./.
Theo Boldsky