Thất thủ ở cả Syria lẫn Iraq, "đòn thù" của IS ngày càng nguy hiểm và đẫm máu

Ngọc Nguyễn |

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có khả năng gây ra các vụ trả thù với thương vong lớn để cứu vãn danh dự khi tổ chức khủng bố này đang mất dần lãnh thổ tại Iraq và Syria.

"Chân rết" vẫn hoạt động dù IS sắp thất thủ

Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào nhà thờ Hồi giáo al-Rawda tại bán đảo Sinai, Ai Cập hôm thứ Sáu tuần trước, 24/11, nhưng theo tờ Washington Post, có nhiều lý do để nghi ngờ chính IS đứng đằng sau vụ tấn công đẫm máu này.

Với số lượng 1.000 thành viên, chi nhánh IS tại Ai Cập trong những tháng gần đây đã tăng cường tấn công vào binh sĩ và cảnh sát và trấn áp các nhà thờ Cơ đốc giáo.

Theo thông báo chính thức của nhà chức trách Ai Cập, cuộc tấn công vừa qua được coi là một cuộc tàn sát khi có tới 235 người thiệt mạng và chứng minh IS đang chuyển hướng tấn công sang mục tiêu mới và nguy hiểm hơn. Đó là những người dân thường Hồi giáo theo dòng Sunni tại các nhà thờ.

Chi nhánh IS tại Sinai chỉ là một nhóm trong nhiều chi nhánh khu vực của IS tại châu Phi. Theo các chuyên gia tình báo và chống khủng bố, vụ tấn công ngày 24 là chưa từng có trong lịch sử Ai Cập, và có thể là một dấu hiệu cho thấy cuộc tranh giành quyền lực của nhóm IS khi thủ phủ của tổ chức này đã bị xóa sổ tại Iraq và Syria.

Giáo sư Daniel Benjamin, cựu điều phối viên về chống khủng bố tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, "Cuộc tấn công Sinai cho thấy việc xóa sổ nhà nước IS tại Iraq và Syria hầu như chẳng có ảnh hưởng gì tới hoạt động của các chi nhánh của tổ chức này. Bởi vì sự thành công hay thất bại của chi nhánh này đều phụ thuộc vào yếu tố địa phương".

Chi nhánh có liên hệ với IS tại Sinai, giống như hầu hết các chi nhánh khu vực khác, đã tồn tại từ lâu trước khi IS tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014.

Thất thủ ở cả Syria lẫn Iraq, đòn thù của IS ngày càng nguy hiểm và đẫm máu - Ảnh 1.

Các nạn nhân trong vụ tấn công ở Sinai được đưa đi cấp cứu (Ảnh: AP)

Theo các nhà phân tích khác, thời điểm của vụ tấn công Sinai - khi các tín đồ đang cầu nguyện, và việc lựa chọn mục tiêu nhà thờ Hồi giáo Sufi, đã phản ánh sự tuyệt vọng và tức giận của những đối tượng khủng bố còn sót lại của IS.

IS gọi những người Hồi giáo Sufi là "dị giáo" và vẫn tấn công các đền thờ của họ tại Bắc Phi và Iraq. Nhưng tổ chức này thường không tấn công cộng đồng người Sufi ở Ai Cập, nơi mà nhánh Hồi giáo dòng Sunni có lịch sử lâu đời từ nhiều thế kỉ trước và vô cùng phổ biến.

Mục đích của vụ tấn công có thể là để chứng minh rằng Nhà nước Hồi giáo, bất chấp sự sụp đổ của lực lượng nòng cốt ở Iraq và Syria, vẫn còn rất nguy hiểm và có tầm ảnh hưởng rộng khắp.

"Minh chứng điều này là các cuộc tấn công khủng bố ngày càng trở nên tàn bạo và đẫm máu hơn", Shadi Hamid, tác giả của cuốn "Chủ nghĩa biệt lệ Hồi giáo" và là một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, đánh giá.

Trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ vẫn theo dõi hoạt động của một số chi nhánh lớn của IS để xem chúng có thể bị ảnh hưởng sau sự sụp đổ của IS tại thủ phủ Raqqa, Syria hay không. Một trong mối quan tâm lớn nhất là khả năng một số lượng lớn các chiến binh Hồi giáo, bao gồm cả những kẻ lãnh đạo cấp cao của IS, có thể chuyển hoạt động sang địa bàn mới.

Các quan chức cũng lo ngại rằng một trong những chi nhánh khu vực còn có thể tìm cách phát động một cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu ở phương Tây nhằm trả thù cho đồng bọn đã bị tiêu diệt ở Iraq và Syria.

Một quan chức cao cấp chống khủng bố của Mỹ nói với WaPo, "Chúng ta nói rằng Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại, nhưng đó chỉ là sự thất bại về mặt quân sự. Các cuộc nổi dậy nội sinh sẽ vẫn xảy ra trong thời gian tới và sẽ khó đánh bại. Hy vọng là các lực lượng địa phương tại các nước có thể tự kiểm soát các mối đe dọa này, mà không cần sự hỗ trợ của liên minh quốc tế hoặc các cố vấn Mỹ".

Thất thủ ở cả Syria lẫn Iraq, đòn thù của IS ngày càng nguy hiểm và đẫm máu - Ảnh 2.

Các binh sĩ và khí tài của liên quân quốc tế chống IS tại Syria (Ảnh: Business Insider)

Chiến dịch chống khủng bố chưa đủ hiệu quả

Quân đội Mỹ đã khá thành công dập tắt nỗ lực thành lập một Nhà nước Hồi giáo thứ hai ở Libya. Tuy nhiên, tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói với các phóng viên hồi tháng trước rằng các chi nhánh khác của IS vẫn khá nguy hiểm, bao gồm "cả chi nhánh IS ở Sinai mà giới chức Ai Cập đang theo dõi sát".

Trong những tháng gần đây, có rất ít bằng chứng cho thấy thủ phủ IS đang hỗ trợ tài chính hoặc hậu cần đối với các chi nhánh, nhưng hệ thống này vẫn hoạt động trên cùng hệ tư tưởng và chiến thuật tàn bạo.

Theo tướng Dunford, "Điều mà IS đang cố làm là giúp các lực lượng tại địa phương nâng cao khả năng tấn công và duy trì sự liên hệ với IS".

Nhận định của các quan chức chống khủng bố Mỹ, việc kiểm soát hoạt động của chi nhánh IS tại Sinai là thách thức lớn, do tổ chức khủng bố này đang lớn mạnh không ngừng và giới chức Ai Cập dường như không đủ khả năng kiểm soát hay thậm chí ý thức được mức độ nguy hiểm của nó.

Cuộc tấn công nhà thờ Hồi giáo ngày 24 xảy ra ở thị trấn Bir al-Abd của Bắc Sinai, một thị trấn tại vùng duyên hải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Con số thương vong cao nhất trong lịch sử Ai Cập của vụ khủng bố đã khiến cho một số quan chức quan chức Mỹ nhận xét rằng chiến dịch chống khủng bố kéo dài hai năm qua của chính quyền Cairo đã không quét sạch được những mầm mống khủng bố trong xã hội.

"Vì bất cứ lý do gì, Ai Cập và Mỹ đã không phối hợp tốt tại bắc Sinai. Điều này cho thấy Mỹ cần trợ giúp Cairo đào tạo và trang bị các thiết bị chuyên dụng để chống lại phiến quân tại đây" - trích lời ông Stuart Jones, nguyên phó đại sứ Mỹ tại Cairo.

Ông Jones cho hay chương trình hỗ trợ này sẽ giống như chương trình mà quân đội Mỹ đang triển khai ở Iraq.

Ai Cập không kích các nhóm đối lập bị cáo buộc liên quan vụ tấn công Sinai ngày 24/11/2017

Ngay sau vụ tấn công Sinai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng dòng trạng thái trên Twitter ngỏ ý hỗ trợ Ai Cập chống khủng bố, nhưng ông không đề cập cụ thể hình thức trợ giúp là gì.

Trong những năm qua, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã khởi động một chiến dịch chống lại tất cả các nhóm Hồi giáo quy mô lớn, bao gồm cả tổ chức Anh em Hồi giáo. Đây là tổ chức đã tuyên bố từ bỏ hình thức đấu tranh bạo lực trong những năm gần đây.

Hệ quả của chiến dịch này là khiến cho những người Hồi giáo ôn hòa quay ra hỗ trợ những người có tư tưởng cực đoan. Cuộc tấn công hôm thứ Sáu có thể sẽ thúc đẩy tổng thống khiến tổng thống Al Sisi mạnh tay hơn trong các chiến dịch chống khủng bố của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại