Tháo "ngòi nổ" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Hoàng Tuấn |

Những tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn “đình chiến” 90 ngày cho thấy hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 1-3 tới.

Tiến triển lạc quan của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rõ rệt tới mức đích thân Tổng thống Donald Trump ngày 23-1 đã khẳng định, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “đang diễn ra tốt đẹp”. Đánh giá tích cực này được ông Donald Trump nói trong phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng khi cho biết, Mỹ đang làm rất tốt trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và Bắc Kinh “rất muốn có một thỏa thuận” chấm dứt cuộc chiến thương mại với Washington.

Trả lời phỏng vấn cùng ngày 23-1 trên Kênh truyền hình CNN, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cũng tỏ ra phấn chấn như ông chủ Nhà Trắng với tuyên bố Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót ngày 1-3 tới. Theo ông Kevin Hassett, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang tiến triển, do đó việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận hoàn toàn có thể xảy ra.

Những đánh giá đầy lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở ra hy vọng ngày càng lớn về việc tháo “ngòi nổ” của cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa hai quốc gia.

Cuộc chiến tranh này đã nhen nhóm ngay từ khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền và lên tới đỉnh điểm với tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng về việc Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Cho dù Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 1-12-2018 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Argentina nhất trí cùng “đình chiến thương mại” trong 90 ngày, song căng thẳng và những đòn trả đũa thương mại nhằm vào tổng lượng hàng hóa hiện đã lên tới hơn 360 tỷ USD của hai bên khiến cả hai nền kinh tế này cùng ngấm đòn. Trung Quốc xem ra chịu nhiều tác động tiêu cực hơn, nhưng với Mỹ cũng chẳng phải là nhẹ nhàng gì.

Bất chấp những nỗ lực trong suốt năm 2018 nhằm tái cấu trúc để phát triển theo hướng bền vững hơn, kinh tế Trung Quốc năm qua đã “in hằn” tác động tiêu cực từ tranh chấp thương mại với Mỹ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,6%, mức tăng thấp nhất của nước này trong gần 30 năm qua. Đòn tấn công tăng thuế của Mỹ đã thiệt hại đặc biệt lớn đối với khu vực sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu, lượng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc suy giảm, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất và đóng băng các quyết định về đầu tư và thuê nhân công.

Ít nghiêm trọng hơn đối thủ, song kinh tế Mỹ cũng hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực với thể hiện rõ ràng nhất là tăng trưởng vốn ổn định thời gian trước đã suy giảm từ tháng 12-2018.

Mới đây, khoảng 40 tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Mỹ đã gửi thư đến chính quyền Tổng thống Donald Trump khẩn thiết yêu cầu chấm dứt cuộc chiến thuế quan vì nó đang gây ra những tác động không hề nhỏ cho hoạt động kinh tế.

Cuộc chiến tranh thương mại “lưỡng bại câu thương” giữa Mỹ và Trung Quốc còn phủ bóng u ám lên thương mại và kinh tế toàn cầu. Suy giảm của kinh tế toàn cầu như nhận định của các tổ chức và định chế tài chính lớn nhất thế giới về lâu dài cũng làm trầm trọng thêm “vết thương” chiến tranh thương mại của cả Trung Quốc và Mỹ.

Tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và khốc liệt là điều tất cả cùng mong muốn, đặc biệt là hai bên trực tiếp tham chiến là Trung Quốc và Mỹ, song lại tùy thuộc vào sự “mặc cả” trong đàm phán. Đánh giác lạc quan từ Washington cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang đi tới gần thỏa thuận cuối cùng để tháo “ngòi nổ” của cuộc chiến tranh thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại