Cùng loạt tổ chức quốc tế khác, TQ đẩy nhanh chiến dịch tăng cường LHQ bài bản một cách thành thục. Nếu chính quyền Trump đẩy mạnh rút dần khỏi LHQ và các tổ chức đa phương, TQ tấn tới càng tợn. Nếu Mỹ vẫn nợ LHQ hơn tỷ USD, TQ luôn nộp tiền cho LHQ đúng hạn và đầy đủ.
TQ trở thành nhà rót tiền vào LHQ nhiều hơn Nhật Bản và chỉ đứng sau Mỹ. Ngay cả các quỹ tình nguyện, họ cũng chi tiền bên cạnh hai quỹ quan trọng khác với hàng chục triệu USD mỗi năm. Một quỹ về phát triển bền vững ủng hộ Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) và được một người TQ chỉ đạo hơn thập kỷ. Quỹ kia trực thuộc văn phòng tổng thư ký LHQ nhận 10 triệu USD/năm và một người TQ được bổ nhiệm giám sát quỹ này.
Khi số công dân Mỹ phục vụ tại LHQ ít hơn công dân TQ, Bắc Kinh giành được không ít lợi thế. Năm 2018, Mỹ có 460 công dân đến LHQ thực tập thì TQ có 612, nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Hè 2019, họ qua mặt Mỹ trong cuộc bầu cử vào vị trí lãnh đạo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp (FAO).
Cũng năm 2019, lãnh đạo LHQ bỏ ngoài tai phản đối của Mỹ để bổ nhiệm một công dân TQ đứng đầu nhóm đặc phái viên thực địa giám sát vùng Hồ Lớn ở châu Phi. Nơi đây lưu trữ 25% tổng lượng nước ngọt bề mặt toàn cầu trừ vùng đóng băng.
Bất chấp bị Mỹ dán nhãn thủ phạm gây đại dịch cúm lịch sử COVID-19, TQ vẫn có cơ hội dù chớp nhoáng để đánh bóng hình ảnh của mình. Liên minh của họ tại LHQ ngày càng mở rộng. Nói riêng về 54 phiếu của châu lục đen trong LHQ, đầu tư của TQ ở 54 nước châu Phi ấy vượt Mỹ từ năm 2014.
Bruce Jones, giám đốc dự án chiến lược và trật tự quốc tế thuộc Viện Brookings, lưu ý tất cả các nước nhận viện trợ “đều nhận ra họ sẽ tổn thất nếu chống lại TQ”. Nhà phân tích Michel Duclos của Pháp cảnh báo TQ đang phát động cuộc phản công trên bình diện quốc tế.
Chiến dịch tấn công ngoại giao công chúng mạnh mẽ và bài bản có thể là xúc tác để TQ qua mặt quốc tế tại các vùng tranh chấp lãnh thổ với họ. Thực tình mà nói, chính sách gây cảm tình của TQ thực hiện ở chỗ này thường báo hiệu hành động ngang ngược của họ ở chỗ khác.