Một thuở độc cô cầu bại
Thời còn thắt đai, khoác võ phục, Nguyễn Văn Hùng là độc cô cầu bại trong làng taekwondo Đông Nam Á. Cái danh xưng ấy xứng với Hùng, khi mà ở khu vực, chàng trai sinh năm 1980 người xứ Thanh không có đối thủ.
Bước ra khỏi biên giới khu vực, Nguyễn Văn Hùng cũng chứng tỏ được đẳng cấp với HCB giải VĐTG năm 2000, HCB Asiad 2002, HCĐ Asiad 1998. Để hiểu Nguyễn Văn Hùng, nên tìm đến các ông Trương Ngọc Để hay Nguyễn Đăng Khánh - những ông thầy biến Hùng từ một võ sĩ tiềm năng trở nên bất bại trong khu vực.
"Hùng là một võ sĩ tôi ưng ý nhất, vì cậu ta không chỉ tài năng, mà còn có ý thức tập luyện rất tốt. Ai cũng biết, một tài năng nếu không được tôi rèn, không có ý thức kỷ luật thì chắc chắn tài năng đó sẽ chẳng đi đến được đỉnh cao", cựu HLV trưởng đội tuyển taekwondo Việt Nam Nguyễn Đăng Khánh cho biết.
Một ông thầy khác, ông Trương Ngọc Để - chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam thì chia sẻ: "Nguyễn Văn Hùng là một VĐV taekwondo xuất sắc trong các thời kỳ. Hùng luôn không ngừng học hỏi để tiến bộ. Hùng cũng chịu khó nghiên cứu đối thủ và khi tập luyện thì với khối lượng luôn gấp đôi các VĐV khác. Những đức tính đó làm nên con người của em, một độc cô cầu bại".
Cũng theo các chuyên gia nói trên, trên sàn đài khu vực, chẳng cao thủ nào chịu nổi những đòn đạp, đòn đá cầu vồng ngược của Nguyễn Văn Hùng và đặc biệt, mỗi khi võ sĩ này tung tuyệt chiêu axe kick (đá chẻ) uy lực, các đối thủ đều phải nằm sàn. Thế nên, trong 5 lần liên tiếp tham dự SEA Games từ năm 1999, Nguyễn Văn Hùng mới lấy vàng dễ như trở bàn tay.
Đi ngủ cùng cừu non, thức giấc với sơn ca
Leo lên đỉnh cao rất khó, duy trì vị thế thống trị trên đỉnh mà các đối thủ đều muốn đánh tuột xuống càng khó hơn. Vậy đâu là bí quyết giúp Nguyễn Văn Hùng thành công và duy trì thành công?
Nhà vô địch SEA Games 5 lần liên tiếp chia sẻ: "Để thành công, tiêu chí đầu tiên Hùng đặt ra là sự chăm chỉ tập luyện, hi sinh cho công việc của mình. Hi sinh ở đây là gì, với thể thao, nên dậy sớm, đừng có thức khuya, đừng có ăn nhậu và không sex quá đà, thậm chí là kiêng cữ sex. Sống một cuộc sống không phải lành mạnh, mà là siêu lành mạnh. Giống như là bạn đang đi tu vậy".
Tác giả của những cú axe kick tại SEA Games được đánh gia rất cao về đòn thế và thể lực. Nhưng Nguyễn Văn Hùng chơi taekwondo không chỉ bằng những đòn tay, đòn chân, mà còn bằng cả cái đầu.
Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Thể thao ngay nay buộc các vận động viên phải có sự hiểu biết. Trí thông minh rất cần thiết, để mình bắt nhịp tất cả những gì mới nhất về nghề nghiệp của thế giới, của châu lục và khu vực. Phải nghiên cứu về đối thủ của mình, về hạng cân của mình và tất cả những gì thuộc về khoa học liên quan. Ví dụ môn của mình thì mình cần phải tập tạ thế nào cho phù hợp nhất".
Cuộc sống lành mạnh, chăm chỉ tập luyện và quan sát thế giới để học hỏi. Những yếu tố đó cũng được Nguyễn Văn Hùng trong vai trò HLV taekwondo truyền lại cho thế hệ đàn em. Vậy nên, những lớp học trò qua tay Văn Hùng đào tạo đều thành công, tiêu biểu nhất là người em trai Nguyễn Trọng Cường, cũng là một nhà vô địch SEA Games.
Muốn đổi cả rổ vàng SEA Games lấy tấm đồng Olympic
Năm 2010, sau 2 thập kỷ gắn bó với sự nghiệp thi đấu, Nguyễn Văn Hùng luôn bị áp chỉ tiêu vàng ở mọi giải đấu anh tham gia. Mỗi năm, Hùng tham gia hàng chục giải thi đấu lớn nhỏ, từ cấp quốc gia, châu lục cho tới quốc tế.
Bản thân Nguyễn Văn Hùng cũng không nhớ nổi mình giành được bao nhiêu huy chương trong 20 năm, mà những tấm huy chương ở SEA Games, Asiad, vô địch thế giới… cũng chỉ nằm lọt thỏm trong số "khoảng một rổ huy chương" của tôi.
Số huy chương của "độc cô" xứ Thanh được tính bằng… "đơn vị rổ". Nhưng buồn thay, trong số ấy lại không có nổi một tấm huy chương Olympic danh giá.
Nguyễn Văn Hùng thừa nhận: "Nếu anh nói mình là VĐV thể thao và muốn khoe thành tích thì trên thế giới người ta chẳng biết SEA Games, Asiad, giải châu Á hay giải Vô địch thế giới là cái gì và họ cũng chẳng có nhu cầu tìm hiểu. Người ta chỉ biết Olympic, vì nó mới là thước đo của đỉnh cao thể thao".
Vậy nên, rất thật, Nguyễn Văn Hùng mới quả quyết: "Bản thân tôi cũng thất vọng vì không đạt được huy chương Olympic, vì đó là mơ ước cuối cùng của một VĐV. Tôi sẵn sàng mang tất cả HCV SEA Games và cả mấy trăm huy chương khác chỉ để đổi lấy một tấm huy chương đồng Olympic".
Thật ra, đẳng cấp của Nguyễn Văn Hùng đã vượt ra khỏi biên giới khu vực, vươn tầm thế giới và có khả năng tranh chấp huy chương Olympic. Nhưng buồn cho "giấc mơ cuối cùng" của Hùng khi cứ vào dịp tranh tài Olympic thì anh lại dính chấn thương.
Đơn cử như Olympic Bắc Kinh năm 2008. Năm đó, Nguyễn Văn Hùng đang ở đỉnh cao phong độ và xếp thứ 4 trong danh sách những VĐV taekwondo xuất sắc nhất thế giới, nghĩa là độc cô xứ Thanh hoàn toàn có thể nghĩ tới huy chương Olympic, ít nhất là HCĐ.
Nhưng trong đợt tập huấn trước ngày lên đường sang Bắc Kinh tại Iran, Hùng lại bị đá gãy tay trong một buổi tập. Vì "giấc mơ cuối cùng", Hùng nén đau đến Bắc Kinh và rốt cuộc, anh thất bại vì không có thể lực tốt nhất. Nguyễn Văn Hùng buồn bã nhớ lại: "Năm 2004 cũng như 2008, cứ mỗi lần Olympic mình lại dính chấn thương. Mình nghĩ số phận cũng có phần nghiệt ngã với khát vọng lớn nhất của mình".
Hy sinh cho thể thao thì không tiếc nuối
Giấc mơ Olympic dang dở phần nào nói lên nỗi ám ảnh chấn thương và những khó khăn mà những VĐV đỉnh cao như Nguyễn Văn Hùng phải đối mặt.
Quả thực, người hâm mộ chỉ thấy những tấm huy chương, chứ ít ai biết để mang về vinh quang cho thể thao nước nhà, những VĐV như Hùng phải trải qua không ít thời khắc tồi tệ, thậm chí tuyệt vọng mà nếu không có quyết tâm, con người ta sẽ gục ngã.
Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Chơi bất cứ môn thể thao nào bạn cũng phải hy sinh và chắc chắn sẽ phải trả giá. Tôi đã trải qua 20 năm thi đấu và thành công, nhưng bên cạnh đó phải trả giá không ít".
"Một bộ môn như taekwondo làm sao tránh khỏi chấn thương. Mình chấn thương đầy trên cơ thể, đứt dây chằng gối, vỡ sụn gối, gãy tay, gãy chân, gãy răng, sái quai hàm… nhưng nặng nhất vẫn là đứt dây chằng".
Chấn thương nặng nhất của Nguyễn Văn Hùng là đứt dây chằng chéo sau khi tham gia giải Hoàng tử Albert tại Monaco năm 2006. Nguyễn Văn Hùng được chuyển sang Singapore phẫu thuật. Người phẫu thuật cho Văn Hùng là Tan Jee Lim - vị bác sĩ giỏi đã quá đỗi quen thuộc khi phẫu thuật cho nhiều cầu thủ Việt Nam như Phan Văn Tài Em, Đình Luật…
Nguyễn Văn Hùng thổ lộ: "Bác sĩ Tan Jee Lim khi mổ xong nói tôi cần mất 2 năm mới có thể tập luyện trở lại. Các thầy và đồng đội tôi cũng lo lắng, nghĩ tới kết cục tôi có thể giải nghệ. Nhưng tôi nói với tất cả rằng, với cá tính và quyết tâm của tôi, tôi chỉ cần 1 năm là có thể trở lại".
Và không phải 1 năm, mà chỉ 7 tháng sau, Nguyễn Văn Hùng đã làm ngạc nhiên tất cả, từ bác sĩ, HLV, đồng đội cho tới đối thủ khi trở lại tập luyện và rồi… lại vô địch SEA Games (2007). Nguyễn Văn Hùng cho rằng: "Tôi không bao giờ tuyệt vọng và luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn nhất. Thể thao như tôi nói, phải có hy sinh, mà hy sinh cho thể thao thì chẳng có gì phải tiếc nuối".
Vậy nên chiến thắng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của Nguyễn Văn Hùng không phải là những chiến thắng ở SEA Games hay Asiad, mà là "chiến thắng chính mình", là "gượng dậy khi tất cả đã nghĩ mình phải bỏ cuộc".
Dùng taekwondo để tỏa sáng trên sân bóng rổ
Nhưng sự nghiệp của chàng trai đa tài Nguyễn Văn Hùng không chỉ có taekwondo. Anh giờ là ngôi sao bóng rổ - môn thể thao đang trở lại mạnh mẽ ở Việt Nam và nhận được sự ngưỡng mộ, quan tâm đặc biệt của người hâm mộ.
Với chiều cao 1,94m, ý chí, đam mê và khổ luyện, Nguyễn Văn Hùng từ hiện tượng lạ nhanh chóng trở thành ngôi sao bóng rổ, được đánh giá cao vì công thủ toàn diện, nhờ khả năng di chuyển linh hoạt, kỹ năng lách người mau lẹ, cùng những pha bắn, lên rổ ghi điểm cực tốt.
Hùng chính thức chơi chuyên nghiệp cho CLB Joton TP.HCM năm 2007, tức thời điểm anh vẫn còn là VĐV Taekwondo. Cùng với CLB này, Nguyễn Văn Hùng thành công với 2 danh hiệu vô địch Cúp liên đoàn vào các năm 2010, 2011. Tới năm 2014, Nguyễn Văn Hùng cùng Joton vô địch quốc gia, qua đó anh trở thành VĐV duy nhất của Việt Nam vô địch ở hai bộ môn khác nhau.
Sự nghiệp bóng rổ của Nguyễn Văn Hùng tiến thêm một bước mới khi vào năm 2015, anh gia nhập Saigon Heat, đội bóng được đầu tư mạnh, sở hữu nhiều ngôi sao và thi đấu ở giải vô địch quốc gia VBA và giải Nhà nghề Đông Nam Á ABL. Và hiện tại, Nguyễn Văn Hùng đã trở thành tân binh đáng chú ý nhất của Thang Long Warriors.
Cũng giống như môn taekwondo, Hùng đến với bóng rổ, trở thành ngôi sao cũng là do… cơ duyên. Anh cho biết: "Bóng rổ đến với mình nó cũng là cơ duyên, một niềm đam mê. Năm 1998 mình được gọi tập trung đội tuyển quốc gia taekwondo. Từ Thanh Hóa vào Sài Gòn, mình chẳng biết bóng rổ là gì cả".
"Nhưng sau các buổi tập taekwondo, các thầy thường cho VĐV chơi bóng rổ để làm trò chơi vận động hòng phát triển thể lực nên mình đam mê nó từ đó. Mình lấy bóng rổ để thay cho những trò tiêu khiển khác. Đến bây giờ thì như mọi người biết, mình đang thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp".
Trong quá khứ, Nguyễn Văn Hùng chơi bóng rổ để rèn thể lực cho taekwondo. Giờ thì ngược lại, taekwondo có những tác dụng nhất định để làm cho Nguyễn Văn Hùng trở nên khác biệt trên sân bóng rổ.
"Mọi môn thể thao đều có sự hỗ trợ lẫn nhau. Taekwondo có những kỹ năng phòng thủ rất tốt hay những động tác tấn có thể hỗ trợ bóng rổ trong những pha va chạm. Ở ABL, những cầu thủ nước ngoài rất cao to nhưng mình không ngán va chạm. Nếu mình rụt rè và không có những thế tấn, thế phòng thủ tốt chắc chắn mình sẽ bị họ đè ngay".
Vậy nên cũng như môn Taekwondo, trong làng bóng rổ, Nguyễn Văn Hùng nhận được sự nể trọng của các đồng đội. Lenny Daniel - đồng đội cũ của Văn Hùng ở CLB Saigon Heat thổ lộ:
"Nguyễn Văn Hùng là cầu thủ tràn đầy sinh lực. Kỹ năng dứt điểm của anh ấy rất tốt và ở đẳng cấp của một ngôi sao bóng rổ thực thụ. Chúng tôi luôn ngưỡng mộ anh ấy, bởi anh ấy luôn nỗ lực hết mình ở từng trận đấu, cho tới cuối trận đấu để ngày một hoàn thiện mình hơn".
Đấu trường cũ, khát vọng mới
Thi đấu xuất sắc trong màu áo Saigon Heat ở VBA cũng như ABL hai năm qua đã giúp Nguyễn Văn Hùng được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Và phía trước Nguyễn Văn Hùng lại là đấu trường SEA Games.
Chàng chiến binh mới của Thang Long Warriors quả quyết: "Thú thật trước đây mình chán SEA Games lắm. Vì chơi mãi mà không có đối thủ thì chơi làm cái gì, nó chẳng có gì hấp dẫn lôi cuốn nữa".
"Nhưng SEA Games năm nay thì khác. Giờ đây mình trở lại với môn tập thể. Như mọi người biết, bóng rổ ở Việt Nam đang phát triển, chưa thực sự mạnh nhưng được giới trẻ quan tâm, nên mình cũng cảm thấy tự hào.
Mình muốn cho mọi người thấy rằng, ai cũng có thể chơi được bóng rổ nếu đam mê và nghiêm túc. Mình cũng muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ, rằng ở cái tuổi của mình vẫn có thể tham gia thi đấu đỉnh cao".
Bóng rổ Việt Nam mới trở lại, còn thua xa những đối thủ như Philippines, Singapore hay Indonesia. Thế thì Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng gì khi đặt mục tiêu trở lại SEA Games? Anh cho biết: "Với bóng rổ thì mình không còn là độc cô cầu bại nữa. Nhưng mình lúc nào cũng thi đấu hết mình".
Cởi bỏ tấm áo độc cô cầu bại của con nhà võ để trở lại SEA Games, nhưng chắc chắn trên sân bóng rổ, trong màu áo tuyển Việt Nam, Nguyễn Văn Hùng sẽ vẫn thi đấu với tinh thần võ sĩ, vì sứ mệnh mới còn hơn cả một tấm huy chương…