Khi các kỹ sư của Toyota nghiên cứu từng chân tơ kẽ tóc của mẫu Tesla Model Y, họ đã làm được nhiều điều hơn là chỉ đơn thuần phô bày bí mật công nghệ cốt lõi trên mẫu SUV điện "Made in USA". Việc làm này cũng cho thấy gã khổng lồ ngành xe Nhật Bản đã thức tỉnh sau giấc ngủ chiến thắng.
Những gì nằm dưới lớp vỏ kim loại của Tesla Model Y là một khối cấu trúc tinh giản và rất tối ưu nhờ công nghệ sản xuất bậc thầy, đủ khiến bất kỳ thành viên nào của hội bảo thủ phải ganh tị.
Một giám đốc của Toyota, người đã soi xét kỹ từng bộ phận của chiếc Tesla, đã phải thốt lên ngạc nhiên với những thứ bên trong Tesla Model Y: "Tháo bỏ lớp vỏ của Model Y, [những gì nằm dưới] đúng là một tác phẩm nghệ thuật. [...] Thật không thể tin nổi".
Toyota đã nghiên cứu từng chân tơ kẽ tóc của Tesla Model Y.
Tesla vs. Toyota: Ông lớn Nhật lo lắng điều gì?
Toyota đã tổng kết lại những gì hãng cần làm để bắt kịp cách làm xe điện của Tesla.
- Nền tảng xe điện chuyên biệt
Tesla: Có
Toyota: Đang phát triển. Nền tảng chuyên biệt dành cho xe điện dự kiến hoàn thành khoảng năm 2026.
- Pin xe điện cao cấp
Tesla: Có
Toyota: Sắp có. Toyota cũng nhận thấy rằng giá thành là một trở ngại, nhưng hãng chờ đột phá trong công nghệ pin thể rắn, sẽ tới vào khoảng cuối thập niên 2020.
- Nơi sản xuất xe điện chuyên biệt
Tesla: Toàn bộ khu vực sản xuất đều chỉ dành cho xe điện
Toyota: Không có dây chuyền sản xuất xe điện chuyên biệt. Mẫu xe thuần điện duy nhất của Toyota là bZ4X đang được sản xuất cùng dây chuyền với các mẫu xe lai điện và xe dùng năng lượng hydro.
- Nền tảng thuần công nghệ
Tesla: Có, và luôn làm khách hàng ngạc nhiên với những bản cập nhật từ xa
Toyota: Không hẳn. Một vài mẫu xe Toyota đã có cập nhật từ xa, nhưng một nền tảng mà công nghệ có thể can thiệp sâu thì phải tới giữa thập niên 2020.
Nhưng lời khen có phần gượng ép kia đến từ một hiện thực rằng Toyota, tập đoàn xe lớn nhất thế giới, từng là người tiên phong điện hóa với mẫu xe lai điện Toyota Prius từ năm 1997, đang cần một bước đột phá trong thời đại của xe thuần điện. Giờ đây, Toyota đã sẵn sàng cho bước nhảy đó với tư duy "ưu tiên xe điện" găm trong mọi hành động.
Không dừng lại ở lời nói, CEO mới của Toyota, ông Koji Sato, và đội ngũ quản lý của mình đang nỗ lực để tạo lập một nền tảng xe mới, hoàn toàn dành cho xe điện, sẽ hoàn thiện vào năm 2026.
Bài học từ Tesla
Cấu trúc khung của Tesla Model 3 (trái) và Tesla Model Y (phải).
Từ việc lột bỏ lớp vỏ của Model Y, các kỹ sư của Toyota đã thấy rằng những phiên bản mới đây của Tesla Model Y giống y đúc ở bên ngoài, nhưng bên trong thì khác nhau thấy rõ. Nếu như Henry Ford nghĩ ra dây chuyền sản xuất để tăng thời gian sản xuất của một chiếc xe và tạo ra một bước đột phá trong sản xuất ô tô, thì một ứng dụng của Tesla đã tiệm cận tới một "bước ngoặt", đó là Giga Press.
Tesla đã sử dụng một máy đúc khổng lồ, thay vì hàn các chi tiết kim loại vào tạo thành một bộ khung xe, thì Tesla có thể đúc kim loại, tạo thành một chi tiết đơn nhất, giúp cắt giảm mọi thứ, từ thời gian sản xuất, số lượng robot tham gia, quy trình sản xuất, số lượng chi tiết, chi phí...
Ngoài ra, Tesla cũng sử dụng pack pin làm sàn xe, thay vi cố gắng nhét pin vào các khoảng hở giữa khung sàn xe; theo ước tính của một kỹ sư Toyota, cách làm này giúp chiếc xe giảm khoảng 100kg, tăng dung lượng pin (đồng nghĩa tăng quãng đường di chuyển) và giảm chi phí sản xuất.
Một vị giám đốc của Toyota cảm thán: "Đây là một triết lý sản xuất hoàn toàn khác biệt".
Cuộc chiến pin xe điện
Bộ phận đơn lẻ có giá thành cao nhất và cũng quan trọng bậc nhất của một chiếc xe điện: Pin.
Mặc dù không phải một đơn vị chuyên nghiên cứu và sản xuất pin, nhưng BYD lại có cho mình loại pin có tính cạnh tranh lớn nhất thị trường. BYD cũng sẽ là đơn vị cung cấp pin cho mẫu Toyota bZ3. Pin cho mẫu xe này, đủ cho chiếc xe đi gần 600km, cũng đã được thiết kế riêng, nhưng tự Toyota cảm thấy chưa đủ tiêu chuẩn.
Một vị giám đốc của Toyota cho biết: "Chúng tôi sẽ không thể ngay lập tức cạnh tranh được về pin hay quy trình sản xuất với các đơn vị như BYD hay Tesla. [...] Nếu BYD thử pin của họ với vòng đời 100.000km thì chúng tôi sẽ thử nghiệm pin do chúng tôi sản xuất với vòng đời 200.000km".
Sản xuất xe theo kiểu cũ
Toyota bZ4X được sản xuất trên nền tảng e-TNGA.
Mẫu xe điện duy nhất của Toyota, mẫu bZ4X, được sản xuất dựa trên nền tảng e-TNGA. Nền tảng này bắt nguồn từ nền tảng TNGA vốn dành cho xe sử dụng động cơ đốt trong. Để phù hợp với xe điện, e-TNGA cần phải được hàn thêm nhiều chi tiết, thiết kế thêm nhiều gá hay lỗ vít. Nếu học được cách sản xuất của Tesla, Toyota có thể sẽ chỉ cần một bộ khuôn đúc là đủ.
Nhưng ở hiện tại, Toyota mới chỉ vừa áp dụng nền tảng TNGA một vài năm. Mọi máy móc, công cụ đều có thể được gọi là mới, và vẫn đang được trang bị, sử dụng tại mọi nhà máy của Toyota trên toàn thế giới.
Những công cụ sản xuất này của Toyota đều được sinh ra để sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong, xe lai điện, và cả xe sử dụng nền tảng e-TNGA. Câu hỏi giờ đây sẽ là Toyota có thể tận dụng được những gì từ những công cụ này cho nền tảng mới dành riêng cho xe điện?