Theo số liệu do tờ The Paper (Trung Quốc) đưa ra, kể từ đầu năm nay, số lượng vé bán ra tại các danh lam thắng cảnh liên quan đến đền chùa đã tăng 310% so với cùng kỳ năm ngoái; trong số những người đã mua vé từ tháng 2, những người sinh sau năm 1990 và sau 2000 chiếm gần 50%. Từ ngày 1/1 đến 16/3, số lượng tìm kiếm về từ khóa "đền chùa" cũng như những từ khóa có liên quan đã tăng nhanh, với mức tăng lần lượt là 586,81% và 351,06%. Và trong số những người tìm kiếm bằng từ khóa này, những người trẻ trong độ tuổi 18-30 vốn chiếm chưa đến 1/3 trước đây đã tăng lên 44,9%.
Để giảm áp lực, hãy chọn cách đi lễ chùa
Trong quá khứ, ấn tượng về các ngôi chùa là những người lớn tuổi, các bà, các mẹ thích lên chùa lễ Phật, hoặc để cầu cho con cháu đạt điểm cao trong kỳ thi, hoặc để cầu sức khỏe và bình an cho gia đình. Thật bất ngờ, bây giờ, người đi lễ chùa đa phần là người trẻ.
Theo tài khoản "Bình luận hôm nay" có 44.000 lượt thích trên trang Baidu (Trung Quốc), nếu bạn muốn nhận được một lời đề nghị về công việc, hãy đi chùa Phật Nằm (Bắc Kinh), vì "Phật nằm" trong tiếng Trung là "wofo" gần giống với từ "offer" có nghĩa là "lời đề nghị" trong tiếng Anh. Thi tuyển sau đại học, thì đi chùa Linh Ẩn (Hàng Châu), vì trong chùa có thờ Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại. Muốn sự nghiệp thành công, hãy đến Ung Hòa Cung (chùa Lạt Ma, ở Bắc Kinh), vì Ung Chính phải tranh giành với 9 người anh em để trở thành người kế vị ngai vàng của nhà Thanh. Tóm lại, muốn gì thì đều có trong đền chùa.
Tài khoản "Bình luận hôm nay" nhận định, câu nói "Thắp ba nén hương, ước chục triệu" đã bóc trần lý do đơn giản nhất khiến giới trẻ ham đi lễ chùa: Giữa việc đi làm và tiến bộ, những người trẻ tuổi chọn đi chùa. Người xưa có câu "cầu người không bằng cầu mình", nay đã trở thành "cầu Phật hơn cầu mình".
Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, chùa Kê Minh ở Nam Kinh, chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh, chùa Hương Tích ở Tây An và chùa Pháp Hỉ ở Hàng Châu là năm ngôi chùa cổ rất được giới trẻ Trung Quốc sùng bái, lên chùa dâng hương bất kể ngày đêm.
Ung Hòa Cung (chùa Lạt Ma) ở Bắc Kinh là một trong những ngôi chùa cổ rất được giới trẻ Trung Quốc sùng bái. Ảnh: Xiaohongshu
Giới trẻ đang cầu xin Thần, Phật điều gì?
Tài khoản "Bình luận hôm nay" nhận định, "quỳ sát đất trước tượng Thần tài, bỏ qua cây tình duyên", có lẽ đó là hình ảnh miêu tả chân thực nhất về những người trẻ tuổi Trung Quốc đương thời nỗ lực theo đuổi tiền tài, sự nghiệp.
Theo thống kê của trang tin 163 (Trung Quốc), trong số 468 vòng tay cầu nguyện được bán ra trong chùa Lạt Ma, 47% là các lời cầu nguyện "giàu có như ý" - những người trẻ đương đại tại Trung Quốc quan tâm nhất đến việc được Thần tài chú ý, chứ không phải gặp được "ý trung nhân" của mình.
Thậm chí, theo tờ The Paper, các ngôi chùa vật lý đã không còn đáp ứng nổi nhu cầu của các tín đồ. Vào mỗi mùa thi, mạng xã hội lại tràn ngập một số lượng lớn các tấm biển điện tử của chùa Linh Ẩn và vô số các tín đồ cả nam lẫn nữ để lại lời cầu nguyện trực tuyến. Trong một đoạn video ngắn 12 giây, có tới 5.000 người đang cầu nguyện.
"Quỳ sát đất trước tượng Thần tài, bỏ qua cây tình duyên", có lẽ đó là hình ảnh miêu tả chân thực nhất về những người trẻ tuổi Trung Quốc đương thời nỗ lực theo đuổi tiền tài, sự nghiệp. Ảnh: Xiaohongshu
Trào lưu "lên chùa dâng hương" cho thấy điều gì?
Tờ The Paper nhận định rằng, mặc dù việc dâng hương lễ Phật từng bị coi là mê tín, nay bỗng trở thành phương pháp giải tỏa áp lực phổ biến nhất của giới trẻ đương đại, nhưng lại khiến người ta cảm nhận sự thiếu niềm tin của một bộ phận giới trẻ hiện nay, tâm lý tìm kiếm sự an ủi từ hư vô thay vì nhìn thẳng vào thực tế.
Theo tờ The Paper, ngay cả khi chia tay người yêu sau khi đi chùa, những người trẻ tuổi không nghĩ rằng đó là do hai người không phù hợp, mà lại nghĩ Thần, Phật đang nhắc nhở rằng "đây không phải là người tốt", và chỉ tin một điều chắc chắn là "trên đời chỉ có Bồ tát và tiền là không dối người". Từ góc độ này, ít nhất nó cũng cho thấy giá trị quan, nhân sinh quan, thế giới quan của một số bạn trẻ đã lệch lạc.
Mặc dù vậy, theo tài khoản "Bình luận hôm nay", cũng không thể phủ nhận một điều, ngoài việc dâng hương lễ Phật, chùa chiền còn là một nơi rất đẹp để du lịch và chụp ảnh. Hầu hết các ngôi chùa đều được xây dựng gần núi, du khách không chỉ được cầu phúc mà còn được tham quan sông núi, hòa mình vào thiên nhiên. Và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội thì vốn cũng là một sở thích hàng đầu của giới trẻ.