Có thể gọi vấn đề Kashmir là "Biển Đông của Nam Á" bởi vì sự phức tạp của nó không kém gì vấn đề Biển Đông.
Khu vực Jammu-Kashmir có diện tích khoảng 222.000 km2 bao gồm Thung lũng Kashmir có đa số dân Hồi giáo, vùng Jammu có đa số dân Hindu giáo và khu vực Ladakh có đa số dân Phật giáo.
Năm 1947 khi Ấn Độ và Pakistan được Anh trao trả độc lập, Quốc vương Jammu-Kashmir người Hindu có 3 lựa chọn: theo Pakistan, Ấn Độ hoặc trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, do các cuộc tấn công của các lực lượng Hồi giáo từ Pakistan nhằm xâm chiếm Jammu-Kashmir bằng vũ lực, Quốc vương Jammu-Kashmir đã quyết định ký thỏa thuận gia nhập khu vực này vào Liên bang Ấn Độ.
Ấn Độ lập tức đưa quân vào Jammu-Kashmir, dẫn đến cuộc xung đột quân sự lần thứ nhất giữa Ấn Độ và Pakistan cho đến năm 1949, khi LHQ can thiệp, buộc hai bên chấp dứt xung đột và kiểm soát ngừng bắn trên đường Line of Control (LOC) phân chia khu vực chiếm đóng của hai nước tại Jammu-Kashmir. Ấn Độ kiểm soát 2/3 bao gồm Jammu, Kashmir và khu vực Ladakh, trong khi Pakistan kiểm soát 1/3 bao gồm các khu vực Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan ở phía Tây Kashmir.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, tranh chấp giữa hai nước vẫn không chấm dứt mà thậm chí còn xảy ra xung đột vũ trang qui mô lớn giữa hai bên 3 lần nữa vào các năm 1965, 1971 và 1999.
Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với cả khu vực Jammu-Kashmir. Lập trường của Pakistan là hai bên phải thực hiện Nghị quyết 1172 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 1949 về việc tổ chức trưng cầu dân ý với hy vọng đa số người Hồi giáo tại đây sẽ bỏ phiếu sáp nhập Jammu-Kashmir vào Pakistan.
Trong khi đó, Ấn Độ cho rằng Jammu-Kashmir đã được sáp nhập vào Ấn Độ một cách hợp pháp bởi một thỏa thuận với Quốc vương Jammu-Kashmir năm 1947; Nghị quyết HĐBA 1172 cũng yêu cầu 2 nước đối thoại giải quyết các vấn đề bất đồng. Hơn nữa, Pakistan đã đồng ý giải quyết song phương theo Thỏa thuận Shimla năm 1972.
Tranh chấp khu vực này càng trở nên phức tạp, khi đây cũng là khu vực đã từng có tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc không công nhận đường McMahon phân định ranh giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc do Anh và Tây Tạng ký thỏa thuận giữa trước đây. Do vậy, Trung Quốc không chấp nhận đường McMahon ở phía bắc Aksai Chin thuộc khu vực Ladakh. Năm 1954 Trung Quốc bí mật xây dựng con đường quốc lộ chiến lược Karakoram nối liền Tân Cương với Tây Tạng, trong đó, một đoạn chạy qua vùng Ladakh của Ấn Độ chia cắt 37.000 km2 của khu vực Aksai-chin khỏi Ladakh.
Ấn Độ lập tức phản đối và dẫn đễn cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962, mà kết quả là Trung Quốc vẫn chiếm giữ khu vực Aksai-chin cho đến nay.
Tháng 3/1963, trước sức ép của Trung Quốc, Pakistan đã phải ký Hiệp định nhượng cho Trung Quốc 5.000 km2 lãnh thổ thuộc bang Jammu và Kashmir. Với khu vực này, Trung Quốc và Pakistan có chung biên giới và đây cũng là nơi tuyến đường Karakorum trước đây và Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) của Trung Quốc hiện nay chạy qua.
Cho đến nay Chính phủ Ấn Độ vẫn phản đối Hiệp định trên và không thừa nhận tính pháp lý của nó.
Tranh chấp Jammu-Kashmir như vậy đã tồn tại hơn 70 năm và gần đây lại nổi lên thành điểm nóng, khi Chính phủ Ấn Độ ngày 5/8/2019 quyết định hủy bỏ qui chế tự trị của bang Jammu-Kashmir theo điều khoản 370 Hiến pháp và thành lập 2 vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương là Jammu-Kashmir và Ladakh.
Khi Jammu-Kashmir gia nhập Ấn Độ năm 1947, Chính phủ Ấn Độ bổ sung điều khoản 370 vào Hiến pháp chấp nhận cho Jammu-Kashmir có qui chế tự trị rộng rãi hơn so với các bang khác của Ấn Độ. Nhưng với việc hủy bỏ điều khoản này, bang Jammu-Kashmir cùng với qui chế tự trị đặc biệt của nó không còn nữa, thay vào đó là 2 vùng lãnh thổ độc lập trực thuộc Liên bang, do Chính phủ Liên bang trực tiếp quản lý (Ấn Độ hiện có 7 vùng lãnh thổ như vậy).
Theo tuyên bố của chính phủ Ấn Độ việc hủy bỏ này là vấn đề nội bộ của Ấn Độ nhằm đưa khu vực Jammu-Kashmir hội nhập hoàn toàn vào Liên bang Ấn Độ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị của khu vực này.
Ấn Độ cho rằng quyền tự trị quá rộng rãi của bang Jammu-Kashmir đã bị lạm dụng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của những cộng đồng thiểu số khác tại Jammu-Kashmir, đồng thời cản trở khả năng kiểm soát cũng như những kế hoạch phát triển của trung ương đối với vùng này.
Với đa số là người Hồi giáo, các xu hướng ly khai, đòi độc lập hoặc sáp nhập khu vực này với Pakistan chưa bao giờ chấm dứt kể từ năm 1947. Đặc biệt, kể từ 1989, phong trào ly khai vũ trang bạo động nổi lên, được tiếp sức bởi các nhóm khủng bố có căn cứ tại Pakistan, làm cho tình hình Jammu-Kashmir, càng trở nên mất ổn định và khó kiểm soát.
Sau mọi nỗ lực hòa giải cũng như các biện pháp quân sự nhằm ổn định tình hình không mang lại kết quả, Chính phủ Ấn Độ đã đi đến quyết định phải hủy bỏ qui chế tự trị của bang Jammu-Kashmir.
Về mặt quốc tế, Ấn Độ hủy bỏ qui chế tự trị của Jammu-Kashmir và biến khu vực này thành lãnh thổ trực thuộc liên bang cũng là nhằm khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát đối với khu vực đang còn tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc.
Ấn Độ muốn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế là: Jammu-Kashmir đã chính thức hòa nhập với Ấn Độ, thu hẹp tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc và do vậy không cần can thiệp của quốc tế. Ấn Độ cũng dường như đang chuẩn bị cho lập trường cứng rắn hơn trong đàm phán biên giới vòng 23 với Trung Quốc vào cuối năm nay.
Về mặt chiến lược, Chính phủ Thủ tướng Modi cũng có thể tính toán củng cố chủ quyền ở Jammu-Kashmir nhằm đi trước một bước, đối phó với tình hình quốc tế và khu vực đang xấu đi, nhất là việc Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến hơn trong vấn đề biên giới lãnh thổ.
Ấn Độ cũng chuẩn bị đối phó với tình huống nếu Mỹ kết thúc đàm phán với Taliban và rút quân khỏi Afganistan, các lực lượng khủng bố Hồi giáo sẽ chuyển hoạt động tới khu vục Kashmir.
Việc Ấn Độ hủy bỏ điều khoản 370 Hiến pháp đã khiến Pakistan lập tức lên tiếng phản đối, quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao, triệu hồi Đại sứ tại New Delhi và trục xuất Đại sứ Ấn Độ tại Islamabad, đình chỉ thương mại, đường sắt và cấm chiếu phim Ấn Độ, yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp và dọa sẽ cắt đứt mọi đường hàng không giữa hai nước và đưa vấn đề ra Tòa án công lý quốc tế.
Pakistan cũng đưa quân áp sát đường LOC, tạo ra sự căng thẳng quân sự với Ấn Độ. Pakistan phản ứng dữ dội có thể là do việc Ấn Độ biến khu vực này thành lãnh thổ trực thuộc Liên bang đã làm thu hẹp cơ hội của Pakistan muốn quốc tế hóa để giải quyết vấn đề Jammu-Kashmir.
Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối việc sáp nhập Jammu-Kashmir vào lãnh thổ Ấn Độ, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, không thể chấp nhận, và rằng Trung Quốc ủng hộ Pakistan bảo vệ quyền chính đáng của mình.
Ấn Độ lập tức lên tiếng bác bỏ ý kiến của Trung Quốc và khẳng định đây là vấn đề nội bộ và mong các nước khác cùng tôn trọng. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishanka khi đi thăm Trung Quốc từ 11-13/8/2019 cũng nói việc Ấn Độ bỏ điều 370 không ảnh hưởng gì tới Đường kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Ladakh.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Pakistan vẫn đề nghị họp Hội đồng Bảo an LHQ khẩn cấp.
Cuộc họp kín của HĐBA diễn ra vào ngày 16/8/2019, nhưng không ra được một nghị quyết nào, mà chỉ có một thông báo khuyên hai nước Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và giải quyết song phương trực tiếp các bất đồng.
Đây rõ ràng là một thất bại ngoại giao của Trung Quốc và Pakistan. Hai nước đã không thể thực hiện được ý đồ quốc tế hóa vấn đề Jammu-Kashmir, đồng thời cũng cho thấy sự cô lập của cả hai nước trên trường quốc tế.
Ngược lại, đây là một thắng lợi của Ấn Độ về mặt đối nội cũng như đối ngoại, phản ánh sự tự tin của Thủ tướng Modi khi bước vào nhiệm kỳ 2 và vị thế ngày càng cao của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Nhiều nước như Bangladesh, Maldives, Sri Lanka, Thái Lan đã ủng hộ Ấn Độ, coi việc chuyển đổi qui chế của bang Jammu-Kashmir là vấn đề nội bộ của Ấn Độ. Một số nước khác như Nga, Iran, Malaisia chỉ kêu gọi hai bên kiềm chế, giải quyết song phương. Mỹ cũng ủng hộ Ấn Độ và Pakistan giải quyết song phương, trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị làm trung gian giải quyết tranh chấp giữa hai nước.
Vấn đề Kashmir như trên đã nói liên quan tới tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan và Ấn Độ với Trung Quốc. Đây là những nước có vũ khí hạt nhân mà nếu xảy ra xung đột không được kiểm soát thì để lại những hậu quả khôn lường. Do vậy, đây là vấn đề thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhưng vấn đề nóng lên và được đưa ra Hội đồng Bảo an cũng còn là do ý đồ của Pakistan và Trung Quốc muốn quốc tế hóa, nhằm hạ thấp vị thế của Ấn Độ.
Tuy nhiên, dư luận cũng có thể đặt câu hỏi là hiện nay trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ có vấn đề Kashmir mà còn đang có nhiều điểm nóng khác đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, như vấn đề Biển Đông, tại sao không đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ?
Những hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa Biển Đông, đe dọa lợi ích tự do hàng hải, hàng không, thương mại của tất cả các nước trên thế giới và nhất là những hành động gần đây của Trung Quốc ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình rõ ràng là rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến xung đột, de dọa hòa bình ổn định ở Biển Đông, là vấn đề rất đáng được thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ.