Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300) là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu nội của Trần Thái Tổ, gọi vua Trần Thái Tông là chú. Ông có dung mạo khôi ngô, thông minh tài trí, được rèn dạy từ khi còn rất nhỏ nên văn võ hơn người, lúc chưa tròn 30 tuổi đã là võ tướng hàng đầu của triều đình.
Sau những tranh chấp trong dòng tộc nhà Trần mà Trần Liễu thù oán Thái Tông đến hết đời. Trước lúc lâm chung, Trần Liễu dặn dò Quốc Tuấn: "Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Nhưng Trần Quốc Tuấn là vị tướng đầy trách nhiệm với vận nước, một bề tôi trung nghĩa với nhà Trần nên ông gạt bỏ tư thù, chuyên tâm củng cố nội lực, nhất là quân lực, của Đại Việt để đề phòng sự dòm ngó của giặc phương Bắc.
Quả nhiên Trần Hưng Đạo đã cầm quân đánh thắng ba cuộc xâm lược của Nguyên Mông, diễn ra từ năm 1257 đến năm 1288. Đây là một trong những chiến công vĩ đại nhất lịch sử quân sự thế giới, đưa tên tuổi Hưng Đạo Vương vào danh sách những Đại tướng lẫy lừng của mọi thời đại trên toàn cầu. Sử Việt chép rằng Trần Quốc Tuấn trong 30 năm làm tướng đã trực tiếp huấn luyện binh sĩ và ra trận. Chủ trương của Trần Hưng Đạo từ thế kỷ 13 đã rất tiến bộ mà phương ngôn của ông lúc sinh thời vẫn còn mãi với non sông, đó là "Binh quí hồ tinh bất quí hồ đa", nghĩa là quân đội cần tinh nhuệ chứ không nhất thiết phải đạt số lượng đông đảo.
Trong lần thứ 2 và thứ 3 kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo được vua phong làm Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh chư quân. Ông vững tin ra đánh giặc, và lan tỏa niềm tin ấy đến với mọi con người Đại Việt: từ binh sĩ, tướng lĩnh, đến Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông. Trần Hưng Đạo còn biết tận dụng mọi nguồn nhân lực, vật lực trong chiến tranh vệ quốc. Tài năng lớn lao và lòng tận trung báo quốc cao cả của những người gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô… mãi ngời sáng trong sử Việt, chẳng thua kém gì các tướng lĩnh quý tộc họ Trần. Các diệu kế như "vườn không nhà trống", thủ thành Thăng Long kết hợp du kích quấy rối hậu cứ trong đêm, đặc biệt là "cọc nhọn Bạch Đằng" đều in sâu trong tâm trí của từng người con đất Việt ngày nay – bất kể người ấy có đọc Binh Thư Yếu Lược hay chưa.
Cần phải nhắc lại rằng hồi thế kỷ 13, đế chế Nguyên Mông hùng mạnh trải dài từ Á sang Âu, là đế chế có diện tích lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng họ đã bị khuất phục hoàn toàn, cả 3 lần, bởi một Đại Việt tuy nhỏ bé nhưng đoàn kết toàn diện của nhà Trần với danh tướng Trần Hưng Đạo kiêu dũng.
Ngoài chiến công hiển hách nơi trận mạc, Trần Hưng Đạo còn là nhà lập thuyết xuất chúng mà cả giới binh gia lẫn sử gia đều tôn vinh ngưỡng vọng. Ông là bậc khai sáng của nền khoa học quân sự nước nhà. Hưng Đạo Vương học sâu hiểu rộng, nghiên cứu tất cả binh thư của các bậc tiền nhân Đại Việt, Trung Hoa, Chiêm Thành… đặc biệt trong đó có cuốn Dụng Binh Yếu Chỉ rồi soạn ra hai pho sách quý: "Binh Thư Yếu Lược" – nguyên tác Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược; "Vạn Kiếp tông bí truyền thư": đã thất truyền, chỉ biết gồm có 9 trận pháp, biến hóa chín lần chín là 81 thế trận.
Trước thời ông thì mọi tướng lĩnh của các triều đại nước Việt ta đều phải đọc các bộ binh thư của Trung Hoa. Những bộ binh pháp như Tôn – Ngô hay Lục Thao Tam Lược đều chứa đựng nhiều cao kiến xuất sắc, nhưng chưa phù hợp với địa hình, khí hậu, và dân tộc tính của người Việt trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. "Binh Thư Yếu Lược" khai sinh ra một nền khoa học quân sự thuần Việt, đậm nét nghệ thuật và khoa học cầm quân mang bản sắc dân tộc.
Khi đề ra hình mẫu của người làm Tướng, Trần Quốc Tuấn phát xuất từ tư tưởng nhân nghĩa. Lòng trắc ẩn, tình yêu thương theo ông mới đúng là mục đích cao cả nhất của đời binh nghiệp, dù là binh sĩ hay đại tướng đều phải thấu suốt cái chính nghĩa này. Binh pháp của Hưng Đạo Vương chép rằng:
"Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến sự quân chúng oán ghét, tướng ấy chỉ huy mười người. Tướng mà sớm dậy khuya nằm, lời lẽ kín đáo, tướng ấy chỉ huy được trăm người. Tướng thẳng mà biết lo, mạnh mà giỏi đánh đó là tướng chỉ huy được nghìn người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà gần người, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, thành thực rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được mười vạn người.
Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ không ai địch nổi".
Tư tưởng này của ông cho thấy tầm vóc lớn lao không những của một quân sự gia mà còn là chính trị gia lão luyện. Ấy là cái tài kinh bang tế thế của Hưng Đạo Vương. Thế nên người dân Việt tôn sùng ông gọi là Đức Thánh Trần.
Cũng không thể không nhắc đến một trước tác nữa của ông là bài "Hịch Tướng Sĩ" – một trong những áng thiên cổ hùng văn của dân tộc. Có sử gia cho rằng chỉ cần thảo ra Hịch Tướng Sĩ thôi thì tên tuổi của Trần Hưng Đạo đã trường tồn với núi sông. Chưa kể rằng ông còn là tác giả của Binh Thư Yếu Lược. Chưa kể rằng việc cầm bút chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp vĩ đại của ông. Chí lý vô cùng.
Năm 1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước lúc lâm chung vẫn còn dâng vua Trần Anh Tôn kế sách giữ nước, rằng: "Quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: Nếu thấy quân giặc tràn sang như gió như lửa, thì thế giặc có thể dễ dàng chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì ta phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ tùy thời cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh sĩ, như cha con một nhà mới có thể dùng để chiến thắng được. Phải khoan thư sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Sách lược của Hưng Đạo Vương có nghĩa là (i) quân đội đoàn kết như một gia đình chung huyết thống, và (ii) triều đình giảm nhẹ gánh nặng cho dân, tạo nên tiềm lực lớn lao sẵn sàng có thể tận dụng trong dài hạn khi hữu sự. Lời ấy đến ngày nay vẫn hoàn toàn xác đáng. Thực vậy, trong "Binh Thư Yếu Lược" đã nêu tầm quan trọng của sự yêu thương đoàn kết trong hài hòa vật chất và đồng thuận tinh thần mà Trần Hưng Đạo dùng chữ Hòa mục, cụ thể: "Hòa mục có công hiệu rất lớn cho cuộc trị an. Hòa ở trong nước thì ít dụng binh; hòa ở ngoài biên thì không sợ có báo động; bất đắc dĩ mới phải phạt kẻ làm xằng. Vua tôi hòa mục thì dùng được người tài; các tướng văn tướng võ hòa mục thì làm nên công nghiệp. Tướng sĩ hòa mục khi được ban thưởng sẽ nhường nhịn nhau, nguy nan sẽ cứu nhau. Đó, hòa mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh, không bao giờ đổi được".
Binh Thư Yếu Lược của Trần Quốc Tuấn đến đầu thế kỷ XIX đã được nghiên cứu bởi một (hoặc một nhóm) học giả Nho gia am tường lịch sử quân sự. Rồi tác giả vô danh này điều chỉnh và bổ sung nhiều cho quyển Binh thư cổ. Hẳn là người ấy đã đọc nhiều binh thư của Trung Hoa, đọc cả Hổ Trướng Khu Cơ của Đào Duy Từ, rồi trên cơ sở kiến thức về quân sự của mình mà viết thành phần Tu Chỉnh Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương.
"Binh Thư Yếu Lược" thuộc binh pháp số 10 và số 11 trong 12 binh pháp của cuốn sách "Thập Nhị Binh Thư" được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".
(Đón đọc kỳ sau: Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ Trướng Khu Cơ.)