“Chúng ta đau xót khi thấy nhiều thầy cô ngày lên lớp tối về bán hàng online, làm shiper... để đảm bảo cuộc sống. Các thầy cô không thể tập trung chuyên môn được nếu thu nhập quá thấp”, TS. Hoàng Trung Học chia sẻ.
Mới đây, tại một cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hà Đông (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình cứ 100 nhà giáo có 1 người ra khỏi ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho hay, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng hơn 100.000. Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành từ nay đến 2025 được tuyển trên 64.000 biên chế, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu, trong đó, riêng năm 2022 ngành được được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000 giáo viên. Dù vậy, chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là trên 16.000 người.
TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chia sẻ, trong một năm có tới 16.000 giáo viên bỏ việc là điều đáng buồn và là một cảnh báo cho ngành giáo dục.
Trước hết, theo TS. Hoàng Trung Học việc nhiều giáo viên xin nghỉ việc sẽ làm mất cân đối lực lượng lao động trong một lĩnh vực có đông viên chức nhất và có ảnh hưởng quan trọng tới xã hội.
“Trước đây có hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Nhưng bây giờ không chỉ thừa thiếu cục bộ nữa mà đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên nhưng lại có đến 16.000 giáo viên bỏ việc. Điều này khiến cho các nhà quản lý gặp khó khăn trong việc cân đối đội ngũ giáo viên”, ông Học nói.