Đánh kiểu “võ chợ”, gã giang hồ trả giá đắt ở trận tỉ thí hi hữu trong làng võ Việt

Tiểu Mã (ghi chép) |

Dù áp đảo hoàn toàn so với đối thủ nhưng rốt cục, võ sĩ Từ Trung Cang lại bị trọng tài xử thua bởi anh vốn quá quen với lối đánh đường phố, hoàn toàn theo bản năng.

Các võ đài đấu võ tự do miền Nam trước năm 1975 từng chứng kiến rất nhiều trận đấu khốc liệt đến nghẹt thở. Bên cạnh những võ sĩ được đào tạo bài bản thì nhiều "tay anh chị", dân giang hồ, du đãng cũng bước lên đài tỉ thí.

Một trong những trận đấu đáng nhớ và cũng hi hữu bậc nhất của giới giang hồ, du đãng trên võ đài trước năm 1975 phải kể tới lần so găng của võ sĩ Từ Trung Cang – nhân vật vốn nổi lên từ một khu ổ chuột ở Sài Gòn. Chúng tôi xin được khắc họa lại về trận đấu này, dựa theo lời kể của võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà).

TRẬN ĐẤU "CHUYỂN THẮNG THÀNH BẠI" HI HỮU CỦA GÃ GIANG HỒ LẦN ĐẦU TIÊN THƯỢNG ĐÀI

Theo võ sư Hồ Tường thì võ sĩ Từ Trung Cang có tên thật là Thêm, vốn là học trò của cố võ sư Hồ Văn Lành, sống ở khu vực Vựa Mía, nơi bị coi là bùn lầy nước đọng, khu ổ chuột trên bờ sông Cầu Ông Lãnh (Sài Gòn).

Là khu ổ chuột nên thành phần bất hảo quanh Vựa Mía cũng nhiều. Anh Thêm (Từ Trung Cang) vốn cũng là một tay anh chị bự ở khu vực Vựa Mía, nhưng nổi tiếng nhờ những lần đối đầu với đám cướp giật vốn rất lộng hành ở Vựa Mía và một số khu vực lân cận. Không ít lần anh Thêm từng bị tụi giựt dọc đánh hội đồng nhưng lần nào anh cũng cho bọn chúng biết mặt nhờ vào sức mạnh của đôi tay và sự gan lì của mình.

Với mục đích học võ để phòng thân nên anh Thêm đã tìm đến thọ giáo, nhận làm đệ tử của võ sư Hồ Văn Lành. Đó là những ngày tháng của năm 1968. Sau một thời gian luyện tập và nhiều lần đi xem đấu võ đài, anh Thêm cũng xin võ sư Hồ Văn Lành cho lên đài tỉ thí để thử sức mình.

Võ sư Hồ Văn Lành lúc đó nói ngay với anh Thêm rằng đánh võ đài không giống như đánh lộn ngoài đời. Trước hết phải đánh đủ 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Sau đó, khi đánh phải tuân theo luật và trọng tài chứ không thể đánh theo bản năng như những cuộc chiến đường phố mà anh từng nhiều lần nếm trải.

Trước nguyện vọng được đấu đài của anh Thêm, võ sư Hồ Văn Lành đồng ý và bắt đầu dạy anh theo chương trình để thi đấu như luyện sức bền, trang bị kiến thức về luật thi đấu, giảng giải về kinh nghiệm đánh đài…

Đánh kiểu “võ chợ”, gã giang hồ trả giá đắt ở trận tỉ thí hi hữu trong làng võ Việt - Ảnh 1.

Võ sĩ Từ Trung Cang (trái) trong một trận thượng đài trước năm 1975 (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).

Chừng 6 tháng sau khi tập luyện, anh Thêm được võ sư Hồ Văn lành cho đi đấu võ đài với biệt danh Từ Trung Cang. Trận đấu đầu tiên của Từ Trung Cang đã làm cho võ sư Hồ Văn Lành và nhiều khán giả lúc đó phải ngỡ ngàng.

Ở trận đấu đó, Từ Trung Cang sử dụng rất tốt cả đòn chân lẫn đòn tay. Tuy nhiên, ngay sau một pha nhập nội, hai bên tung đòn qua lại vào phút cuối của hiệp đầu tiên, thì Từ Trung Cang đã đấm trúng mặt đối phương và đối phương ngã đổ ngay xuống sàn đài.

Trọng tài liền ra dấu cho Từ Trung Cang phải chạy đến góc đài xa nhất, đứng yên để trọng tài đếm. Thế nhưng, Từ Trung Cang thay vì nghe lời trọng tài lại cứ chạy tới chạy lui trên võ đài, mắt dáo dác ngó quanh, khiến cho trọng tài không đếm vì mải ra lệnh cho Từ Trung Cang phải đến đúng góc đài xa nhất. Lúc đó, tiếng kẻng báo hiệu dứt hiệp 1 vang lên.

Từ Trung Cang lúc đó mới chịu bước về phía góc đài có săn sóc viên của võ đường Từ Thiện. Săn sóc viên mới hỏi Từ Trung Cang rằng lúc nãy đánh ngã đối thủ, sao anh không đứng yên ở góc đài mà đi qua đi lại làm gì?

Từ Trung Cang vừa thở, vừa trả lời: "Tao muốn đánh tiếp cho nó gục hẳn luôn!". Lúc đó, săn sóc viên mới nhắc Từ Trung Cang rằng đây là đánh võ đài, chứ không phải đánh lộn ngoài đường rồi dặn anh không được làm như vậy nữa.

Sau quãng nghỉ, trận đấu tiếp tục. Ngay khi mới bắt đầu hiệp 2, Từ Trung Cang đã nhào vô tấn công đối phương. Địch thủ của anh lúc này đã tỉnh táo, ứng phó lại cuộc tấn công. Hai bên thi đấu đôi công khiến trận thượng đài vô cùng sôi động. Bất thần, Từ Trung Cang tung một đòn đạp thẳng vào bụng đối phương, khiến cho hắn té ngồi ngay xuống sàn.

Từ Trung Cang không bỏ lỡ cơ hội, chạy ngay tới tung thêm một ngọn đá vào mặt đối thủ, làm cho hắn ngã ngay ra sàn đài. Từ Trung Cang vẫn tiếp tục lao tới, ngồi trên người đối phương, hai tay đấm xuống túi bụi.

Trọng tài nhảy tới can ra, nắm tay Từ Trung Cang kéo lên, rồi ra dấu báo rằng anh đã phạm luật. Sau đó, trọng tài chỉ Từ Trung Cang chạy ra một góc đài xa đứng chờ. Trong tài đã đếm đến tiếng thứ mười, mặc dù đã ngồi dậy, nhưng địch thủ của Từ Trung Cang đã không chịu đứng lên.

Thế rồi, Từ Trung Cang bị xử thua cuộc còn địch thủ được xử thắng. Bởi vì Từ Trung Cang đã đánh sai luật: đối phương bị té ngồi trên sàn đài mà còn đá bồi, sau đó đối phương bị ngã trên sàn đài, Từ Trung Cang lại tiếp tục đánh.

Đánh kiểu “võ chợ”, gã giang hồ trả giá đắt ở trận tỉ thí hi hữu trong làng võ Việt - Ảnh 2.

Từ Trung Cang tỏ ý phản kháng, nhưng võ sư Hồ Văn Lành đã đến bên võ đài ra lệnh anh chấp hành quyết định của trọng tài. Khi xuống đài rồi, anh em của võ đường đã bu quanh Từ Trung Cang. Người thì khen anh đánh hay quá, nhưng sao lại phạm luật, lỡ tay, lỡ chân làm cho địch thủ nằm vã, khiến cho ban giám định đã phải tuyên bố kết quả theo luật.

Đến lúc đó, Từ Trung Cang mới chợt nhận ra rằng mình vừa đấu võ đài. Từ Trung Cang bước đến trước mặt võ sư Hồ Văn Lành xin lỗi về sự việc đã xảy ra và thừa nhận rằng khi xáp trận, anh đã không còn nhớ gì cả về lời căn dặn của thầy mà chỉ đánh theo bản năng, nghĩa là phải đánh cho đối thủ gục hẳn mới thôi.

Sau thất bại nhớ đời ấy, Từ Trung Cang trở về tập luyện kỹ càng hơn, so găng trong võ đường nhiều lần hơn. Võ sư Hồ Văn lành sau một thời gian đã đưa Từ Trung Cang thượng đài lần nữa và lần đó, Từ Trung Cang lập tức giành một chiến thắng cực kỳ thuyết phục.

NỮ VÕ SĨ CŨNG TRẢ GIÁ ĐẮT VÌ ĐÁNH KIỂU "VÕ CHỢ"

Theo võ sư Hồ Tường thì có một nữ võ sĩ cũng từng "chịu chung số phận" với tay đấm Từ Trung Cang. Người này là Hồ Thanh Lộc (cũng của võ đường Từ Thiện).

Hồ Thanh Lộc vốn là một lái buôn chợ Cầu Muối, nổi tiếng là người thường gây lộn liên miên, chuyên đánh lộn, chửi lộn rất dữ dằn, nhiều người phải sợ. Hồ Thanh Lộc xin theo học võ với võ sư Hồ Văn Lành với mục đích ban đầu là để phòng thân.

Sau quãng thời gian luyện tập cực kỳ chăm chỉ thì Hồ Thanh Lộc cũng xin võ sư Hồ Văn Lành cho đi đấu đài và được chấp thuận.

Ở lần thượng đài lần đầu tiên trong cuộc đời, khi trận đấu bắt đầu diễn ra, Hồ Thanh Lộc đã bị địch thủ tấn công phủ đầu bằng một loại đòn chân kết hợp đòn tay để nhập nội. Hồ Thanh Lộc đã cô gắng chống trả va đẩy lui được đối phương.

Đến lượt Hồ Thanh Lộc tấn công thì bị đối phương phá đòn ngay, rồi phản đòn bằng một cú đá làm cho Lộc bị té văng ra sau, ngồi bệt trên sàn đài.

Hồ Thanh Lộc đứng dậy ngay. Chị vừa thủ bộ, vừa lớn tiếng mắng chửi đối thủ theo cách rất bản năng, giống như thói quen mà chị vốn dùng hằng ngày ở chợ Cầu Muối. Trong tài lập tức ra lệnh trận đấu tạm dừng, nói lời cảnh cáo chị Hồ Thanh Lộc rằng chị đã vi phạm, vì đấu võ đài chỉ được đấm đá chứ không được chửi mắng, xúc phạm đối thủ.

Đánh kiểu “võ chợ”, gã giang hồ trả giá đắt ở trận tỉ thí hi hữu trong làng võ Việt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa về trận đấu của Hồ Thanh Lộc.

Hiệp một qua đi, hiệp hai bắt đầu thì đối thủ của Hồ Thanh Lộc đã nhào tới tấn công dồn dập. Hồ Thanh Lộc cũng ra sức chống đỡ, nhưng chị đã bị dính một đòn đấm rồi té ngả ngửa trên sàn đài. Hồ Thanh Lộc chống tay ngồi dậy ngay, chạy thẳng vào để đánh trả, nhưng lại bị đối phương đánh bật ra lần nữa. Lần này, chị không bị té mà chỉ bị đính nhiều đòn vô mặt, thế là chị Hồ Thanh Lộc lại lớn tiếng mắng chửi đối phương, khiến cho cả võ đài cười rần lên.

Trọng tài lập tức dừng ngay trận đấu rồi trao đổi với ban giám định. Sau đó, trọng tài tuyên bố Hồ Thanh Lộc thua cuộc vì phạm luật.

Kỳ đó, khi xuống đài xong, Hồ Thanh Lộc mới xin lỗi đối thủ và thầy của mình, đồng thời thừa nhận rằng chị hành xử hoàn toàn theo bản năng và quên mất rằng đây là một cuộc đấu đài. Hồ Thanh Lộc còn thề rằng sẽ không bao giờ tái phạm sai lầm tương tự. Quả nhiên như vậy, lần sau chị Hồ Thanh Lộc đã thắng trận vẻ vang.

"Qua hai nhân vật Từ Trung Cang và Hồ Thanh Lộc có thể thấy rằng trước năm 1975, giới du đãng hay một số tay anh chị cũng từng lên đấu võ đài. Trong vài trường hợp, họ quên hết luật lệ mà đánh theo lối "võ chợ". Tuy nhiên, cũng từ những thất bại ấy, họ dần đúc rút được kinh nghiệm và đánh theo tinh thần thượng võ ở những lần thượng đài sau đó, trở thành những võ sĩ thực thụ" – võ sư Hồ Tường nói.

(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư, tiến sĩ Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại