Thất bại tại Avdiivka trở thành "vết sẹo", Mỹ - Ukraine ngày càng thất vọng về nhau

Minh Khôi |

Các quan chức Mỹ cho biết, ngay cả sau khi biết rằng Nga, với quân tiếp viện lớn hơn, sẽ chiếm ưu thế, Ukraine vẫn cố chấp không rút quân ở Avdiivka.

Quân đội Ukraine nhắm vào quân Nga ở Avdiivka tháng trước. Ảnh: The New York Times

Quân đội Ukraine nhắm vào quân Nga ở Avdiivka tháng trước. Ảnh: The New York Times

Mỹ và Ukraine ngày càng thất vọng về đồng minh

Theo The New York Times, hơn hai năm liên minh, mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đang có dấu hiệu sứt mẻ, nhường chỗ cho sự thất vọng và cảm giác rằng mối quan hệ có thể bị mắc kẹt trong một lối mòn.

Đối với Lầu Năm Góc, sự bực tức xuất phát từ một vấn đề duy nhất, thường xuyên xảy ra: các chiến lược gia quân sự Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III, tin rằng Ukraine cần tập trung lực lượng vào một cuộc chiến lớn tại một thời điểm. Thay vào đó, Tổng thống Zelensky đã triển khai lực lượng trong các trận chiến giành các thị trấn mà các quan chức Mỹ cho rằng thiếu giá trị chiến lược.

Ví dụ gần đây nhất liên quan đến trận chiến giành thành phố Avdiivka phía đông đã rơi vào tay Nga vào tháng trước. Các quan chức Mỹ cho rằng Ukraine đã bảo vệ Avdiivka quá lâu và phải trả giá quá đắt.

Ngay cả bây giờ, nhiều tháng sau cuộc phản công thất bại, trong mắt Lầu Năm Góc, Ukraine không nghe theo lời khuyên của họ và Kiev vẫn thường xuyên không muốn lắng nghe.

Về phần mình, Ukraine ngày càng chán nản vì sự tê liệt chính trị của Mỹ đã dẫn đến tình trạng thiếu đạn dược cho quân đội ở mặt trận. 

Các quan chức Nhà Trắng và Ukraine đều nói rằng việc Quốc hội cho đến nay không thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp bao gồm 60,1 tỷ USD cho Ukraine đã làm suy yếu cuộc chiến trên thực địa. 

Kiev cũng thường xuyên phàn nàn rằng chính quyền Tổng thống Biden đã chậm phê duyệt các hệ thống vũ khí tiên tiến có thể vượt qua ranh giới đỏ của Nga, từ máy bay chiến đấu đến tên lửa tầm xa.

Trong khi đó, chỉ cách chiến hào của Nga ở miền đông Ukraine vài dặm, loạt đạn pháo của Nga từ lựu pháo, rocket và súng cối vào tuần trước gần như "nã" không ngừng nghỉ. Sự đáp trả của Ukraine, được đánh dấu bằng tiếng nổ mạnh của hỏa lực bắn ra, thường ít hơn đáng kể.

Trong tầng hầm của nơi từng là một trang trại nhỏ, một người lính Ukraine đang bận rộn điều chỉnh thiết bị bay không người lái. Người lính có biệt hiệu D.J. nói rằng ông thất vọng vì Mỹ không hành động, cho rằng sự sụp đổ của Avdiivka là do Washington không cung cấp viện trợ.

Avdiivka - "vết sẹo" trong mối quan hệ Mỹ và Ukraine

Tuy nhiên, Avdiivka là loại cuộc chiến mà các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ muốn Ukraine xử lý theo cách khác.

Một cựu chỉ huy Mỹ có quan hệ chặt chẽ với lực lượng vũ trang Ukraine cho biết không có lý do gì để giữ thành phố này lâu như vậy, ngoại trừ việc tiêu diệt thêm quân và thiết bị của Nga.

Các quan chức Mỹ cho biết, ngay cả sau khi rõ ràng rằng các lực lượng của Nga, với quân tiếp viện lớn hơn, sẽ chiếm ưu thế, Ukraine vẫn cố chấp thay vì tiến hành rút quân chiến lược.

Kết quả là, mức độ thất vọng của Mỹ đối với người Ukraine rất cao, đặc biệt là với ông Zelensky và giới lãnh đạo chính trị, theo một quan chức quân sự cấp cao của phương Tây và cựu chỉ huy Mỹ. 

Cuối cùng, sự rút lui hỗn loạn của Ukraine là một sai lầm, NYT dẫn lời một cựu chỉ huy Mỹ. Theo các quan chức phương Tây, hàng trăm binh sĩ Ukraine có thể đã bị các đơn vị Nga đang tiến công bắt giữ.

Sự bất đồng về Avdiivka phản chiếu sự thất vọng của Washington đối với cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và các quan chức Mỹ khác kêu gọi Ukraine tập trung tấn công vào nỗ lực chính dọc theo chiến tuyến dài 600 dặm và gây sức ép để chọc thủng các công sự của Nga ở đó.

Các quan chức Mỹ tin rằng Tướng Zaluzhny đã đồng ý với lời khuyên của Mỹ nhưng ông không thể thuyết phục được tổng thống của mình. Vì vậy, thay vì một cuộc chiến quyết định duy nhất, Kiev đã chia quân, gửi một số về phía đông và một số đến các mặt trận khác, kể cả ở phía nam.

Điều này đã dẫn đến  sự thất bại của cuộc phản công.

Evelyn Farkas, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc về Ukraine và Nga, hiện là giám đốc điều hành của Viện McCain, cho biết: "Phía Mỹ thất vọng vì họ đưa ra lời khuyên quân sự và không có cảm giác như nó được thực hiện. Nhưng người Ukraine không thích bị quản lý".

Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn Ukraine đều không có ý định chấm dứt mối quan hệ liên minh này. Cam kết của họ vẫn vững chắc, vì mỗi bên đều cần bên kia. Cộng đồng tình báo Mỹ vẫn cung cấp một lượng thông tin thời gian thực đáng kể cho quân đội Ukraine về các sở chỉ huy, kho đạn dược và các nút quan trọng khác trong tuyến quân sự của Nga. Lầu Năm Góc vẫn tổ chức các cuộc họp hàng tháng của Nhóm Liên hệ để thúc giục các đối tác của Ukraine cung cấp tiền, vũ khí và đạn dược.

Mỹ muốn Ukraine tấn công cầu Crimea?

Các quan chức Lầu Năm Góc vẫn đang đưa ra lời khuyên về chiến dịch quân sự vào năm 2024.

Ba quan chức quân sự Mỹ trong các cuộc phỏng vấn cho biết Mỹ muốn Ukraine tập trung các cuộc tấn công tầm xa vào việc "đặt Crimea vào tình thế nguy hiểm", một cụm từ được hiểu là tấn công cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại