Thất bại công nghệ hàng đầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

ĐĂNG SƠN |

Từ trước khi chính thức trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, cắt đứt đường Trường Sơn là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc.

Khi cuộc chiến lên đến đỉnh điểm, nỗ lực này trở thành dự án công nghệ tham vọng nhất, quy tụ những công nghệ tối tân nhất của Mỹ thời bấy giờ. Tuy nhiên, kỳ vọng của giới chức Mỹ đã biến thành thất vọng, kỳ quan công nghệ này trở thành một trong những thất bại tốn kém nhất của Mỹ trong cuộc chiến.

Sự ra đời của “hàng rào điện tử”

Tháng 6-1961, tướng Maxwell Taylor, một trong những người soạn thảo kế hoạch Staley-Taylor, cùng với Edward Lansdale, Phó giám đốc Phòng Tác chiến đặc biệt của Lầu Năm Góc, đưa ra hai phương án triệt tiêu “nguồn sống” của Cách mạng miền Nam Việt Nam.

Một là dùng không quân đánh phá cơ sở hạ tầng miền Bắc; cách còn lại là thiết lập phòng tuyến để ngăn chặn dòng tiếp viện hậu cần vào miền Nam.

Lựa chọn phương án ném bom, tháng 3-1965, Washington khởi động chiến dịch “Rolling Thunder” (Sấm rền). Nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, chiến dịch bị chính Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara chỉ trích do không đạt hiệu quả. Đến tháng 1-1966, theo Mỹ, chỉ còn phương án xây dựng phòng tuyến hòng cắt đứt đường Trường Sơn là triển vọng nhất.

Do vậy, đã nảy sinh đề xuất ý tưởng về “hàng rào vật lý” gồm 17 căn cứ, nơi quân đội Mỹ có thể từ đó tấn công tuyến đường.

Các căn cứ này được hỗ trợ bởi “hàng rào điện tử”, có thể phát hiện và theo dõi theo thời gian thực, từ đó giúp không quân đánh phá một cách chính xác mọi vận động trên tuyến đường. Đến đầu năm 1967, cụm căn cứ trên bộ với trung tâm đặt tại Khe Sanh được hoàn thiện.

Nhiệm vụ thiết kế “hàng rào điện tử” được giao cho “Đơn vị Jason”, một hội đồng trực thuộc Cơ quan chỉ đạo các dự án tiên tiến (ARPA), gồm các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ thời điểm đó. Tháng 8-1966, Lầu Năm Góc chấp thuận kế hoạch do đơn vị Jason soạn thảo.

“Hàng rào điện tử” bao gồm hàng nghìn thiết bị phát hiện hoạt động của con người và xe cơ giới thông qua địa chấn, âm thanh, từ trường và cả mùi.

Các cảm biến có hình dạng giống như thực vật nhằm ngụy trang nên có biệt danh “cây nhiệt đới”, được thả từ máy bay xuống các khu vực nghi có đường hành quân của đối phương, trên một khu vực dài 100km, rộng 10-20km từ cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đến phía nam nước Lào.

Để tăng cường hiệu quả phát hiện của “cây nhiệt đới”, không quân Mỹ rải xuống khu vực hàng triệu quả mìn, từ nhỏ như viên thuốc để tạo tiếng động báo hiệu, đến đủ mạnh để gây thương tật vĩnh viễn cho người vướng phải.

Mỗi giai đoạn của chương trình mang nhiều tên gọi nhằm bảo đảm bí mật, nhưng nổi tiếng nhất là tên “Igloo White” (Lều tuyết trắng). “Mắt thần” của mạng lưới là một tòa nhà rộng 19.000m2, đặt tại căn cứ không quân Nakhon Phanom, đông bắc Thái Lan, là công trình quân sự lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó.

Các máy bay tác chiến điện tử EC-121R liên tục túc trực trên không phận quanh vĩ tuyến 17, có nhiệm vụ thu thập tín hiệu từ các cảm biến, khuếch đại và truyền về trụ sở. Tại “mắt thần”, đơn vị Jason cùng hàng trăm chuyên gia phân tích và điều khiển các phi vụ ném bom trên những máy tính hiện đại nhất thời bấy giờ.

Thất bại của “cuộc chiến từ xa”

Với sở chỉ huy nằm cách chiến trường hàng trăm cây số, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, “hàng rào điện tử” được giới chức Mỹ kỳ vọng sẽ biến cuộc chiến trên đường Trường Sơn thành “cuộc chiến từ xa”, nơi quân đội Mỹ chiếm thế thượng phong mà không cần binh lính xông pha trong lửa đạn.

Tướng Mỹ William Westmoreland nhiệt tình ủng hộ chương trình. Ông ta nói: “Tôi thấy một chiến trường được theo dõi liên tục 24 giờ bằng nhiều phương thức. Một chiến trường mà ở đó chúng ta có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào nhờ liên lạc thông suốt và hỏa lực mạnh”.

Nhưng trên thực tế, chương trình bộc lộ nhiều vấn đề ngay từ lúc triển khai. Do thả từ máy bay, một số lượng lớn cảm biến bị hỏng khi chạm đất. Số hoạt động được gặp nhiều trục trặc trong khí hậu khắc nghiệt, dễ bị đánh lừa và phải thay thế thường xuyên.

Chi phí cho mỗi “cây nhiệt đới” lên tới 2.000 USD (tương đương hơn 14.000 USD ngày nay). Toàn bộ dự án tiêu tốn gần 1 tỷ USD mỗi năm (7,6 tỷ USD ngày nay) để duy trì hoạt động, là chương trình đắt đỏ nhất trong lịch sử quân sự Mỹ khi đó.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, sự sụp đổ của căn cứ Khe Sanh đánh dấu việc cụm cứ điểm trên bộ thất bại trong việc cắt đứt đường Trường Sơn. Nhưng do không còn phương án nào khác, Lầu Năm Góc phải duy trì “hàng rào điện tử”, tuyên bố rằng chương trình vẫn đạt hiệu quả trong việc “cầm chân” tuyến hậu cần của đối phương.

Dù phải hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn trong suốt thời gian tồn tại, đường Trường Sơn vẫn phát triển thành một mạng lưới dài tổng cộng gần 20.000km, đưa hơn một triệu tấn vật tư, hàng trăm nghìn bộ đội vào miền Nam.

Trong khi đó, Mỹ không những không đạt được mục đích chiến lược, mà còn hứng chịu nhiều tổn thất do Quân đội nhân dân Việt Nam tìm ra cách khắc chế hệ thống cảm biến và bố trí hỏa lực phòng không ngày càng dày đặc.

Để giữ thể diện, không quân Mỹ tuyên bố “hàng rào điện tử” đã giúp phát hiện và tiêu diệt hơn 35.000 xe tải của đối phương!

Thế nhưng báo cáo của Thượng viện Mỹ lại khẳng định con số mà quân đội Mỹ đưa ra “cao hơn rất nhiều so với số xe tải trên toàn lãnh thổ Bắc Việt”. Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) ước tính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ sở hữu toàn bộ khoảng 6.000 xe!

Chương trình tồn tại như một “hố đen” hút ngân sách quốc phòng Mỹ một thời gian dài kể cả sau khi “người đỡ đầu” là Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara từ chức vào tháng 2-1968. “Hàng rào điện tử McNamara” chính thức ngừng hoạt động sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại